Nhà văn Ma Văn Kháng trong tâm thức học trò
- Cập nhật: Thứ tư, 30/10/2013 | 9:00:42 AM
YBĐT - Đã có khá nhiều cây bút phê bình viết về nhà văn Ma Văn Kháng song tác phẩm của Hoàng Việt Quân vừa là kỷ niệm, vừa là cách đánh giá tương đối toàn diện về con người và tác phẩm của ông...
|
Tác giả Hoàng Việt Quân vừa cho ra mắt bạn đọc tập nghiên cứu, phê bình “Nhà giáo - nhà văn Ma Văn Kháng” - Nhà xuất bản Hội Nhà văn năm 2013. Như tác giả tâm sự: “Khi viết về ông, tôi đã cố gắng tổng hợp lại tất cả những gì biết về ông, dưới góc độ là một học sinh Trường cấp III Lào Cai, là một bạn đọc tác phẩm của ông từ thuở còn đăng trên sách, báo Lào Cai từ những năm 60- 70 đến nay; những bài hồi ký, kỷ niệm của ông và các bài viết, các công trình nghiên cứu của bạn bè, đồng nghiệp, các nhà nghiên cứu văn học, như một sự tri ân đối với một người thầy - nhà văn tài năng gắn bó với mảnh đất Lào Cai mà lớp thầy trò chúng tôi vô cùng kính mến, cảm phục”.
Sinh ra ở Hà Nội, thầy giáo Đinh Trọng Đoàn (tên khai sinh của nhà văn Ma Văn Kháng) tham gia quân đội từ tuổi thiếu niên, sau được cử đi học ở Khu học xá Nam Ninh - Trung Quốc. Rồi theo tiếng gọi của Đảng, ông xung phong lên Tây Bắc dạy học và tổ chức phân công về tỉnh Lào Cai. Gắn bó với vùng đất biên cương mấy chục năm trời, từng trải qua bao môi trường công tác: dạy học, quản lý giáo dục, làm báo, cán bộ văn phòng tỉnh ủy và viết văn, ở môi trường nào, ông cũng ý thức làm việc hết mình với nhiệt huyết tuổi trẻ được cống hiến.
Và chính vì vậy ông đã tích lũy được vốn hiểu biết sâu sắc về miền núi và cuộc sống của các tộc người nơi đây để làm hành trang trên suốt chặng đường sáng tác. Cái tên Ma Văn Kháng là bút danh được đặt sau khi kết nghĩa anh em với ông Ma Văn Nho, Phó chủ tịch huyện Bảo Thắng nhân chuyến xuống cơ sở tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước.
Chặng đường sáng tác của nhà văn Ma Văn Kháng có thể chia thành hai giai đoạn là lúc ở Lào Cai và khi về Hà Nội. Số lượng tác phẩm theo thống kê của Hoàng Việt Quân có đến vài chục đầu sách. Ông đã vinh dự được nhận nhiều giải thưởng văn chương có giá như: giải Nhì (không có giải nhất) của Báo Văn Nghệ năm 1968 dành cho truyện ngắn “Xa Phủ”; giải B Hội Nhà văn Việt Nam dành cho tiểu thuyết “Mùa lá rụng trong vườn” năm 1986 và Giải thưởng văn học ASEAN (Đông Nam Á) năm 1998, năm 2001 được tặng Giải thưởng Nhà nước và năm 2003 Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật. Tên tuổi của ông đã trở nên quen thuộc với bạn đọc trong và ngoài nước.
Ma Văn Kháng có sở trường viết truyện ngắn và tiểu thuyết và “chuyên chú vào mảng đề tài dân tộc và miền núi cũng như mảng đời sống thành thị thời hậu chiến”, “khắc họa sắc nét bức tranh hiện thực của xã hội Việt Nam qua những biến thiên dữ dội của lịch sử và cách mạng, làm hiện lên với sức ám ảnh và ấn tượng khó quên về những số phận chìm nổi (thậm chí nhiều oan khiên) của hàng loạt tính cách mà nổi bật là những người đàn bà xinh đẹp, phồn thực; những em nhỏ yếu ớt cần sự che chở; những trí thức văn nghệ sĩ tự trọng mà đơn độc”.
Nói về sự ảnh hưởng của các nhà văn bậc thầy đối với sáng tác của nhà văn Ma Văn Kháng, tác giả Hoàng Việt Quân có kể đến Nam Cao, Tô Hoài: “Chính là truyện ngắn Nam Cao, sau đó là văn xuôi Tô Hoài là hai nguồn ảnh hưởng hòa quyện trong nhau đã tạo nên một phong cách văn xuôi Ma Văn Kháng vừa hiện thực, tỉnh táo vừa giàu chất thơ, giàu tính nhân văn.
Cũng từ nguồn mạch đó ông đã tìm ra con đường sáng tác của mình để khai phá mảnh đất vàng Lào Cai với ngôn ngữ hồn nhiên mang đậm bản sắc các dân tộc thiểu số Lào Cai, đồng thời làm giàu nên khả năng diễn đạt, trần thuật một cách sắc sảo cuộc sống của con người thành thị khi ông về sống ở Hà Nội”.
Ma Văn Kháng luôn chú ý tới tính chất hồn nhiên của câu chuyện “Phải làm sao để dòng đi của truyện nó bình thường, như tất phải vậy”. Và để có những câu chuyện hay, những tác phẩm tốt tất cả phải bắt nguồn từ vốn sống của nhà văn “vốn về khung cảnh chi tiết, nhưng nhất là vốn về con người”.
Lược qua những tác phẩm đặc sắc của nhà văn Ma Văn Kháng như: các tập truyện ngắn “Xa Phủ”, “Người con trai họ Hạng”; tiểu thuyết “Đồng bạc trắng hoa xòe”, “Vùng biên ải”, “Mùa lá rụng trong vườn”, “Đám cưới không có giấy giá thú”…, Hoàng Việt Quân cho rằng đặc sắc văn chương của ông có nhiều điểm chung với các tác giả sáng tác về dân tộc miền núi hoặc viết về cuộc sống đô thị nhưng ông có cách khai thác thể hiện riêng. Bởi vì “ông được chuẩn bị chu đáo về kiến văn và có được tầm nhìn của thời đại mới hơn”.
Thế nên khi viết về vùng cao ta thấy nhân vật được tạo ra trong khung cảnh, bối cảnh cụ thể với một không gian rộng lớn, bát ngát, ta không chỉ nhận biết thân phận, số phận của một vài nhân vật cá thể mà còn nhìn thấy thân phận, số phận của cả một tộc người trong dòng chảy lịch sử; đồng thời thấy được sự hy sinh thầm lặng của những cán bộ cách mạng từng “bám rễ xâu chuỗi” trên vùng cao để đem lại ánh sáng của chính nghĩa, dẫn dắt đồng bào đi theo.
Còn đối với đề tài cuộc sống đô thị và trí thức, ngòi bút có sự cảnh báo về sự xuống cấp, suy thoái đạo đức, tha hóa của con người thời hậu chiến. Với một loạt tác phẩm đặc sắc có sức công phá vào thành trì của cái cũ, cái lạc hậu, chậm đổi mới, nhà văn Ma Văn Kháng được đánh giá “là người đổi mới sớm nhất trong tư tưởng văn chương ở nước ta cuối thế kỷ XX”.
Đã có khá nhiều cây bút phê bình viết về nhà văn Ma Văn Kháng song tác phẩm của Hoàng Việt Quân vừa là kỷ niệm, vừa là cách đánh giá tương đối toàn diện về con người và tác phẩm của ông, là sự tri ân đối với người thầy giáo đã từng dẫn dắt mình vào đời và văn chương, đồng thời tác giả Hoàng Việt Quân cũng muốn giới thiệu với chúng ta về một nhà văn từng để lại nhiều kỷ niệm sâu sắc trên mảnh đất Hoàng Liên Sơn yêu dấu.
Thế Quynh
Các tin khác
YBĐT - Tính đến hết tháng 9, toàn ngành BHXH thu được 659 tỷ đồng trên tổng số 860 tỷ đồng, đạt 76% kế hoạch giao; đặc biệt việc khai thác lao động mới tham gia BHXH mới chỉ được 1.965/3.300 lao động, đạt 59,5% kế hoạch giao; các nhiệm vụ như: Kiểm tra; giám định; cấp, quản lý sổ, thẻ… vẫn bộc lộ những hạn chế…
Bộ GD-ĐT vừa có văn bản yêu cầu các ĐH, học viện, các trường ĐH, CĐ báo cáo kết quả tuyển sinh năm 2013 và kế hoạch tuyển sinh năm 2014.
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải đã ký ban hành Thông tư 38/2013 sửa đổi, bổ sung quyết định bãi bỏ việc hạn chế thi bằng lái A2 dành cho điều khiển xe máy trên 175cc.
YBĐT - Chương trình y tế 12 năm 2013 trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã mang lại ý nghĩa chính trị lớn và hiệu quả thiết thực đối với người dân.