Cảm ơn “lá bùa hộ mệnh”

YBĐT - Có lẽ chỉ khi gặp trực tiếp những người bệnh, những gia đình có người thân đau ốm, chúng tôi mới hiểu hết giá trị của những tấm thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) mà đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nói chung và đồng bào DTTS trên địa bàn huyện Lục Yên nói riêng đang được hưởng nhờ sự quan tâm, chính sách ưu việt của Đảng, Chính phủ. Ai đó đã từng nói tấm thẻ BHYT giờ đây như “lá bùa hộ mệnh” với đồng bào nghèo, đồng bào DTTS quả không quá lời.

Trên 80% dân số của huyện Lục Yên là đồng bào DTTS. Theo đó, toàn huyện có gần 80 nghìn người thuộc nhóm đối tượng này được cấp phát thẻ BHYT theo chính sách ưu việt của Chính phủ. Việc rà soát, cấp phát thẻ cho đồng bào được tiến hành nghiêm túc, chặt chẽ và đầy đủ, kịp thời. Hiện tượng trùng lắp, sai sót thông tin trên thẻ BHYT từ năm 2013 đã được hạn chế tối đa, không để đồng bào gặp trở ngại trong quá trình sử dụng thẻ. Bệnh viện Đa khoa Lục Yên, nay là Trung tâm Y tế huyện có đến gần 80% bệnh nhân tới khám và điều trị được hưởng chế độ BHYT, phần lớn thuộc đối tượng người DTTS.

Bác sĩ Hoàng Văn Công - Giám đốc Trung tâm cho biết: “Các cơ sở y tế cũng như tại Trung tâm đều không có sự phân biệt bệnh nhân thuộc nhóm đối tượng nào. Tất cả người bệnh đều được hưởng các điều kiện, chất lượng phục vụ như nhau, được sử dụng mọi loại thuốc theo cơ cấu bệnh tật không hạn chế. Riêng với các trường hợp là người DTTS còn được hưởng chế độ ưu đãi vận chuyển khi phải chuyển tuyến trên. Bởi vậy, đối với những trường hợp bệnh nặng, những ca khó, vượt quá khả năng điều kiện phương tiện kỹ thuật cho phép sau khi tiến hành hội chẩn, chúng tôi đều bố trí xe ô tô chuyển bệnh nhân lên tuyến trên để đồng bào có nhiều hơn cơ hội khám và điều trị bệnh”.

 Sau cuộc trò chuyện với bác sĩ Công, chúng tôi đi một vòng qua các khoa phòng của Trung tâm. Quả thực, đa số người bệnh đến khám và điều trị là đồng bào DTTS đến từ các địa phương khác nhau. Tại Khoa Nội - Nhi, bệnh nhân Hoàng Văn Thân, dân tộc Tày ở thôn Thoi Xóa (xã Yên Thắng) là bệnh nhân được hưởng thẻ BHYT dành cho đối tượng là người dân tộc thiểu số đã vào Khoa điều trị 10 ngày nay.

Ông Thân đã 75 tuổi, bị bệnh tim - phổi mãn tính. Con trai ông, anh Hoàng Văn Năm cho biết, bố anh bệnh tuổi già, đau ốm luôn, trước đó đã đi điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh 19 ngày, ra viện về nhà được 1 tháng thì lại vào nằm ở Trung tâm Y tế huyện. Khi được hỏi về những chi phí khi bố anh phải điều trị liên tục dài ngày, anh Năm xúc động chia sẻ rằng mặc dù liên tục phải đi viện điều trị, kể cả bệnh viện tuyến tỉnh nhưng may nhờ có thẻ BHYT được Nhà nước cấp mà chi phí không đáng kể.

19 ngày nằm ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh, khi ra viện, gia đình chỉ phải thanh toán 640 nghìn đồng. Chi phí tốn kém chủ yếu là tiền ăn ở của người nhà đi theo chăm sóc. Kinh tế gia đình đã khó khăn lại càng khó khăn hơn, đấy là tiền thuốc tiền điều trị đã được Nhà nước hỗ trợ nhiều không thì không biết sẽ xoay xở thế nào.

Ông Thân nghe câu chuyện của chúng tôi thì nói thêm vào: “Cảm ơn Đảng, Chính phủ lắm! Không có BHYT thì thân già suốt ngày bệnh tật đau yếu này không biết lấy tiền đâu mà đi viện, con cháu cũng khổ theo”. 

Cũng ở Khoa Nội – Nhi, chị Triệu Thị Nẹo, 44 tuổi, người dân tộc Dao ở thôn 12 (xã Tân Lĩnh) bị đau đầu, sốt cao, vào nhập viện được 4 ngày, điều trị đã đỡ nhiều. Cũng là bệnh nhân được hưởng BHYT dành cho đối tượng người là người DTTS, chị Nẹo chia sẻ: “May nhờ có thẻ BHYT mà lúc ốm đau phải vào bệnh viện chúng tôi không phải chi phí nhiều. Như năm ngoái tôi bị chém vào chân, sau bị áp xe nhiễm trùng phải mổ nhưng ra viện chỉ phải thanh toán 390 nghìn đồng”.

Bác sĩ Đỗ Xuân Hùng - Trưởng khoa Nội - Nhi khẳng định: “Việc đồng bào dân tộc thiểu số được cấp không thẻ BHYT đã thể hiện chính sách ưu việt hết sức nhân văn của Nhà nước mình. Bởi thực tế, đa số đồng bào dân tộc thiểu số điều kiện kinh tế còn rất khó khăn, gia đình nào có người ốm đau bệnh tật nữa thì thực sự là một gánh nặng. Nhiều trường hợp bệnh nhân, người nhà bệnh nhân điều trị ở đây khó khăn cả về cái ăn, cái mặc, có khi phải bán cả thóc lúa để chi phí ăn uống đi theo phục vụ người bệnh. Có thẻ BHYT, người bệnh gần như được bao cấp toàn bộ chi phí khám điều trị, chỉ đồng chi trả 5% là không đáng kể. Nhờ đó, tình trạng người bệnh ốm nằm nhà không dám đi viện vì không có tiền như trước kia có lẽ đã không còn”.

Hơn ai hết, chị Phạm Thị Tuế dân tộc Tày ở thôn Làng Quỵ (xã Minh Tiến) luôn trân trọng và biết ơn khi được cấp tấm thẻ BHYT. Là bệnh nhân bị bệnh tiểu đường nặng, đã từ 3 năm nay, tháng nào chị Tuế cũng phải về Bệnh viện Nội tiết tỉnh để được khám và tiêm thuốc định kỳ. Trước đây, khi chưa được cấp thẻ, mỗi đợt điều trị chị phải chi phí từ 400 - 500 nghìn tiền thuốc, ảnh hưởng nhiều tới kinh tế gia đình. Nhưng kể từ khi được cấp thẻ BHYT, chi phí cho mỗi đợt khám lấy thuốc chỉ còn 30 - 40 nghìn đồng.

Đến nay, bệnh tình của chị đã đỡ nhiều. Và còn nhiều nhiều nữa những người bệnh mang sự hàm ơn của mình với “lá bùa hộ mệnh” mà Chính phủ cấp cho. Cả những người bệnh tưởng đã vô phương cứu chữa như trường hợp ông Mông Đối Chiếu nay đã ngoài 80 tuổi ở thôn Khau Dự (xã Minh Tiến). Sau một tai nạn vào năm 2007, ông đã phải trải qua 3 lần phẫu thuật cả ở tuyến tỉnh và tuyến trung ương nhưng nay sức khỏe vẫn ổn định, vui vầy cùng con cháu.

Mặc dù trong điều kiện còn nhiều khó khăn nhưng Đảng và Chính phủ vẫn luôn dành sự quan tâm, ưu tiên hàng đầu cho đồng bào dân tộc thiểu số và cấp phát thẻ BHYT cho đồng bào là một trong số những chính sách ưu việt đã mang lại hiệu quả thiết thực và niềm tin cho đồng bào các dân tộc.

 Ngọc Tú

Ý kiến bạn đọc

Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Mã vùng điện thoại cố định sau sáp nhập như nào?

Mã vùng điện thoại cố định sau sáp nhập như nào?

Với 11 tỉnh/thành phố không có sự biến động, mã vùng điện thoại cố định vẫn giữ nguyên. Với 23 tỉnh/thành phố mới được sắp xếp từ 2 tỉnh/thành phố trở lên sẽ áp dụng song song các mã vùng điện thoại cố định, sau đó dự kiến sẽ áp dụng theo mã vùng của tỉnh mới.

Chính quyền hai cấp ở Lào Cai: Gần dân, sát việc

Chính quyền hai cấp ở Lào Cai: Gần dân, sát việc

Sau khi sắp xếp đơn vị hành chính và đưa vào vận hành mô hình chính quyền hai cấp, đến nay, bộ máy hành chính của tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực. Chính quyền cơ sở tại nhiều địa phương không chỉ hoạt động hiệu quả mà còn gần dân, sát cơ sở, giải quyết công việc nhanh gọn, minh bạch, tăng sự hài lòng của người dân.

Đẩy nhanh tiến độ xóa nhà tạm

Đẩy nhanh tiến độ xóa nhà tạm

Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 338/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Phiên họp lần thứ 15 Ban chỉ đạo Trung ương về xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước.

Bộ Công an nói về vụ bán dầu ăn chăn nuôi cho người

Bộ Công an nói về vụ bán dầu ăn chăn nuôi cho người

Với vụ án dầu ăn OFOOD, người phát ngôn Bộ Công an cho biết, đây là vụ án buôn lậu, sản xuất dầu thực vật giả với quy mô lớn: "Đây là việc biến dầu dùng cho thức ăn chăn nuôi thành dầu ăn cho người. Rất nguy hiểm và chưa đánh giá hết được hệ lụy của nó với sức khỏe người tiêu dùng".

Cảnh báo lũ quét, sạt lở, mưa đá

Cảnh báo lũ quét, sạt lở, mưa đá

Theo dự báo của Đài Khí tượng - Thuỷ văn tỉnh Lào Cai, Dự báo trong 6 giờ tới một số khu vực trong tỉnh tiếp tục có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to. Lượng mưa tích lũy tại tỉnh Lào Cai phổ biến 10 - 30 mm, có nơi trên 60 mm. Cảnh báo nguy cơ sạt lở, mưa đá, giông lốc trong chiều và tối nay.

fb yt zl tw