Trong màn mưa, màu xanh của rừng như sẫm lại. Qua khỏi cánh rừng keo chừng 4 - 5 tuổi đang nở hoa, mở ra trước mắt tôi một không gian rộng như chìm trong làn mưa mỏng. Thấp thoáng xa xa, nhiều bóng người đang lom khom mải miết. Anh Kiên cho biết : “Hàng năm, cứ vào độ tháng 11 âm lịch, người dân vùng này lại bắt tay vào vụ trồng rừng, mùa trồng rừng có thể kéo dài đến hết tháng giêng âm lịch. Những ngày này núi rừng sôi động hẳn lên. Những năm gần đây, rừng đã đem lại cuộc sống ấm no cho nhiều người nên ai cũng vào cuộc với tinh thần rất hăng hái, phấn khởi. Rừng của ai người đấy trồng thì rất vất vả nên những người dân ở đây thường đổi công cho nhau”. Anh cho biết thêm: “Đừng nghĩ trồng rừng là đơn giản, nó cũng đòi hỏi phải nhiều kỹ thuật lắm đấy, phải tính đến khoảng cách, độ rộng và chiều sâu của hố, cuốc hố và cách đặt gốc…,nói chung là người trồng phải tìm hiểu kỹ”. Tuổi thơ anh Kiên đầy ắp những kỷ niệm với rừng, sống và lớn lên gắn bó với những cánh rừng nên thấy yêu rừng lắm.
Chị Hà Thị Dự thì khác. Sau nhiều năm đi làm công nhân, lương ba cọc ba đồng không đủ ăn, cuối cùng chị nhận ra rằng không đâu bằng quê nhà, không đâu có thể cho chị cuộc sống với tâm hồn thoải mái như cánh rừng quê hương, dù rằng cuộc sống ấy chưa được đầy đủ. Chị tâm sự: “Nhờ Nhà nước có chủ trương giao đất, giao rừng nên với trách nhiệm quản lý và bảo vệ, mình được hưởng lợi từ rừng, cộng với sự hỗ trợ và vốn vay, tôi cũng như nhiều người khác mạnh dạn đầu tư trồng rừng ở những vùng đất trống đồi núi trọc. Kinh tế gia đình nhờ thế mà khá hẳn lên”. Trước kia, chị ra đi cũng vì cuộc sống quê nhà nghèo khổ quá, bây giờ chị đã nghĩ khác: cuộc sống thiếu hay đủ là do cách chúng ta đối xử với rừng. Rừng luôn đãi ngộ, chỉ có điều chúng ta không biết nhận lấy hoặc chỉ có biết nhận mà không biết đáp trả. Thấy tôi nâng những ngọn cây con trông có vẻ ủ rũ dưới màn mưa, chị cười và nói rằng: “Mới trồng nên nhìn vậy đấy, chỉ vài ngày thôi là chúng sẽ vươn lên mạnh mẽ”.
Tôi tìm gặp anh Phan Văn Thành. Cũng như chị Dự, anh Thành từng ly hương với mong muốn đổi đời. Thế nhưng, để có miếng cơm manh áo nơi đất khách quê người, đâu dễ. Nghe tin quê nhà có nhiều người giàu lên từ rừng, thế là anh trở về. Tạm ngừng tay, đôi mắt xa xăm nhưng vẫn ngời lên nét mạnh mẽ trên gương mặt sạm đen, từng trải, anh tâm sự: “Thời gian đầu mình bỏ công tìm hiểu từ những tay nổi tiếng về rừng ở Yên Bình và Văn Yên, thấy họ trồng keo, trồng quế có trong tay hàng trăm triệu đồng, mình thấy ham lắm! Với suy nghĩ, những nơi khác có núi, có rừng, quê mình cũng có núi, có rừng tại sao họ làm được mà mình không làm được?”. Thế là anh cùng nhiều hộ dân khác mạnh dạn đầu tư, phát triển mạnh phong trào trồng rừng nguyên liệu với mô hình theo hướng nông lâm kết hợp nên đã phát huy được hiệu quả kinh tế.
Chỉ tay lên rừng quế um tùm phía sau nhà, anh cho biết: “Lúc mới trồng quế, phải mất mấy tháng học hỏi bà con xã Đại Sơn (huyện Văn Yên) cách trồng và chăm sóc quế, tận dụng tối đa diện tích đất sản xuất và giải quyết được nhu cầu về vốn thông qua việc lấy ngắn nuôi dài bằng cách khai thác những cây trồng ngắn ngày như sắn, ngô để lấy vốn đầu tư phát triển cây trồng lâu năm. Nhờ vậy, kinh tế của nhiều hộ dân và gia đình mình dần ổn định, cuộc sống giờ đây khá hơn trước rất nhiều”. Cách làm này không những đem lại hiệu quả kinh tế mà còn là phương cách chống được độ xói mòn, giữ được ẩm cho đất, tạo nên mô hình canh tác bền vững trên đất dốc…
Chia tay những người trồng rừng, tôi mang theo âm hưởng của núi rừng về thành phố. Dù gió mưa có cóng da buốt thịt nhưng trong tôi vẫn ấm lên niềm vui khó tả. Quản lý, bảo vệ, trồng và khai thác rừng hợp lý đã và đang là một hoạt động kinh tế có hiệu quả, tạo nên phong trào mạnh mẽ diễn ra ở hầu hết khắp các huyện miền núi. Và chợt nghĩ, khi núi rừng được con người trả lại mầu xanh vốn có của nó thì khí hậu sẽ tốt hơn và thiên tai sẽ không khắc nghiệt.
Quang Thiều
Ý kiến bạn đọc
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu