Ông Phan Thanh Nghị - Phó chủ tịch UBND xã Văn Phú cho biết: “Xã chỉ có 45 ha đất lúa để đảm bảo an ninh lương thực tại chỗ, xã vận động bà con đẩy mạnh thâm canh tăng năng suất, chủ yếu đưa giống lúa lai vào trồng. Cùng với đó, tận dụng nguồn thức ăn tại chỗ, xã tập trung phát triển mạnh chăn nuôi hàng hóa”. Trước đây, người dân xã Văn Phú chỉ trông vào sản xuất nông nghiệp, thu nhập hoàn toàn phụ thuộc vào thời tiết nên tỷ lệ hộ đói nghèo cao.
Hiện nay, diện tích đất nông nghiệp bị thu hẹp nên người dân tích cực tìm tòi, học hỏi, áp dụng tiến bộ KH-KT vào sản xuất cũng như mở rộng các mô hình chăn nuôi theo hướng hàng hóa có giá trị kinh tế cao, thu nhập của người dân đã tăng dần theo từng năm. Điển hình như mô hình chăn nuôi lợn của gia đình ông Nguyễn Huy Tâm, thôn 3 thường xuyên duy trì trên 40 con lợn nái và 200 con lợn thịt lai rừng và lợn thường.
Từ không ngừng học hỏi, tìm hiểu sách báo, tiếp cận với tri thức mới, kỹ thuật mới, kết hợp với kinh nghiệm đúc kết của bản thân nên mô hình của gia đình ông phát triển tốt hàng năm cho thu nhập trên 100 triệu đồng sau khi đã trừ chi phí. Hay mô hình nuôi gà sạch của gia đình ông Lưu Đình Thắng với trên 1.200 con gà thịt và trên 100 gà mái đẻ. Nhờ chăm sóc tốt và tiêm văcxin đầy đủ ngay từ những ngày đầu mua gà giống về và thường xuyên vệ sinh chuồng trại, rắc vôi, phun thuốc khử trùng 1 tháng 2 lần nên đàn gà nhà ông phát triển tốt, không xảy ra dịch bệnh. Từ chăn nuôi gà thịt và bán trứng gà, mỗi tháng sau khi trừ chi phí ông thu về 7,5 triệu đồng.
Ông Thắng tâm sự: “Là địa phương có lợi thế gần trung tâm thành phố nên gia đình tôi chọn chăn nuôi gà sạch để phát triển kinh tế hộ, gà nhà tôi nuôi đến đâu bán hết đến đấy, nhiều đám cưới xuống tận nhà để đặt hàng”.

Mô hình nuôi gà sạch của gia đình ông Lưu Đình Thắng ở thôn 3, xã Văn Phú.
Nhờ triển khai tốt công tác phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm nên trong nhiều năm qua xã Văn Phú không có dịch bệnh lớn xảy ra. Hiện nay, toàn xã có 2.600 con lợn và trên 10.000 con gia cầm; 10 mô hình chăn nuôi lợn tập trung và 6 mô hình nuôi ba ba phát triển tốt. Qua tìm hiểu một số người dân chăn nuôi ở xã Văn Phú được biết, để đáp ứng nhu cầu trong chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng hàng hóa, điều khó khăn nhất hiện nay với người dân Văn Phú là nguồn vốn. Hiện nay, người dân trong xã phát triển chăn nuôi đều huy động nguồn lực từ gia đình, người thân hoặc anh em, bè bạn. Một phần từ nguồn vốn Ngân hàng Chính sách Xã hội thông qua các tổ chức hội, đoàn thể nhưng chưa đủ đáp ứng nhu cầu phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn, vay vốn ngân hàng thương mại với lãi suất cao như hiện nay để phát triển chăn nuôi thì các hộ dân không có lãi nhiều.
Để ngành chăn nuôi ở Văn Phú phát triển theo hướng bền vững và trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, giúp người dân xóa đói giảm nghèo người dân Văn Phú rất mong tỉnh, thành phố xem xét giảm bớt quy mô trang trại chăn nuôi lợn được hỗ trợ và nhận được sự quan tâm về nguồn vốn đầu tư hơn nữa của các ngân hàng thương mại với lãi suất thấp, đặc biệt là nguồn vốn Ngân hàng Chính sách Xã hội ở địa phương.
Hồng Duyên
Ý kiến bạn đọc
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu