Được mùa lúa đông xuân

YBĐT - Vượt qua những khó khăn về thời tiết, giá giống, giá phân bón và vật tư nông nghiệp leo thang, nhà nông tỉnh Yên Bái đang gặt hái một vụ lúa đông xuân bội thu cả về năng suất lẫn sản lượng.

Về Lục Yên những ngày này bắt gặp không khí phấn khởi của nông dân trong kỳ thu hoạch lúa xuân rộ. Niềm vui được mùa khỏa lấp nỗi lo hiện hữu trên khuôn mặt của nhà nông bao ngày qua.

Chị Hoàng Thị Hạnh, thôn Chính Quân, xã Liễu Đô cho biết: “Năm nay, tuy gặp khó khăn ban đầu về thời tiết nhưng nhờ áp dụng nghiêm lịch thời vụ và làm tốt khâu phòng chống sâu bệnh nên lúa đông xuân sinh trưởng và phát triển tốt. Gia đình tôi cầm chắc 2,4 tạ/sào”.

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Lục Yên, ông Hoàng Văn Số vui vẻ thông báo: “Tuy thời tiết diễn biến bất thường gây rét và khô hạn kéo dài trong tháng 2 nhưng do chỉ đạo quyết liệt, áp dụng nhiều biện pháp kỹ thuật nên năng suất lúa nhìn chung đều bằng và cao hơn năm trước, đánh giá ban đầu đạt 55,6 tạ/ha. Tại các xã như Minh Xuân, Liễu Đô… có nơi năng suất lúa vượt trội, đạt trên 60 tạ/ha”.

Huyện Văn Chấn - vựa lúa của tỉnh với cánh đồng Mường Lò rộng trên 1.500ha - đây cũng là vùng nằm trong số điển hình về sản xuất lúa hàng hóa. Những ngày này, nông dân hối hả làm đất gieo cấy lúa mùa. Đánh giá ban đầu, diện tích lúa cánh đồng Mường Lò đạt năng suất bình quân trên 65 tạ/ha và ở các xã Phù Nham, Thanh Lương, có nhà năng suất đạt trên 70 tạ/ha.

Ông Nguyễn Văn Toản - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện cho biết: “Các giống lúa được sử dụng đều cho năng suất cao và có phẩm chất gạo ngon, đáp ứng tốt nhu cầu tiêu thụ. Bước đầu trong vùng đã hình thành việc sản xuất quy mô lớn với mô hình cánh đồng mẫu lớn đồng thời ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất lúa. Năng suất lúa bình quân toàn huyện đạt 59 tạ/ha - con số cao nhất từ trước đến nay”.

Vùng lúa Đại - Phú - An, vựa lúa của huyện Văn Yên cũng giành thắng lợi cao cả về năng suất, sản lượng. Đến thời điểm này, nông dân đã cơ bản thu hoạch xong lúa xuân. Năm nay, nhờ đưa các máy gặt đập liên hoàn vào thu hoạch nên chỉ trong 3 ngày, toàn bộ diện tích lúa ở các xã điểm này đã thu hoạch xong.

Ông Hồ Tùng Nguyên - Chủ tịch UBND xã Đại Phác cho biết: “Lúa xuân năm nay được mùa lớn. Qua thống kê, lúa lai năng suất đạt trên 63 tạ/ha, lúa thuần đạt 51 tạ/ha”. Báo cáo của Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện, vụ xuân này, Văn Yên đưa vào gieo cấy 2.810ha lúa đông xuân. Tính đến thời điểm này, toàn huyện đã thu hoạch được trên 71% diện tích lúa xuân. Dự kiến, năng suất lúa xuân năm nay đạt 55 tạ/ha, sản lượng đạt 15.455 tấn.

Báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, vụ xuân vừa qua, toàn tỉnh gieo trồng hơn 18.630ha lúa đông xuân, tăng hơn 330ha so với vụ đông xuân trước. Về cơ cấu, giống lúa lai chiếm 60%, còn lại là lúa thuần. Tính đến thời điểm ngày 4/6, toàn tỉnh đã cơ bản thu hoạch xong lúa xuân, đánh giá bước đầu năng suất ước đạt 54 tạ/ha, sản lượng thóc 96.785 tấn.

"Một hạt thóc vàng, chín giọt mồ hôi", vụ lúa đông xuân này cũng không phải là một ngoại lệ. Bước vào sản xuất vụ đông xuân, nhà nông đứng trước nhiều khó khăn, diễn biến thời tiết phức tạp, giá giống, giá phân bón và vật tư nông nghiệp tiếp tục leo thang, nhất là các giống lúa lai, ngô lai ảnh hưởng đến việc đầu tư sản xuất của người dân. Đợt rét kéo dài đúng vào thời vụ gieo trồng lúa xuân. Để tránh rét cho lúa đông xuân, ngành nông nghiệp khuyến cáo các địa phương hạn chế tối đa gieo cấy trà xuân sớm, tập trung gieo cấy trà xuân chính vụ và mở rộng tối đa trà xuân muộn.

Bên cạnh đó, các địa phương cũng chú ý chuẩn bị giống dự phòng bằng những giống lúa ngắn ngày để ứng phó kịp thời nếu gặp điều kiện thời tiết rét đậm rét hại. Bên cạnh đó mở rộng diện tích lúa gieo thẳng bằng dụng cụ sạ hàng hoặc gieo bằng tay trên chân đất vàm và vàm cao. 100% diện tích mạ gieo có mái che nilon, kiên quyết không để nông dân cấy khi nhiệt độ xuống dưới 13 độ C.

Nhờ áp dụng các biện pháp kỹ thuật, toàn tỉnh vẫn đưa vào gieo cấy hết diện tích đảm bảo khung thời vụ tốt nhất. Khó khăn chưa dừng lại ở đó, do diễn biến phức tạp của thời tiết nên vụ này sâu bệnh phá mạnh, tập trung nhất ở giữa vụ và cuối vụ với 2 loại sâu bệnh chính là bệnh đạo ôn, khô vằn. Cán bộ kỹ thuật đã hướng dẫn nông dân tích cực thăm đồng, phát hiện sớm những thửa ruộng nhiễm sâu bệnh để tổ chức phun thuốc đúng liều lượng, đúng thời điểm. Chính vì thế, tình trạng sâu bệnh đã được khống chế kịp thời, không ảnh hưởng đến năng suất lúa.

Vụ đông xuân năm nay được đánh giá là được mùa tương đối toàn diện. Tuy nhiên, ở một số địa phương, nhiều nông dân đã tự ý đưa giống BC15 vào gieo cấy gây mất mùa. Tuy chưa có báo cáo đầy đủ nhưng sơ bộ cũng có hàng trăm héc-ta giống BC15 rải rác ở các địa phương gặp thất bát. Giống này không nằm trong cơ cấu giống sản xuất vụ đông xuân của tỉnh.

Việc để nông dân “xé rào” tự phát cấy lúa BC15 cho thấy vai trò, trách nhiệm của chính quyền địa phương và ngành nông nghiệp trong việc giám sát, kiểm tra giống trước khi đưa vào gieo cấy. Đây cũng là bài học trong công tác quản lý giống cây trồng trên địa bàn tỉnh.

Để đánh giá chính xác, các địa phương cần có thống kê mức thiệt hại và tìm hiểu rõ nguyên nhân mất mùa do mẫn cảm với thời tiết hay về chất lượng giống. Nếu BC15 mất mùa do chất lượng giống thì các đơn vị cung ứng giống phải có trách nhiệm đền bù thiệt hại cho người nông dân. 

 Hiện nay, các địa phương đang chỉ đạo nông dân khẩn trương thu hoạch, làm đất kịp thời gieo cấy lúa hè thu. Bà Nguyễn Thị An ở xã Thanh Lương (Văn Chấn) cho biết: “Với áp lực thời vụ nên vừa thu hoạch xong tôi đã ngay lập tức phải làm đất và cấy 5 sào lúa. Kế hoạch gia đình đặt ra đến ngày 25/6 phải cấy xong toàn bộ diện tích lúa mùa”. Được mùa lúa xuân, nông dân phấn khởi đẩy mạnh sản xuất vụ hè thu.

Phương án sản xuất lúa hè thu đã được các huyện, thị chuẩn bị chu đáo. Ở các xã hay xảy ra nguy cơ bão lụt, các địa phương đưa các giống lúa ngắn ngày vào sản xuất. Theo kế hoạch, vụ mùa năm nay, toàn tỉnh đưa vào gieo cấy 20.650ha lúa mùa ruộng và 9.520ha ngô hè thu, thu đông.

Các giống chủ lực là Nhị ưu 838, Nghi Hương 305, Nghi Hương 2308, Syn6, N.ưu 69 với nhu cầu giống trên 350 tấn; còn lại là lúa thuần gồm Chiêm Hương, ĐS1, HT1, Séng Cù. Tính đến thời điểm này, toàn tỉnh đã làm đất được 8.119ha, diện tích đã gieo mạ 5.519ha và đã cấy được 1.070ha lúa mùa sớm.

 Văn Thông

Ý kiến bạn đọc

Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Ngành Đường sắt: Thay đổi để 'hút' khách

Ngành Đường sắt: Thay đổi để 'hút' khách

Không chỉ đảm nhiệm vận tải hành khách, ngành Đường sắt mong muốn trở thành một dịch vụ kết nối, tham gia vào chuỗi cung ứng các sản phẩm du lịch, góp phần phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội các vùng miền, địa phương.

Việt Nam - Kỷ nguyên mới: Khơi tiềm năng, phát huy thế mạnh

Việt Nam - Kỷ nguyên mới: Khơi tiềm năng, phát huy thế mạnh

Không gian rộng lớn với những cơ hội phát triển vượt trội của 34 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đang mang đến những triển vọng tăng trưởng mạnh mẽ trong giai đoạn mới của đất nước. Để đạt được điều này, trách nhiệm đang đặt trên vai bộ máy chính quyền địa phương 2 cấp, làm sao khơi được tiềm năng, phát huy được thế mạnh, phục vụ mục tiêu tăng trưởng kinh tế và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

Khi "Xanh" và "Hạnh phúc" hòa chung một nhịp

Khi "Xanh" và "Hạnh phúc" hòa chung một nhịp

Một trang sử mới chính thức mở ra trên dải đất Tây Bắc khi tỉnh Lào Cai (mới) được thành lập trên cơ sở hợp nhất hai tỉnh Lào Cai (cũ) và Yên Bái. Đây không đơn thuần là một sự kiện hành chính, mà là cuộc hội ngộ lịch sử của hai triết lý phát triển nhưng lại cùng chung một đích đến: kiến tạo một vùng đất "Xanh" về sinh thái và mang lại "Hạnh phúc" đích thực cho người dân. Những thành tựu rực rỡ trong 5 năm qua chính là bệ phóng vững chắc cho hành trình mới này.

Giảm 2% thuế VAT đến hết năm 2026

Giảm 2% thuế VAT đến hết năm 2026

Chính phủ ban hành Nghị định số 174/2025/NĐ-CP ngày 30/6/2025 quy định chính sách giảm thuế giá trị gia tăng theo Nghị quyết số 204/2025/QH15 ngày 17/6/2025 của Quốc hội. Nghị định có hiệu lực từ ngày 1/7/2025 đến hết ngày 31/12/2026.

Rừng kháo cổ thụ trên núi Sải Duần

Rừng kháo cổ thụ trên núi Sải Duần

Thời gian gần đây, xã Phìn Ngan, huyện Bát Xát (nay là xã Bát Xát, tỉnh Lào Cai) trở thành điểm đến hấp dẫn du khách trong và ngoài nước yêu thích khám phá thiên nhiên, trải nghiệm núi rừng. Một trong những địa chỉ để lại nhiều ấn tượng đẹp đối với du khách là rừng kháo cổ thụ ở thôn Sải Duần do cộng đồng quản lý với hàng vạn cây kháo cổ thụ xanh mướt.

Kết nối sản xuất và thương mại đặc sản vùng cao Tây Bắc

Kết nối sản xuất và thương mại đặc sản vùng cao Tây Bắc

Tây Bắc là vùng có tiềm năng lớn trong phát triển nông, lâm sản hàng hóa nhờ lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng và đa dạng sinh học. Trong 10 năm qua, diện tích trồng cafe tại khu vực tăng 54%, sản lượng tăng 265%, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của các loại cây ăn quả, cây dược liệu.

Miễn, giảm 50% cho 46 khoản phí, lệ phí hỗ trợ người dân, doanh nghiệp từ 1/7

Miễn, giảm 50% cho 46 khoản phí, lệ phí hỗ trợ người dân, doanh nghiệp từ 1/7

Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn vừa ký ban hành Thông tư số 64/2025/TT-BTC quy định mức thu, miễn một số khoản phí, lệ phí nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và người dân. Theo đó, hàng chục khoản phí, lệ phí sẽ được miễn, giảm 50% để hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân từ hôm nay 1/7 đến hết 31/12/2026.

Tiếp tục áp dụng thuế VAT 8% với phí dịch vụ sử dụng đường cao tốc

Tiếp tục áp dụng thuế VAT 8% với phí dịch vụ sử dụng đường cao tốc

Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) tiếp tục áp dụng mức thuế suất giá trị gia tăng 8% theo quy định tại Nghị quyết số 204/2025/QH15 của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng đối với giá dịch vụ sử dụng các tuyến đường cao tốc kể từ ngày 1/7/2025 đến hết ngày 31/12/2026.

fb yt zl tw