Vận tải hành khách bằng ô tô ở Yên Bái thời gian gần đây nổi lên nhiều chuyện khá phức tạp. Sự nở rộ của các đơn vị kinh doanh, sự đầu tư mới phương tiện vận tải hiện đại với tần suất (tuyến Yên Bái – Hà Nội) dày đặc khiến các nhà xe cạnh tranh quyết liệt. Đã xuất hiện tình trạng nhà xe chèn ép nhau, thậm chí lái phụ xe gây hấn, hành hung nhau khiến người đi xe bức xúc, hoảng sợ. Không chỉ là chuyện “cung - cầu”, đó còn là khoảng trống về văn hoá giao thông và thiếu sự thiếu sự kiểm tra, chấn chỉnh kịp thời từ phía cơ quan chức năng...
Các giám đốc doanh nghiệp vận tải hành khách bằng ô tô (gọi tắt là vận tải hành khách) tuyến Yên Bái-Hà Nội đều lắc đầu ngao ngán khi chúng tôi hỏi chuyện làm ăn. Ông Đoàn Văn Thu - Giám đốc Công ty cổ phần Vận tải Thuỷ bộ Yên Bái bức xúc: “Thị trường bằng cái bàn tay nhưng quá nhiều đơn vị kinh doanh vận tải hành khách cùng tuyến. Riêng Bến xe khách Yên Bái do Công ty quản lý, tuyến Yên Bái - Hà Nội cứ 15 phút một chuyến xuất bến. Xe của Công ty chạy trên tuyến hiện có 45 xe, tần suất có thể chỉ còn khoảng 10 phút/chuyến vì còn hàng chục xe của các đơn vị kinh doanh cùng tuyến nữa”.
Giám đốc Công ty TNHH Thương mại& Dịch vụ Hải Phượng Phạm Tuấn Hải cũng vô cùng ngán ngẩm. Mạnh dạn đầu tư trên 40 tỷ đồng xây dựng bến bãi, phương tiện vận tải chất lượng cao với 7 xe chạy tuyến Yên Bái – Hà Nội từ 6h00 – 16h15 phút, hành khách đi xe đang tín nhiệm dịch vụ này của đơn vị nhưng ông Hải cho biết tình hình kinh doanh của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn do bị cạnh tranh không lành mạnh trong vận tải. Sự nở rộ của các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách là nguyên nhân chính khiến cạnh tranh của các nhà xe ngày càng quyết liệt, nhiều đơn vị đã đầu tư phương tiện hiện đại với số vốn hàng chục tỷ đồng để thu hút khách.
Điển hình là Công ty cổ phần Vận tải Thuỷ bộ Yên Bái với 45 xe chạy trên tuyến, trong đó có 4 xe Hyundai mới đầu tư trị giá trên 10 tỷ đồng. Công ty TNHH Thương mại & Dịch vụ Hải Phượng hiện có 11 xe chất lượng cao với số vốn đầu tư khoảng 20 tỷ đồng... Thống kê chưa chính thức, Yên Bái hiện có 7 đơn vị kinh doanh vận tải hành khách có xe chạy tuyến Yên Bái - Hà Nội với số đầu xe gần 90 chiếc, chưa kể xe từ các tỉnh tham gia vận tải hành khách trên địa bàn.
Đầu tư lớn để nâng cao chất lượng phương tiện nhưng thị trường nhỏ hẹp, doanh thu của các nhà xe đã giảm mạnh, sự tranh giành khách đã diễn ra với những hành vi khó chấp nhận và hành khách là người lĩnh đủ.
Tình trạng xe “rùa” khi xuất bến xuất hiện ở Yên Bái vài năm nay. Từ mươi chiếc xe “rùa” những năm trước bây giờ người ta thấy cả đàn “rùa bò” trên đường thành phố. Hành khách đi xe ai cũng hiểu là xe “bò” như thế để kiếm khách, bức xúc mãi cũng thành quen, nhưng người ta không thể quen được khi các lái xe chèn xe nhau, dong xe, quay ngang xe chặn nhau, chửi mắng, gây hấn để tranh giành khách.
Thời gian gần đây, liên tục xảy ra những vụ xô xát gây bức xúc và hoảng sợ cho hành khách của lái, phụ xe Công ty cổ phần Vận tải Thủy bộ Yên Bái với xe của Công ty TNHH Thương mại & Dịch vụ Hải Phượng, HTX Vận tải Quyết Tiến. Nhiều lá đơn của lái, phụ xe bị gây hấn, hành hung; hành khách đi xe (có địa chỉ, số điện thoại) đã gửi tới cơ quan chức năng; các doanh nghiệp cũng có nhiều văn bản gửi lãnh đạo cơ quan liên quan với trách nhiệm báo cáo tình hình sự việc. Riêng Công ty TNHH Thương mại & Dịch vụ Hải Phượng đã cho ghi hình những diễn biến không lành mạnh trên tuyến, in sao thành đĩa làm minh chứng cho lãnh đạo ngành chức năng.
Rốt cuộc, cơ quan quản lý Nhà nước là Sở Giao thông-Vận tải Yên Bái cũng thể hiện trách nhiệm của mình bằng văn bản số 717/GTVT-TTR ngày 13.10.2009 về việc kiểm tra giáo dục và xử lý hành vi vi phạm quy định vận tải hành khách của lái, phụ xe. Văn bản này nêu rõ: “Đề nghị Công ty cổ phần Vận tải Thuỷ bộ Yên Bái tổ chức kiểm điểm lái xe, nhân viên phục vụ trên xe, làm rõ hành vi vi phạm, chấm dứt ngay hành vi thiếu văn hoá trong quá trình hoạt động chở khách. Nếu những hành vi vi phạm trên còn tái diễn, Sở Giao thông - Vận tải xem xét từng trường hợp cụ thể xử lý theo quy định, kể cả việc cắt tuyến hoạt động của xe vi phạm”.
Văn bản trên có thể coi là chủ động trong xử lý vụ việc nhưng rõ ràng là động thái bị động của cơ quan quản lý Nhà nước khi những lộn xộn trong lĩnh vực vận tải hành khách đã ở mức báo động. Theo chúng tôi, việc xử lý vi phạm cũng như giáo dục ý thức cho lái, phụ xe của doanh nghiệp là cần thiết nhưng chỉ là giải pháp “cành ngọn”, vấn đề “gốc rễ” là sự quản lý, điều tiết, điều chỉnh kịp thời của Sở Giao thông - Vận tải; phối hợp thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm của các cơ quan chức năng.
Thị trường vận tải hành khách bằng ô tô đang rất phức tạp, tiềm ẩn nhiều nhân tố mất an toàn giao thông và trật tự xã hội, cần có sự vào cuộc đồng bộ, ngay lập tức của cơ quan hữu quan để thị trường vận tải hành khách đi vào nền nếp, trước mắt là dịp tết Nguyên đán 2010.
T.A
Ý kiến bạn đọc
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu