Từ năm 1945, ông làm Phó ban Dân quân - Tự vệ xã Âu Lâu. Những tháng chiến dịch, ông bận rộn với công việc chung, suốt ngày đêm với nhiệm vụ rất ít khi tạt qua nhà. Nhà ông ở Dốc Cọ, cách bến phà Âu Lâu hơn 1km.
Bên ngoài ngôi nhà ấy một đoạn có cây đa to, bộ đội đặt kho lương thực. Khu kho này, đêm đêm rất đông dân công, các đoàn xe đạp thồ, bộ đội đến. Đoàn thì đưa gạo từ ngoài vào nộp. Đoàn từ trong ra nhận gạo. Nhà ông Vi thành điểm dừng chân của một độ đường. Bộ đội, dân công thường vào nghỉ ngơi, nấu ăn. Có lần, máy bay đánh vào gần khu kho. Trận đánh khá ác liệt, cả bằng bom phá và bom Na-pan. Nhà ông Vi ở gần đó, bị bom bay đi mất một nửa.
Ông Vi vắng nhà. Bà vợ ông là Tạ Thị An bận ba con nhỏ lại mới ở cữ. Mọi người dốc sức phục vụ chiến dịch, gia đình cứ ở trong nửa ngôi nhà còn lại. Các đoàn dân công vẫn vào nghỉ. Thiếu giường, dân công nằm trên đất nền nhà. Trong nhà hết chỗ, nằm cả ra hè, hôm khô ráo còn nằm cả ra ngoài sân. Bà kể: "Các bác, các bá ấy đêm hôm đi đường xa tới, đến nơi tranh thủ ngủ cho lại sức. Tảng sáng, mọi người lại dậy sớm nấu ăn, tránh sáng ra tầu bay lên đánh phá. Đi đường, gồng gánh nặng, đoàn nào cũng chỉ đem theo gạo ăn, còn mắm muối, rau măng, chuối xanh ngoài vườn, cần gì cứ lấy nấu.
Dân công là người mình, cùng nghèo khổ như nhau, thôi thì bóp mồm bóp miệng đùm bọc nhau, có thì cùng nhau dùng, cho mạnh chân khỏe tay phục vụ chiến dịch". Bà An còn kể tiếp: "Hồi đó, tôi mới sinh thằng Thịnh. Nhà túng thiếu lắm. Có vài sào ruộng, mỗi sào chỉ thu được bốn, năm chục cân thóc. Em cô ông ấy lấy chú Tài mới có đứa con ba tháng tuổi thì bị bom. Mảnh bom xuyên vào lưng mẹ, sang cả con. Hai mẹ con cùng chết một lúc, máu mẹ đổ lẫn máu con đỏ cả bãi đất… Nghĩ mà căm thù, chẳng còn tiếc gì sất, ai cũng dốc lòng phục vụ chiến dịch".
Chiến trường Điện Biên Phủ ngày càng đánh lớn, máy bay càng tăng cường đánh phá. Con đường ra chiến trường dọc qua xã Âu Lâu bị bom đạn băm nát. Mọi nhà cũng lỳ ra với đất. Kho tàng cứ phát triển thêm, ở trong Nước Mát còn thêm Trạm Quân y. Ngôi nhà bị bom bay một nửa của ông Vi, bà An vẫn tồn tại cùng đoàn người ra trận, còn được chứng kiến cảnh mừng vui sau khi giải phóng Điện Biên bộ đội chiến thắng, xe kéo pháo, dân công nườm nượp trở về giữa ban ngày và cả những đoàn tù binh đi chật đường…
Trần Cao Đàm
Ý kiến bạn đọc
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu