Siết chặt quản lý thương hiệu chè Suối Giàng

  • Cập nhật: Thứ ba, 28/5/2013 | 9:11:38 AM

YBĐT - Nói đến chè Yên Bái không thể không nhắc đến thương hiệu chè Suối Giàng. Được chọn lọc từ những búp chè Shan, sinh trưởng tự nhiên ở vùng núi Suối Giàng, chè mang vị thơm, tinh khiết, làm say đắm lòng người.

Ngay tại xã Suối Giàng - quê hương của loại chè đặc sản này cũng đã có tới cả chục cửa hàng treo biển với đủ loại đặc sản chè Suối Giàng: chè đặc sản Suối Giàng, chè tuyết cổ thụ Suối Giàng, đặc sản chè tuyết sơn trà Suối Giàng...

Thu hái chè Suối Giàng.  Ảnh: Thanh Miền
Thu hái chè Suối Giàng. Ảnh: Thanh Miền

Ngoài ra, những thương hiệu mới nổi như Bát Tiên cũng đang dần tìm được chỗ đứng trên thị trường. Đặc biệt, khi sản phẩm chè Suối Giàng được cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu thì vấn đề quản lý và cấp phép sử dụng nhãn hiệu, tạo lòng tin cho khách hàng sẽ từng bước xây dựng thương hiệu chè Yên Bái.

Thật, giả khó phân

Thưởng thức chén trà xanh nóng, hương thơm quyến rũ, thoảng chát mà để lại dư vị ngọt ngào đã lôi cuốn chúng tôi quay trở lại xã Suối Giàng - nơi sản xuất ra loại trà được coi là "đệ nhất danh trà" của thương hiệu trà Yên Bái nổi tiếng khắp cả nước. Trà Suối Giàng thời kỳ hoàng kim luôn là niềm tự hào của người Yên Bái và cho đến giờ vẫn không thay đổi.

Nhưng để có được sản phẩm chè Suối Giàng "chuẩn" nhất lại phải nhờ người thân quen ở Văn Chấn hoặc phải trực tiếp lên Suối Giàng mới mua được. Bởi trên thị trường, trong một mớ hỗn độn đủ loại nhãn mác việc tự tìm chẳng khác nào "đáy bể mò kim". Nguyên nhân không phải nguyên liệu chế biến chè Suối Giàng mất đi, thậm chí diện tích vùng nguyên liệu đang được mở rộng.

Tuy nhiên, với hơn 400ha chè cổ thụ, mỗi năm, người dân xã Suối Giàng chỉ thu được khoảng 400 tấn búp tươi, tương đương 100 tấn chè khô thành phẩm nhưng loại có chất lượng thực sự thì cũng chỉ được 1/3. Lượng chè này tính ra chỉ đủ cho người dân địa phương và một vài nơi trong tỉnh dùng trong năm. Vậy mà từ Yên Bái tới Hà Nội và các tỉnh lân cận, đâu đâu cũng thấy bán chè Suối Giàng.

Ông Sổng A Nủ - Chủ tịch UBND xã Suối Giàng cho biết: Không thể có lượng chè thành phẩm nhiều đến như vậy. Điều đó đồng nghĩa với việc có sự gian lận. Biết các thương nhân mang chè của xã nhà đi nơi khác chế biến nhưng không biết chế biến thế nào và chất lượng ra sao. Chỉ cần gian lận, trộn thêm một chút chè khác vào thôi là hương vị chè Suối Giàng giảm hẳn. Uống phải thứ chè đó với giá nửa triệu đồng 1kg, chắc hẳn chè Suối Giàng sẽ không còn được khách hàng mua lần thứ hai. Ông Nủ bảo cũng muốn cấm không cho mua, bán chè ra khỏi xã nhưng cũng chẳng biết làm thế nào vì không có cơ chế.

Hơn nữa, Công ty cổ phần Chè Văn Hưng, đơn vị mở xưởng tại xã Suối Giàng bao tiêu sản phẩm mấy năm trở lại đây thu mua rất phập phù, lúc có lúc không, mùa chè năm 2012 không còn mua chè và đóng cửa nhà máy dù trước đó đã ký hợp đồng mua cho người dân 250 tấn chè búp tươi.

Chủ nhiệm Hợp tác xã Chè Suối Giàng - bà Lâm Thị Kim Thoa cho biết, đã phải dùng các tem chống giả dán lên hộp sản phẩm để tiện cho khách hàng phân biệt chè thật và kém chất lượng. Nhưng xem ra, cách này chẳng ăn thua vì không mấy khách hàng để ý được một sản phẩm trong hàng chục loại chè có tên chè Suối Giàng đang trôi nổi trên thị trường, nhất là khi sản phẩm của Hợp tác xã này cũng chưa đăng ký nhãn hiệu.

Tất nhiên, điều này cũng không thể trách được khách hàng bởi ngay tại xã Suối Giàng - quê hương của loại chè đặc sản này cũng đã có tới cả chục cửa hàng treo biển với đủ loại đặc sản chè Suối Giàng: chè đặc sản Suối Giàng, chè tuyết cổ thụ Suối Giàng, đặc sản chè tuyết sơn trà Suối Giàng... Đến tận gốc mà còn chẳng phân biệt được thì nói gì đến sản phẩm bày bán trên thị trường…

 

Gian trưng bày sản phẩm của Hợp tác xã Chè Suối Giàng.

Cơ hội và thách thức         

Đã hơn nửa thế kỷ kể từ khi Yên Bái bắt đầu sản xuất chè nhưng cho đến bây giờ vẫn đang loay hoay với việc xây dựng thương hiệu. Hầu như từ trước đến nay, tỉnh chưa có một cơ chế và biện pháp nào đủ mạnh. Trong khi các nhà máy chè có công suất lớn đang suy sụp và thua lỗ với những dây chuyền sản xuất chè lạc hậu thì hàng trăm cơ sở chế biến tư nhân ở Yên Bái lại ngày đêm sản xuất chè theo kiểu "chụp giật" với những sản phẩm chè "bẩn", chè kém chất lượng.

Vừa qua, chè Suối Giàng đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận. Đó là một tín hiệu tích cực nhưng việc quản lý, đăng ký, cấp phép sử dụng nhãn hiệu này như thế nào mới là vấn đề đáng quan tâm, cần thận trọng xem xét.

Hiện tại, chè Suối Giàng có 4 doanh nghiệp đang thu mua chè búp tươi ở Suối Giàng gồm: Công ty cổ phần Chè Nghĩa Lộ, Doanh nghiệp Chè Thành Hương, Hợp tác xã chè Shan Văn Chấn, Hợp tác xã Chè Suối Giàng.

Trong số doanh nghiệp này cũng có đơn vị đủ khả năng đứng ra thu mua toàn bộ sản phẩm cho nông dân. Quy về một đầu mối dễ cho việc quản lý, tuy nhiên có nên giao tất cả cho một doanh nghiệp hay chỉ quản lý về chất lượng? Trong sự hỗn độn của đủ loại nhãn hiệu chè Suối Giàng hiện nay đã khiến cho người tiêu dùng không thể biết được đâu mới là chè Suối Giàng chính hiệu.

Vì vậy, dù có "chọn mặt gửi vàng" giao cho một doanh nghiệp hay chỉ quản lý về chất lượng thì chè Suối Giàng nên chỉ có một nhãn hiệu duy nhất trên thị trường. Tất cả các cơ sở sản xuất, kinh doanh chè Suối Giàng khi chưa được cấp phép cần phải đình chỉ sản xuất, hạ biển hiệu. Muốn định vị phát triển thương hiệu một sản phẩm nông sản truyền thống không gì khác là phải kết hợp và khơi dậy được sức mạnh nội tại trên chính vùng đất - nơi ghi dấu và sản sinh ra sản phẩm đó.

Các thương hiệu nổi tiếng có nguồn gốc từ nông sản trên thế giới cũng thành công theo phương thức ấy. Sản phẩm truyền thống chỉ nổi tiếng khi kết tinh của những giá trị: truyền thống, kiến thức, đất đai, nghệ thuật và cuối cùng, quan trọng nhất vẫn là cái tâm của người làm chè đối với sản phẩm. Muốn xuất khẩu được thì phải làm cho thị trường quốc tế bị thu phục bởi những giá trị văn hóa của chè Việt và xây dựng thương hiệu một cách bài bản.

 Anh Dũng

Các tin khác
Hành khách chuẩn bị lên máy bay của VNA ở sân bay Tân Sơn Nhất.

Hãng hàng không Vietnam Airlines (VNA) cho biết sẽ tăng chuyến bay phục vụ nhu cầu của hành khách trong giai đoạn cao điểm hè 2013.

Ngày 27-5, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã chính thức ban hành thông tư mới để sửa đổi, giãn lộ trình thực hiện Thông tư 02.

Đồng chí Nguyễn Phi Long - Phó chủ tịch Thường trực Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam (trái) trao 300 triệu đồng hỗ trợ từ nguồn vốn vay 120 - phát triển kinh tế trang trại cho Tỉnh đoàn Yên Bái.

YBĐT - Trong 2 ngày 26, 27/5, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Trung ương Hội LHTN Việt Nam đã phối hợp với Tỉnh đoàn Yên Bái tổ chức Hội nghị “Chủ trang trại trẻ khu vực miền núi phía Bắc năm 2013”.

Yên Bái là một trong những tỉnh có diện tích chè lớn nhất cả nước.
(Ảnh: Thanh Miền)

YBĐT - Cây chè đã tồn tại ở Yên Bái hơn nửa thế kỷ. Qua nhiều giai đoạn phát triển, có lúc thăng, lúc trầm nhưng chè vẫn là loại cây chủ lực trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo không thể thay thế.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục