Thị xã Nghĩa Lộ: Doanh nghiệp mạnh, địa phương phát triển

  • Cập nhật: Thứ hai, 4/4/2011 | 3:45:43 PM

YBĐT - Trên địa bàn thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái hiện có 17 đơn vị, cơ sở kinh doanh trong đó có 3 công ty cổ phần, 3 công ty TNHH,12 doanh nghiệp tư nhân và 732 hộ kinh doanh.

Chợ Mường Lò do Công ty TNHH Chợ Mường Lò quản lý.
Chợ Mường Lò do Công ty TNHH Chợ Mường Lò quản lý.

Ưu đãi doanh nghiệp
Trong năm 2010, thị xã Nghĩa Lộ đã thực hiện một loạt chính sách ưu đãi tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, công ty, cơ sở đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh đồng thời triển khai hỗ trợ kinh phí khuyến công để đầu tư thiết bị, qui mô và thực hiện một số chính sách của Chính phủ, của tỉnh để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Cụ thể như: gia hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp cho cơ sở; hỗ trợ lãi suất cho các tổ chức, cá nhân vay vốn ngân hàng để sản xuất kinh doanh theo Quyết định 443 và 497 của Thủ tướng Chính phủ; hỗ trợ kinh phí khuyến công cho các cơ sở sản xuất kinh doanh nông sản, các mặt hàng mộc dân dụng, thủ công mỹ nghệ, xay xát…

Thị xã cũng yêu cầu các Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Chính sách xã hội tập trung cho vay hỗ trợ sản xuất, mở rộng cho vay với tất cả các thành phần kinh tế, các đối tượng được hưởng chính sách ưu tiên, tạo điều kiện thuận lợi các doanh nghiệp hạ giá thành sản phẩm,tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường…

Chính vì vậy, số lượng các doanh nghiệp, công ty TNHH, cơ sở sản xuất đăng ký vào thị xã tăng nhanh. Đến hết năm 2010, thị xã đã có 940 đơn vị, cơ sở đăng ký hoạt động sản xuất kinh doanh trong đó có 2 công ty TNHH một thành viên có vốn Nhà nước, 9 công ty cổ phần, 20 công ty TNHH tư nhân, 21 doanh nghiệp tư nhân, 9 hợp tác xã và 876 hộ kinh doanh.

Các doanh nghiệp,công ty hoạt động kinh doanh theo hướng sản xuất chế biến nông lâm sản, lương thực thực phẩm, gia công cơ khí, vận tải, thương mại dịch vụ…

Theo đánh giá, hoạt động của các doanh nghiệp đã tạo bước chuyển dịch tích cực về cơ cấu kinh tế địa phương với ngành công nghiệp xây dựng là 23,1%, ngành thương mại - dịch vụ tăng lên 55,2%; tạo thêm việc làm mới cho hơn 250 lao động, đóng góp vào ngân sách trên 7,7 tỷ đồng, chiếm 43,2% tổng thu cân đối ngân sách trên địa bàn, góp phần đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế thị xã trên 16%.

Với lợi thế là trung tâm kinh tế, văn hóa khu vực phía Tây tỉnh, một trong những lĩnh vực kinh doanh mà các doanh nghiệp đầu tư mạnh là thương mại  - dịch vụ.

Trên địa bàn có 17 đơn vị, cơ sở kinh doanh trong đó có 3 công ty cổ phần, 3 công ty TNHH,12 doanh nghiệp tư nhân và 732 hộ kinh doanh, doanh thu hàng năm đạt trên 280 tỷ đồng.

Công ty TNHH Chợ Mường Lò là một điển hình trong việc khai thác kinh doanh mang lại hiệu quả kinh tế cho doanh nghiệp và tiểu thương.

Được thành lập năm 2005 với 100% vốn của Nhà nước, chủ yếu hoạt động trên lĩnh vực kinh doanh khai thác, Công ty có tổng vốn điều lệ trên 3,5 tỷ đồng với 504 hộ kinh doanh cố định tại chợ Mường Lò, gồm: khu chợ A là 290 hộ, khu chợ C 214 hộ và hơn 500 các cá nhân, hộ kinh doanh nhỏ lẻ, công nhật.

Công ty đã tiến hành tổ chức sắp xếp và tập trung khai thác, quản lý chợ theo từng khu vực, ngành hàng một cách có hiệu quả tại các khu vực.

Hiện Công ty đang tiến hành đầu tư sửa chữa nhiều hạng mục bố trí khu chợ ngoài trời để trao đổi hàng hóa của bà con tự sản xuất đồng thời chủ động phối hợp với các cơ quan chuyên môn kiểm tra, đảm bảo phòng chống dịch bệnh, thu giữ, tiêu hủy các sản phẩm kém chất lượng và mất vệ sinh an toàn thực phẩm.

Ông Nguyễn Thăng Long - Giám đốc Công ty cho biết: Doanh nghiệp đang xây dựng phương án báo cáo tỉnh để mở rộng diện tích đất khu chợ C từ 5.000m2 lên 10.000m2, lập phương án đầu tư khu bán hàng ngoài trời, gắn liền khu giết mổ tập trung, bãi đỗ xe, bãi rác thải để nâng doanh thu lên 5% nữa.

Ngoài ra, lĩnh vực xây dựng cũng được các doanh nghiệp đầu tư mạnh. Trên địa bàn hiện có 14 đơn vị hoạt động trong đó có 12 công ty TNHH, 2 doanh nghiệp tư nhân giải quyết việc làm cho hơn 400 lao động thường xuyên; doanh thu năm 2010 đạt trên 20 tỷ đồng.

