Giảng dạy tư tưởng Hồ Chí Minh: Sinh động, thiết thực, hiệu quả
- Cập nhật: Thứ sáu, 23/5/2014 | 1:25:54 PM
YBĐT - Nhận thức về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc đưa tư tưởng đạo đức, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh vào giảng dạy trong nhà trường của ngành giáo dục đào tạo, Đảng ủy, Ban giám hiệu Trường Chính trị tỉnh đã thể hiện sự chủ động, sát sao trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo; sự vào cuộc, phối hợp tham gia và hưởng ứng tích cực của cán bộ, giảng viên và học viên nhà trường.
Lãnh đạo Khoa Xây dựng Đảng nhà trường trao đổi với giảng viên và học viên lớp chuyên viên chính về học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác.
|
Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII năm 1991, Đảng ta đã xác định: "Lấy chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho mọi hành động, lấy tập trung dân chủ làm nguyên tắc tổ chức cơ bản". Từ đó, tư tưởng Hồ Chí Minh đã được đưa vào giảng dạy trong tất cả các trường đại học của cả nước nói chung và Trường Chính trị tỉnh Yên Bái nói riêng như một bộ môn bắt buộc đối với tất cả các sinh viên, học viên thuộc mọi ngành học.
Nhận thức về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc đưa tư tưởng đạo đức, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh vào giảng dạy trong nhà trường của ngành giáo dục đào tạo, Đảng ủy, Ban giám hiệu Trường Chính trị tỉnh đã thể hiện sự chủ động, sát sao trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo; sự vào cuộc, phối hợp tham gia và hưởng ứng tích cực của cán bộ, giảng viên và học viên nhà trường. Theo đó, Ban giám hiệu nhà trường đã chỉ đạo Khoa Xây dựng Đảng khẩn trương xây dựng kế hoạch, biên soạn nội dung chương trình, kết cấu nội dung giáo dục, tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh vào chương trình giảng dạy, học tập và trở thành nhiệm vụ chính trị của nhà trường. Đồng thời là tổ chức tập huấn chương trình, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ giảng viên nhà trường nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giảng dạy và học tập bộ môn tư tưởng Hồ Chí Minh trong toàn trường.
Xác định rõ nhiệm vụ để nâng cao chất lượng giáo dục nói chung, chất lượng giảng dạy môn Tư tưởng Hồ Chí Minh nói riêng, nhà trường phải tạo được môi trường giáo dục thực sự lành mạnh, giúp cho mỗi cán bộ, đảng viên, giảng viên trong trường phát huy ưu điểm, khắc phục khuyết điểm để hoàn thiện hơn về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, thực sự là "tấm gương sáng" về nói đi đôi với làm. Với tinh thần đó, cán bộ giảng viên nhà trường đã không ngừng học tập, quán triệt sâu sắc nội dung nghị quyết đại hội Đảng các cấp nhằm nâng cao nhận thức và vai trò, vị trí, tầm quan trọng của công tác tư tưởng trong toàn bộ hoạt động ở trường, góp phần xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh.
Đồng chí Nguyễn Thanh Sơn - Phó hiệu trưởng nhà trường phụ trách đào tạo lý luận cho biết: "Giải pháp lâu dài của nhà trường là tạo điều kiện cho giáo viên được đào tạo nâng cao trình độ. Trước mắt, tăng cường biện pháp quản lý giáo dục bản lĩnh chính trị, đạo đức, tác phong, lối sống, có niềm tin để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho giáo viên".
Được biết, việc nâng cao kỹ năng nghề cho giáo viên trẻ là hết sức cần thiết bởi họ có trình độ, có kiến thức nhưng kỹ năng nghề còn chưa cao nên nhà trường đã thực hiện phương pháp giao trách nhiệm cho các giáo viên cựu chiến binh là những người có kinh nghiệm thực tế lâu năm trực tiếp giúp đỡ các giáo viên trẻ nâng cao kỹ năng nghề nghiệp để "truyền ngọn lửa nhiệt huyết" và tình yêu nghề nghiệp cho lớp trẻ.
Đặc biệt, nhà trường còn thực hiện đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp giảng dạy, giảm thiểu tối đa lý luận để đi vào thực tế bởi "tư tưởng Hồ Chí Minh là những nội dung hết sức cụ thể, gần gũi chứ không phải lý thuyết cao siêu". Vì thế, việc giảng dạy tư tưởng Hồ Chí Minh trong nhà trường đã có những thay đổi cơ bản từ thuyết trình chuyển sang trao đổi giữa thầy và trò để học viên dễ học, dễ hiểu, dễ tiếp thu và vận dụng sáng tạo vào thực tiễn công việc hàng ngày của mình.
Ví dụ như sửa đổi lối làm việc theo Bác, năm 2013, Trường xây dựng đánh giá kết quả công tác trên các mặt của bộ 3 tiêu chí lớn và hơn 20 tiêu chí nhỏ có đánh giá, nhận xét cụ thể; về nói đi đôi với làm được cán bộ, giảng viên nhà trường thực hiện theo dõi và trừ luôn vào bảng thi đua theo tháng (như lên lớp muộn, cho học viên nghỉ sớm, giảng viên không mang thẻ, tham gia hoạt động phong trào không đầy đủ...). Khoa quản lý có chức năng rà soát, hết quý, Hội đồng Thi đua - Khen thưởng nhà trường đánh giá, xếp loại. Chính việc học theo Bác trong nói đi đôi với làm này đã tạo được sự minh bạch, công khai và dân chủ hơn trong việc đánh giá chất lượng công tác của Trường.
Cùng với công tác giảng dạy thì đi nghiên cứu thực tế cơ sở là một việc làm thiết thực và quan trọng với các giảng viên. Nó giúp cho giảng viên khẳng định những kiến thức truyền đạt của mình đã được kiểm chứng. Vì vậy, nhà trường xác định phải tạo ra các động lực để giảng viên tự học, nâng cao trình độ, trau dồi chuyên môn. Bởi khi không còn động lực phấn đấu, giảng viên sẽ rơi vào tình trạng thụ động, truyền thụ một chiều, rập khuôn, sáo mòn, chất lượng bài giảng sẽ không cao.
Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã dạy: "Phải nắm chắc lý luận trong giảng dạy, cần xác định nội dung cốt lõi, nội dung chính, trọng tâm cần nắm vững và vận dụng. Có như vậy mới khắc phục được tình trạng phiến diện chỉ thấy cây mà không thấy rừng, tình trạng chung chung đại khái biết rừng mà không biết các loại cây cụ thể. Đồng thời, trong huấn luyện phải chú ý vào rèn phương pháp, kỹ năng, tạo cho người học nắm được bản chất linh hồn của các quan điểm lý luận, có thể độc lập, tự chủ, xử trí đúng công việc trong bất kỳ hoàn cảnh nào".
Quán triệt và thực hiện lời dạy đó của Người, tập thể, cán bộ giảng viên Khoa Xây dựng Đảng nhà trường đã khắc phục khó khăn: cùng lúc giảng dạy 5 môn, bố trí giáo viên đi dạy ở các huyện, thị trong tỉnh... để tập trung hoàn thành tốt nhiệm vụ công tác giảng dạy các bộ môn nói chung và môn Tư tưởng Hồ Chí Minh nói riêng.
Đối với những giáo viên trẻ của Khoa đều phải đảm bảo đi thực tế 6 tháng ở các xã, về viết báo cáo thu hoạch trình Hội đồng Khoa học nhà trường mới được quyết định đưa vào giảng dạy. Đồng chí Nguyễn Ngọc Tú - Trưởng khoa Xây dựng Đảng nhà trường khẳng định: "Riêng giảng dạy môn Tư tưởng Hồ Chí Minh, ngoài kiến thức lý luận, các giảng viên còn phải thường xuyên cập nhật kiến thức thực tiễn".
Ví như giảng chương trình trung cấp lý luận Hồ Chí Minh có 8 chuyên đề liên quan đến các lĩnh vực thực tiễn phong phú phải giảng thế nào để học viên tiếp thu, vận dụng đạt kết quả cao đòi hỏi giảng viên phải trau dồi kiến thức rất lớn, không đơn giản chỉ là kể những câu chuyện về Bác. Hoặc giảng Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Đảng, trong đó có nguyên tắc phê bình và tự phê bình, giảng viên phải liên hệ được những cách thực hành phê bình của Bác như thế nào, cách vận dụng vào thực hiện nội dung Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) của Đảng ta ra sao...
Thực hiện Hướng dẫn số 96/HD-BTGTW ngày 5/12/2013 của Ban Tuyên giáo Trung ương về học tập chuyên đề năm 2014 là "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về nêu cao tinh thần trách nhiệm, chống chủ nghĩa cá nhân, nói đi đôi với làm", cùng với các khoa, phòng trong trường, Khoa Xây dựng Đảng đã bố trí cho giáo viên trẻ được đứng lớp nhiều hơn, áp dụng phương pháp giảng dạy tích cực (soạn giáo án điện tử) làm sao để 3 giáo viên đều có thể giảng được 1 bài.
Trong quá trình dạy, giảng viên tự phát huy kiến thức, trình độ và phương pháp truyền đạt sinh động nhất, giúp học viên thuộc mọi đối tượng từ cán bộ chủ chốt cơ sở xã, phường, thị trấn cho đến cán bộ là trưởng, phó các phòng, ban của tỉnh tới các học viên lớp chuyên viên chính, các lớp bồi dưỡng về Đảng, chính quyền, đoàn thể từ tập huấn đến dài hạn... đều nắm được và vận dụng tốt tư tưởng, tấm gương đạo đức của Bác vào cuộc sống.
Thầy giáo Lâm Văn Hưng, sinh năm 1980, giữ cương vị Phó khoa Xây dựng Đảng từ tháng 6/2013 tâm sự: "Nhiều đối tượng học viên là cán bộ lãnh đạo, là những báo cáo viên cấp huyện, thị rồi nên đòi hỏi giảng viên trẻ chúng tôi phải không ngừng học hỏi nhiều hơn mới đáp ứng được yêu cầu công tác giảng dạy".
Thực tế cho thấy, việc tổ chức giảng dạy tư tưởng Hồ Chí Minh trong Trường Chính trị tỉnh không chỉ góp phần thiết thực nâng cao chất lượng giáo dục, đạo đức, bồi dưỡng nhân cách cho học viên mà còn góp phần tích cực nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo của tỉnh, thúc đẩy động cơ phấn đấu, rèn luyện, tu dưỡng đạo đức của cán bộ giảng viên và mỗi học viên nhà trường. Vì vậy, cùng với các môn học khác, nhiều năm qua, Tư tưởng Hồ Chí Minh không chỉ là bộ môn cơ sở lý luận cho việc xác định chiến lược đào tạo con người, chủ trương, đường lối chỉ đạo nền giáo dục của Đảng ta qua các thời kỳ cách mạng mà còn là những bài học, những kinh nghiệm thực tiễn hết sức quý báu, sinh động, thiết thực và hiệu quả đối với những giảng viên đã đang và sẽ tham gia giảng dạy lý luận hiện nay.
Thanh Hương
Các tin khác
YBĐT - Với mục đích hoạt động vì sự bình đẳng, phát triển, chăm lo bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp và chính đáng của phụ nữ, góp phần thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, những năm qua, các cấp hội phụ nữ trong tỉnh đã không ngừng đổi mới phương thức, nâng cao chất lượng hoạt động, thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm của hội.
Ngày 23/5, tại tỉnh Điện Biên, Viện Dinh dưỡng thuộc Bộ Y tế đã phát động Ngày vi chất dinh dưỡng toàn quốc năm 2014 với chủ đề “Vi chất dinh dưỡng cần thiết cho tăng trưởng, nâng cao sức khỏe, trí tuệ và chất lượng cuộc sống” nhằm vận động và đẩy mạnh công tác phòng chống suy dinh dưỡng, thiếu vi chất dinh dưỡng cho bà mẹ và trẻ em.
YBĐT - Trường Tiểu học Bế Văn Đàn, xã Minh Tiến, huyện Lục Yên (Yên Bái) vừa tổ chức lễ đón Bằng công nhận đạt chuẩn quốc gia mức độ I.
YBĐT - Theo số liệu báo cáo của Công an tỉnh Yên Bái trong 5 năm gần đây (từ năm 2009 – 2013), lực lượng công an đã điều tra 142 vụ án hình sự với 207 đối tượng là người chưa thành niên phạm tội. Đây là một con số đáng lo ngại trong xã hội ngày nay.