Yên Bái: Vì đâu đàn bò có xu hướng giảm?
- Cập nhật: Thứ sáu, 5/2/2010 | 9:40:00 AM
YBĐT - Nhìn vào việc tăng đàn bò của tỉnh Yên Bái trong thời gian này cho thấy, số lượng tuy nhiều nhưng chủ yếu là do nhập đàn cơ học, việc tăng đàn này không phản ánh trung thực sự phát triển bền vững của đàn bò.
Đàn bò của một hộ dân ở Văn Chấn.
(Ảnh: Ngọc Sơn)
|
Vì vậy, từ năm 2008 đến năm 2009, khi các chính sách về phát triển chăn nuôi bò "tạm thời lắng xuống" thì đàn bò cũng bắt đầu có xu hướng giảm. Thời điểm đầu tháng 10 năm 2009, toàn tỉnh có 34.313 con bò, giảm 5,86% so với năm 2008 và 9% so với năm 2007.
Chăn nuôi đại gia súc vốn được coi là lợi thế của một tỉnh miền núi như Yên Bái. Trong quy hoạch phát triển chăn nuôi, tỉnh đã đề ra mục tiêu phát triển đàn bò theo hướng sản xuất thịt và đến năm 2010 toàn tỉnh có 40.000 con bò, năm 2015 có 50.000 con bò.
Từ năm 2005, với những chính sách ưu tiên phát triển đàn bò như: hỗ trợ 1 triệu đồng/một bò cái sinh sản được mua từ tỉnh ngoài về; hỗ trợ 3 triệu đồng cho các hộ đặc biệt khó khăn phát triển chăn nuôi bò và nhiều dự án khác cũng có hợp phần hỗ trợ phát triển chăn nuôi bò như Dự án Chia sẻ, Dự án Giảm nghèo, Dự án "Ngân hàng bò"... cũng hỗ trợ người dân mua bò cái sinh sản. Ngoài ra, người chăn nuôi tham gia các dự án còn được hỗ trợ tiền làm chuồng, trồng cỏ làm thức ăn xanh.
Kết quả là từ năm 2005 đến năm 2007, đã có gần 9.000 bò cái sinh sản được mua từ ngoại tỉnh về; có trên 600 hộ nuôi từ 5 bò cái sinh sản trở lên và trở thành nhân tố quan trọng để đưa đàn bò của tỉnh "nhảy vọt" về số lượng lên 38.000 con vào năm 2007.
Nhìn vào việc tăng đàn bò của tỉnh trong thời gian này cho thấy, số lượng, tuy nhiều, nhưng chủ yếu là do nhập đàn cơ học, việc tăng đàn này không phản ánh trung thực sự phát triển bền vững của đàn bò. Vì vậy, từ năm 2008 đến năm 2009, khi các chính sách về phát triển chăn nuôi bò "tạm thời lắng xuống", thì đàn bò cũng bắt đầu có xu hướng giảm.
Thời điểm đầu tháng 10 năm 2009, toàn tỉnh có 34.313 con bò, giảm 5,86% so với năm 2008 và 9% so với năm 2007.
Nguyên nhân nào dẫn đến việc đàn bò có xu hướng giảm? Nhìn vào thực trạng chăn nuôi bò của tỉnh hiện nay thấy rằng, chủ yếu là do các nguyên nhân sau:
Thứ nhất là chạy theo phong trào: Có thể thấy rằng, từ cuối năm 2004 đến năm 2006, có hàng nghìn hộ tham gia dự án chăn nuôi bò, trong số đó có không ít những hộ không đủ điều kiện chăn nuôi cũng tham gia theo kiểu "thấy người ăn khoai cũng vác mai đi đào" để có thể nhận được tiền hỗ trợ của Nhà nước. Cơn sốt đã đẩy giá bò lên cao gần gấp rưỡi so với đầu năm 2004; chất lượng đàn bò không được kiểm soát tốt.
Đến cuối năm 2006, giá bò giảm, đáng lẽ ra phải giữ lại bò để chờ cho giá trở lại bình ổn thì nhiều hộ dao động cộng với việc không có nhân lực chăn thả, thiếu thức ăn đã bán bò, dẫn đến việc đàn bò giảm đột ngột từ 38.000 con năm 2007 xuống chỉ còn 36.000 con năm 2008.
Thứ hai là thiếu thức ăn: Mặc dù các nhà chuyên môn cũng đã xác định "chìa khóa" cho việc phát triển chăn nuôi bò là phải giải quyết vấn đề thức ăn. Các chính sách hỗ trợ của tỉnh cũng đã chú trọng đến phát triển việc trồng cỏ làm thức ăn cho đàn trâu, bò. Từ chỗ toàn tỉnh chỉ có gần 100 ha cỏ trồng năm 2004, thì đến nay đã có gần 1.000 ha. Tuy nhiên, hầu hết cỏ được trồng tận dụng, thiếu sự đầu tư, chăm sóc nên năng suất không cao.
Nếu mỗi héc-ta cỏ cho sản lượng 170 tấn/năm thì số diện tích cỏ này vẫn chỉ là "muối bỏ biển", bởi nó mới chỉ đáp ứng được khoảng gần 10% lượng thức ăn xanh cho trên 136 nghìn con trâu, bò của tỉnh.
Việc thiếu thức ăn, thiếu bãi chăn thả, đặc biệt tại vùng thấp đã dẫn đến hàng loạt các hộ không chọn chăn nuôi bò trong sản xuất. Mặt khác, dưới áp lực của việc thiếu thức ăn, cũng đã làm cho các hộ nuôi bò không thể duy trì một cơ cấu đàn hợp lý. Do hầu hết các hộ bán bò ở độ tuổi còn quá non (từ 8 đến 12 tháng), điều này dẫn đến việc không khai thác hết khả năng sản xuất của bò và số lượng đàn bò giảm.
Thứ ba là tập quán chăn nuôi: Tiềm năng có thể phát triển đàn bò hiện nay tập trung ở vùng cao. Tuy nhiên, do tập quán từ lâu đời, con trâu vẫn được người dân "trọng dụng" hơn do trâu còn dùng được vào việc cày kéo. Chính vì vậy, chẳng cần có những chính sách hỗ trợ mạnh thì đàn trâu của tỉnh hàng năm vẫn tăng đều đều 2,5%/năm.
Điển hình là, nhiều hộ được hỗ trợ trong Đề án chăn nuôi bò nghèo tại vùng cao đã tự bán bò để mua trâu. Người dân chưa thấy được lợi thế so sánh của con bò so với con trâu là nhu cầu về thức ăn thấp hơn 15-20%; hệ số sinh sản nhanh gấp 1,3 đến 1,5 lần. Ngoài ra, nếu được huấn luyện thì con bò hoàn toàn có thể thay thế con trâu trong việc cày kéo.
Một vấn đề nữa là, do tập quán chăn nuôi lạc hậu, cho nên hệ số sinh sản của đàn bò tại vùng cao là rất thấp, bò ngày càng thoái hóa trọng lượng nhỏ. Qua khảo sát tại một số xã ở Mù Cang Chải cho thấy khoảng cách giữa các lứa đẻ của bò lên tới 20 tháng, cho nên khả năng tăng đàn hàng năm không cao.
Thứ tư là hiệu quả chăn nuôi chưa cao: Cũng phải thừa nhận một vấn đề rằng, nếu một loại vật nuôi nào đó đem lại hiệu quả kinh tế cao, thì "không cần phải bảo" và tự nó sẽ cũng sẽ phát triển. Việc chăn nuôi bò không phát triển được một phần cũng là do hiệu quả kinh tế đem lại chưa cao, khó có thể chăn nuôi với quy mô lớn.
Qua khảo sát tại 69 xã vùng thấp cho thấy, có 2.450 hộ chăn nuôi bò (chiếm khoảng 7% số hộ), trung bình mỗi hộ chỉ nuôi 2 bò cái sinh sản với 85% là giống bò nội, cho năng suất thấp. Nếu bò sinh sản mỗi năm cho 1 con bê thì sau 12 tháng nuôi bò mẹ và 12 tháng nuôi bê, có thu nhập khoảng 3 đến 5 triệu đồng. Việc chăn nuôi như vậy chỉ phù hợp với vùng cao, tận dụng lao động phụ, còn với vùng thấp có nhiều vật nuôi để các hộ lựa chọn như: chăn nuôi lợn, chăn nuôi gia cầm tập trung... đem lại hiệu quả cao hơn.
Điển hình như hộ anh Nguyễn Tất Thắng ở xã Phú Thịnh (Yên Bình), một hộ được xếp vào diện làm ăn giỏi vào thời điểm năm 2006 nuôi tới 13 bò cái sinh sản, đến nay gia đình chuyển hoàn toàn sang chăn nuôi lợn thịt. Xã Giới Phiên, (T.P Yên Bái) năm 2005 có trên 50 bò cái sinh sản, hiện nay chỉ còn có 2con.
Để nâng cao hiệu quả trong chăn nuôi bò hiện nay, ngoài việc cần phải đẩy mạnh việc cải tạo nâng cao tầm vóc đàn bò, chọn lọc con giống cho hệ số sinh sản cao.
Ngoài ra, phải kéo dài thời gian nuôi bò thương phẩm lên 18 đến 20 tháng để khai thác tối ưu khả năng sản xuất thịt của đàn bò (chỉ riêng việc khai thác bò ở độ tuổi 18 đến 20 tháng, so với 12 tháng như hiện nay, không những có thể làm tăng số lượng đàn bò tại thời điểm điều tra lên tới 8 - 10% mà còn có thể tăng sản lượng thịt hàng năm tới 30-35%).
Ngoài các vấn đề trên, cũng cần phải có chính sách ưu tiên phát triển đàn bò, đặc biệt là đối với vùng cao, vùng sâu, vùng xa. Tại đây, mới chỉ có chính sách hỗ trợ chăn nuôi bò cho các hộ nghèo, song tại khu vực này chỉ có khoảng trên 10% số hộ chăn nuôi bò. Cho nên, cần có chính sách phù hợp để mở rộng phạm vi hỗ trợ chăn nuôi bò cho các hộ không thuộc diện hộ nghèo, tạo động lực cho phát triển chăn nuôi bò bền vững.
Nguyễn Quốc Tuấn
Các tin khác
YBĐT - Nằm trong các chính sách, dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo tỉnh giai đoạn 2006-2010, thông qua hệ thống ngân hàng chính sách xã hội, chính sách ưu đãi tín dụng cho hộ nghèo vay vốn phát triển sản xuất kinh doanh đến nay đã huy động nguồn vốn đạt trên 1.014 tỷ đồng, (đạt 132% cả giai đoạn).
Ngày 4-2, trong bối cảnh vé máy bay Tết Nguyên đán khán hiếm, Hãng hàng không quốc gia Việt Nam (VNA) công bố kế hoạch tăng thêm 136 chuyến bổ sung đợt 2 dịp Tết Canh Dần.
Ngày 4/2, Thủ tướng Chính phủ có Công văn về việc điều hành xuất khẩu gạo năm 2010.
Mức độ lạc quan của các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam tăng 10 điểm trong quý 4/2009, đạt mức cao nhất kể từ khi bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng tài chính vào quý 4/2008. Chỉ số lạc quan của các doanh nghiệp Việt Nam hiện cao nhất trong khu vực châu Á.