Đẩy nhanh tiến độ xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin

Thực hiện Quyết định 150/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án xác minh hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin, tính đến tháng 6/2014, đã có 8.128 mẫu hài cốt liệt sĩ được lấy, phân tích được 2.331 mẫu để xác định danh tính.

Nhân kỷ niệm 67 năm Ngày Thương binh Liệt sĩ 27/7, phóng viên Báo điện tử Chính phủ đã có cuộc trao đổi với ông Đào Ngọc Lợi, Phó Cục trưởng Cục Người có công (Bộ LĐTBXH) về các vấn đề xung quanh Đề án xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin (Đề án 150).

Đảng và Nhà nước ta rất quan tâm  đến công tác xác định thông tin hài cốt liệt sĩ. Tuy nhiên, hiện nay Dự án nâng cấp 3 cơ sở giám định gene vẫn còn chậm trễ, chưa ban hành được quy trình xác định danh tính liệt sĩ còn thiếu thông tin. Ông có thể cho biết, nguyên nhân do đâu dẫn đến sự chậm trễ này?

Ông Đào Ngọc Lợi: Việc quy trình xác định danh tính liệt sĩ còn thiếu thông tin chưa được ban hành là do trong quá trình nghiên cứu xây dựng, Bộ LĐTBXH thấy đây là vấn đề mới, mang tính khoa học và thực tiễn cao, cần phối hợp với nhiều cơ quan chuyên môn, các chuyên gia trong và ngoài nước. Hiện, quy trình đang được hoàn thiện và dự kiến sẽ được ban hành vào tháng 10/2014.

Về Dự án nâng cấp 3 đơn vị giám định gene (Viện Pháp y quân đội-Bộ Quốc phòng, Viện Công nghệ sinh học-Viện Hàn lâm khoa học và Công nghệ Việt Nam, Viện Kĩ thuật hóa sinh và Tài liệu nghiệp vụ-Bộ Công an), Bộ LĐTBXH đã thống nhất với 3 cơ sở về công nghệ, danh mục, trang thiết bị. Các đơn vị đã lập đề án trình Bộ chủ quản phê duyệt, Bộ chủ quản đang tiến hành thẩm tra. Công tác thẩm tra sẽ được tiến hành trong quý III/2014 và dự án được hoàn thiện vào cuối năm.

Theo Đề án 150, thì mục tiêu đề ra là đến năm 2015 xác minh được khoảng 10.000 hài cốt, năm 2020 xác minh được 80.000 hài cốt. Tính đến thời điểm hiện tại kết quả thực hiện việc xác định hài cốt liệt sĩ như thế nào, thưa ông?

Ông Đào Ngọc Lợi: Trước khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án 150, năm 2011 Bộ LĐTBXH đã thí điểm việc thực hiện giám định ADN xác định danh tính liệt sĩ còn thiếu thông tin. Cơ quan giám định đã lấy 123 mẫu hài cốt liệt sĩ và 125 mẫu thân nhân để đối chứng, đã phân tích 100 mẫu hài cốt liệt sĩ và 100 mẫu sinh phẩm thân nhân liệt sĩ để so sánh.

Kết quả cụ thể như sau: Có quan hệ huyết thống: 37 mẫu (37%), không có quan hệ huyết thống 61 mẫu (61%), không phân tích được ADN: 2 mẫu (2%).

Kết quả trên đã được thông báo đến thân nhân liệt sĩ, bước đầu tạo niềm tin của thân nhân liệt sĩ. 1011 mẫu hài cốt liệt sĩcũng đã được lấy để phân tích ADN, lưu giữ tại Viện Công nghệ sinh học.

Từ kết quả thực hiện năm 2011, Bộ LĐTBXH đã hoàn thiện trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án 150. Tính đến tháng 6/2014, đã có 8.128 mẫu hài cốt liệt sĩ được lấy, phân tích được 2.331 mẫu, còn lại chưa phân tích 5.797 mẫu.

Như vậy, để đạt được mục tiêu đề ra còn rất nhiều công việc cần làm. Xin ông cho biết trong thời gian tới, Bộ LĐTBXH sẽ triển khai những công việc gì để hoàn thành đúng tiến độ theo Quyết định số 150/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ?

Ông Đào Ngọc Lợi: Trong qua trình thực hiện, công tác xác định danh tính hài cốt liệt sĩ gặp rất nhiều khó khăn do mẫu hài cốt đã được chôn cất trong thời gian quá dài, lâu năm (30-40 năm), do đó chất lượng ADN còn lưu lại kém.

Bên cạnh đó, trang thiết bị của các đơn vị đã quá cũ, chưa được tự động hóa, thường xuyên hỏng hóc ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ phân tích. Thậm chí, có một số kết quả giám định có sự trùng lặp ngẫu nhiên về ADN ty thể của các mẫu phân tích sinh phẩm thân nhân liệt sĩ và hài cốt liệt sĩ, có trường hợp 1 mẫu hài cốt liệt sĩ trùng lặp với trên 20 thân nhân liệt sĩ ở các tỉnh khác nhau.

Để thực hiện đúng tiến độ theo kế hoạch của Ban Chỉ đạo 150 đề ra, trong năm 2014 và 2015, Bộ LĐTBXH sẽ tiến hành sẽ ban hành Quy trình xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin, hoàn thiện phần mềm cơ sở dữ liệu về liệt sĩ, thân nhân liệt sĩ, mộ liệt sĩ, nghĩa trang liệt sĩ, hoàn thành điều tra thí điểm, thống kê, tổng hợp, cập nhật, bổ sung thông tin về liệt sĩ, thân nhân liệt sĩ, mộ liệt sĩ và nghĩa trang liệt sĩ tại 5 tỉnh (Hậu Giang, Ninh Thuận, Hòa Bình, Hà Tĩnh, Hà Giang) trong quý III/2014.

Đồng thời, triển khai điều tra trên toàn quốc, xây dựng hệ cơ sở dữ liệu liệt sĩ, mộ liệt sĩ, thân nhân liệt sĩ và nghĩa trang liệt sĩ, tiếp tục giám định ADN để xác định danh tính các trường hợp đã lấy mẫu sinh phẩm hài cốt liệt sĩ và thân nhân liệt sĩ, lấy mẫu sinh phẩm hài cốt liệt sĩ có một phần thông tin tại tỉnh Quảng Trị và tỉnh Bình Thuận.

Xin cảm ơn ông!

(Theo Chinhphu)

Ý kiến bạn đọc

Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Bước tiến chiến lược trong chính sách an sinh giáo dục

Bước tiến chiến lược trong chính sách an sinh giáo dục

Hai Nghị quyết vừa được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 9 về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 3-5 tuổi và miễn, hỗ trợ học phí cho người học trong hệ thống giáo dục quốc dân, đã đánh dấu một bước tiến có ý nghĩa chiến lược trong chính sách an sinh giáo dục nước ta.

Chấm thi khẩn trương nhưng không được 'sót bài', 'sót ý' để bảo đảm quyền lợi cho thí sinh

Chấm thi khẩn trương nhưng không được 'sót bài', 'sót ý' để bảo đảm quyền lợi cho thí sinh

Thứ trưởng Thường trực Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 vừa có cuộc trả lời phỏng vấn báo chí về công tác chấm thi trong bối cảnh vận hành chính quyền địa phương 2 cấp, việc bảo đảm quyền lợi cho thí sinh trong khâu chấm thi, độ khó của đề thi Toán, Tiếng Anh,...

Mã vùng điện thoại cố định sau sáp nhập như nào?

Mã vùng điện thoại cố định sau sáp nhập như nào?

Với 11 tỉnh/thành phố không có sự biến động, mã vùng điện thoại cố định vẫn giữ nguyên. Với 23 tỉnh/thành phố mới được sắp xếp từ 2 tỉnh/thành phố trở lên sẽ áp dụng song song các mã vùng điện thoại cố định, sau đó dự kiến sẽ áp dụng theo mã vùng của tỉnh mới.

Chính quyền hai cấp ở Lào Cai: Gần dân, sát việc

Chính quyền hai cấp ở Lào Cai: Gần dân, sát việc

Sau khi sắp xếp đơn vị hành chính và đưa vào vận hành mô hình chính quyền hai cấp, đến nay, bộ máy hành chính của tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực. Chính quyền cơ sở tại nhiều địa phương không chỉ hoạt động hiệu quả mà còn gần dân, sát cơ sở, giải quyết công việc nhanh gọn, minh bạch, tăng sự hài lòng của người dân.

fb yt zl tw