Trong lĩnh vực chế biến lâm sản, sản xuất hàng mộc dân dụng, thị xã có 6 doanh nghiệp tư nhân,1 hợp tác xã và trên 20 hộ sản xuất kinh doanh,sản phẩm chủ yếu là thảm hạt, đồ mộc dân dụng,đồ thủ công mỹ nghệ; năm 2010 doanh thu đạt trên 10 tỷ đồng...

Doanh nghiệp mạnh, thị xã phát triển
Qua khảo sát, hầu hết hoạt động của các doanh nghiệp vẫn mang tính tự phát, đa số lao động chưa có tay nghề, các cơ sở sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, cơ sở chế biến chưa đồng bộ, thiếu tính bền vững, chưa đủ sức cạnh tranh trên thị trường.

Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp chưa đủ sức đầu tư dây chuyền sản xuất đồng bộ đã đưa vào hoạt động khiến chất lượng sản phẩm không cao và ảnh hưởng đến môi trường. 

Ngoài ra, một số doanh nghiệp đi vào sản xuất không xây dựng được vùng nguyên liệu cho nên sản lượng hoàn toàn phụ thuộc vào từng mùa vụ, không có chiến lược ổn định lâu dài do vậy doanh thu bấp bênh.

Nhiều công ty hiện đang có dự định liên kết để mở rộng diện tích và quy mô xây dựng phát triển khu dịch vụ ăn uống, vui chơi giải trí - một trong những lĩnh vực thế mạnh sẵn có của địa phương nhưng vẫn chưa đủ vốn hoạt động nên thị xã chưa thể xem xét quyết định cho đầu tư.

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp vẫn mong muốn thị xã luôn trực tiếp đối thoại với doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn. Ông Từ Quang TháI, đại diện ba công ty TNHH: Thịnh Đạt, Kim Thành và Dịch vụ Miền Tây, cho biết hiện ba đơn vị này đang có dự định liên kết để mở rộng diện tích và quy mô xây dựng phát triển khu dịch vụ ăn uống, vui chơi giải trí và mua sắm.

Các công ty đã lập được dự toán thiết kế nhưng thiếu mặt bằng xây dựng tập trung cần được thị xã xem xét tạo điều kiện,tránh để lãng phí đất công và tiền đầu tư xây dựng.

Với quan điểm “Doanh nghiệp mạnh, thị xã phát triển”, năm 2011, thị xã đã xây dựng cụ thể danh mục khuyến khích đầu tư trên từng lĩnh vực để các doanh nghiệp chủ động kế hoạch đầu tư, như đầu tư xây dựng nhà hàng, khu vui chơi giải trí tại những khu trung tâm như khu du lịch sinh thái Mường Lò, đầu tư xây dựng chợ xép, xây dựng cơ sở thu gom xử lý và tái chế chất thải, xây dựng các công trình nước sinh hoạt tập trung.

Thị xã cũng tiếp tục khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư thu mua sản xuất kinh doanh gạo chất lượng cao, chăn nuôi theo hướng hàng hóa, nuôi trồng thủy sản…

Để khuyến khích các doanh nghiệp, năm 2011, thị xã đã cụ thể hóa và tổ chức thực hiện tốt các chính sách đầu tư theo Quyết định 1322 của UBND tỉnh như ưu đãi về đơn giá thuê đất, hỗ trợ, bồi thường thiệt hại giải phóng mặt bằng, hỗ trợ đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng, hỗ trợ nhà đầu tư đào tạo nghề cho lao động là người địa phương...

Chủ động mời gọi các nhà đầu tư, tạo hành lang pháp lý thông thoáng, xây dựng cơ chế hỗ trợ hợp lý, đối thoại cùng với các doanh nghiệp từng bước khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương trong những năm tới, thị xã sẽ có nhiều doanh nghiệp có sản phẩm thương hiệu đồng thời đưa Nghĩa Lộ xứng đáng là trung tâm kinh tế, xã hội khu vực phía Tây.

Nguyễn Nhật Thanh

Các tin khác
Thầy trò trường Trung cấp Kinh tế kỹ thuật Yên Bái trong giờ thực hành sản xuất lâm nghiệp

YBĐT - Kinh tế vườn rừng là ưu thế nổi trội của tỉnh Yên Bái, trong khoảng 10 năm trở lại đây phong trào trồng rừng kinh tế của tỉnh phát triển khá nhanh và trở thành phong trào rộng khắp từ vùng thấp đến vùng cao, vùng sâu, vùng xa.

Ảnh minh họa

Tiếp nối đà giảm cuối tuần qua, giá vàng trong nước sáng 4 - 4, tiếp tục hạ về quanh mức 36,8 triệu đồng/lượng.

Ngày 1-4, nhiều doanh nghiệp sản xuất gas, xi măng, thức ăn chăn nuôi thông báo điều chỉnh giá bán lẻ do tác động của giá thế giới và ảnh hưởng của giá xăng dầu, điện trong nước tăng.

Đại diện Toyota Việt Nam tại cuộc gặp

Ngay sau khi có thông tin về việc Toyota Việt Nam (TMV) bị tố sản xuất hàng loạt ô tô kém chất lượng, chiều 1.4, những người có trách nhiệm của TMV đã gặp gỡ báo chí trao đổi về các thông tin liên quan.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục