Dù đời sống kinh tế - xã hội đã phát triển nhưng quan điểm này vẫn hiện hữu, gây áp lực cho những người được coi là phải có "trách nhiệm" sinh con trai càng đè nặng, hơn cả là tình trạng mất cân bằng giới tính có chiều hướng gia tăng, gây ra sự bất ổn trong xã hội. Câu chuyện con trai, con gái vẫn còn khá "nóng" trong năm Giáp Ngọ - một năm được coi là năm tốt cho việc sinh con trai. Nhưng thực tế cuộc sống bấy lâu nay đã cho thấy rằng dù là con gái thì cũng chẳng thể là "con người ta" khi người con ấy vẹn toàn hiếu nghĩa.
Ông Phạm Văn Lê ở phường Yên Ninh, thành phố Yên Bái giờ nhắc đến chuyện sinh con trai, con gái mà lắc đầu nguầy nguậy. Ở cái tuổi của ông - tuổi lên chức ông chức bà, cái tuổi viên mãn nhìn con cái phương trưởng, cháu chắt quây quần đầm ấm thì ông vẫn còn nỗi lo canh cánh cho cậu con trai út năm nay ngoài 20 tuổi nhưng lông bông, không nghề nghiệp, hơn cả là nhận thức cho cuộc sống tự lập, chỉn chu làm ăn của cậu út khiến ông bà Lê đau đầu.
Nghĩ lại hồi đó mà ông bà cứ ước không cố đẻ lấy cậu con trai để trông cậy tuổi già khi đã sinh 3 cô con gái. Lúc đó, ông cũng nghĩ con gái là con người ta nên phải có cậu con trai để làm "bảo hiểm" cho cuộc sống sau này, để hương khói cho tổ tiên dòng họ Phạm nhà ông.
Khi sinh được "quý tử", ông bà hết mực chiều con, dẫn đến "quý tử" nhà ông ngang tàng, luôn bắt những người xung quanh phải làm theo ý mình, rồi bỏ học, chơi bời tiêu phá tài sản của bố mẹ. Ông Lê cứ cho cậu học hết lớp nghề này đến lớp nghề kia nhưng chỉ được giữa chừng thì bỏ, bao nhiêu tiều đầu tư cho cậu út đều tiêu tan không có kết quả gì.
Ông bà ngày càng mệt mỏi khi nay người ta đến đòi tiền cậu nợ, mai người ta đến bắt đền cái kia. May mắn cho ông bà Lê, các cô con gái thành đạt, đỡ đần được bố mẹ. Nhưng ông bà vẫn còn nỗi lo canh cánh bao giờ cậu út mới có thể tự lo được cho bản thân. Ông bà Lê giờ đã thấm thía đâu là "bảo hiểm" tuổi già.
Ông vẫn bảo với mấy người hàng xóm: "Tôi không cố đẻ con trai để nối dõi tông đường thì giờ tôi cũng sung sướng an nhàn như ông Kha ở tổ trên".
Nhà ông Kha có 2 người con gái, cái thời của ông Kha chỉ sinh 2 người con gái ấy là vô phước vì không có con trai. Ông Kha tuy thế hệ trước nhưng tư tưởng rất tiến bộ, với ông "con nào cũng là con, miễn là nuôi dạy chúng nên người", "con gái cũng là con nhà ta". Vậy nên 2 người con gái của ông Kha đều thành đạt, đều giữ những vị trí quan trọng trong xã hội và hơn cả 2 chị đều rất hiếu nghĩa với ông bà. Hai anh con rể của ông Kha cũng là người học hành, hiểu biết nên đã ở gần với bố mẹ vợ, phòng khi ông bà ốm đau và chuyện thờ cúng tổ tiên ông Kha đang dần hướng dẫn và chuyển cho cô con gái cả. Nói như ông Lê: "Dù không có "bảo hiểm" nhưng ông bà Kha được bảo hiểm bởi sự hiếu nghĩa của những cô con gái".
Theo nhiều nhà nghiên cứu văn hóa thì chuyện giao nhiệm vụ thờ cúng tổ tiên cho con trai chỉ là một nếp nghĩ, một thói quen và tự coi đó là một chuẩn mực văn hóa. Nhưng dù là phụ nữ hay nam giới đều có quyền và trách nhiệm thờ cúng tổ tiên trong gia đình. Vì nhiều phụ nữ từ cổ xưa đến bây giờ họ rất có hiếu với cha mẹ, tổ tiên. Và cũng theo các nhà nghiên cứu văn hóa thì cần phải xác định thế nào là chuẩn mực văn hóa, cái chuẩn mực nào là đúng và cần lưu giữ và chuẩn mực nào cần thay đổi. Hiện nay rất nhiều gia đình cũng có những thay đổi ở việc nữ giới cũng được giao quyền thờ cúng tổ tiên.
T.B
Ý kiến bạn đọc
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu