Năm 1976, thế giới ghi nhận vụ dịch đầu tiên tại Sudan với hơn 600 người mắc. Từ tháng 12/2013 đến ngày 1/8/2014, dịch bệnh do vi rút Ebola đã bùng phát trở lại tại 4 nước vùng Tây Phi gồm: Guinea, Liberia, Nigeria và Siera Leonne. Tính đến ngày 12/8/2014, thế giới đã ghi nhận tổng cộng 1.848 trường hợp mắc, trong đó có 1.013 trường hợp tử vong.Số trường hợp mắc và tử vong do vi rút Ebola tại 4 nước vùng Tây Phi này liên tục gia tăng. Đặc biệt, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã ghi nhận trên 200 cán bộ y tế bị lây nhiễm virus này.
Theo thạc sỹ, bác sỹ Lê Thị Hồng Vân – Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, Ebola là một căn bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm, có nguy cơ lây lan rất nhanh nhưng chưa tìm ra thuốc chữa và tỷ lệ tử vong rất cao, có thể lên tới trên 90%. Cơ chế lây nhiễm của vi rút Ebola là từ người sang người, qua tiếp xúc trực tiếp với máu, dịch tiết (phân, nước tiểu, nước bọt, tinh dịch) của người mắc bệnh, hoặc các vết xước trên da, niêm mạc của người lành tiếp xúc với môi trường bị ô nhiễm với các chất tiết của người nhiễm vi rút.
Người mắc Ebola thường có các triệu chứng: sốt đột ngột, mệt mỏi kéo dài, đau cơ, đau đầu, đau họng, nôn, tiêu chảy, phát ban, suy thận, suy gan. Một số trường hợp bị chảy máu nội tạng, chảy máu ngoài da. Thời gian ủ bệnh từ 2 - 21 ngày. Bệnh nhân dễ lây truyền bệnh ngay khi bắt đầu xuất hiện triệu chứng.
Mặc dù tại Việt Nam nói chung, Yên Bái nói riêng chưa từng ghi nhận ca mắc Ebola, tuy nhiên, với môi trường tiếp xúc như hiện nay thì nguy cơ dịch bệnh xâm nhập luôn có thể xảy ra. Việc sẵn sàng, chủ động các phương án phòng chống, điều trị lúc này đặc biệt quan trọng. Trước những diễn biến cực kỳ phức tạp và nguy hiểm của dịch Ebola, Bộ Y tế đã có Công văn khẩn số 5170/BYT-DP ngày 01/8/2014 về việc giám sát phòng chống dịch bệnh do vi rút Ebola gửi các địa phương, Kế hoạch số 2941/QĐ-BYT ngày 07/8/2014 về việc ban hành Kế hoạch hành động phòng chống bệnh do vi rút Ebola tại Việt Nam. Thực hiện Công văn và Kế hoạch của Bộ Y tế, Yên Bái đang có những động thái tích cực.
Ông Nguyễn Văn Tuyến - Phó giám đốc Sở Y tế cho biết: “Ngay sau khi nhận được Công văn khẩn và Kế hoạch chỉ đạo của Bộ Y tế, Sở đã chủ động ban hành Công văn số 643/SYT – NVY ngày 12/8/2014 về việc tăng cường giám sát, phòng chống dịch. Đồng thời tham mưu cho UBND tỉnh ban hành kế hoạch phòng chống dịch bệnh Ebola trên địa bàn toàn tỉnh”.
Xác định là địa bàn giáp ranh với tỉnh Lào Cai - nơi có cửa khẩu quốc tế giáp Trung Quốc, vì vậy, ngành y tế Yên Bái đã chỉ đạo và yêu cầu các ban, ngành, huyện, thị, thành phố, đặc biệt là các vùng giáp ranh sớm có phương án dự phòng, chủ động phối hợp với đơn vị quản lý xuất nhập cảnh, giám sát những người đi du lịch, lao động hợp tác từ vùng dịch trở về và khách du lịch từ vùng có dịch đến địa phương; lập kế hoạch tập huấn cho cán bộ y tế về giám sát và phác đồ điều trị, phòng chống lây nhiễm trong bệnh viện và cộng đồng; chuẩn bị cơ sở vật chất, kỹ thuật, trang thiết bị hiện có để sẵn sàng thu dung, cách ly điều trị những trường hợp mắc bệnh; các đội cơ động chống dịch luyện tập và sẵn sàng triển khai các hoạt động khi có dịch xảy ra; đẩy mạnh tuyên truyền cách phòng bệnh trên các phương tiện thông tin đại chúng; khai báo kịp thời những trường hợp nghi ngờ, đặc biệt theo dõi những người mới đi từ các quốc gia Tây Phi về…
Tuy chưa xuất hiện trên phạm vi toàn quốc, nhưng với tốc độ lây lan chóng mặt của loại dịch bệnh này, mang tính toàn cầu, trong khi chưa có phác đồ điều trị và vắc xin phòng ngừa thì hơn hết, công tác dự phòng và truyền thông cần được đặc biệt quan tâm, quyết tâm chặn dịch ngay từ bên ngoài biên giới quốc gia.
Thạc sỹ, bác sỹ Lê Thị Hồng Vân - Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh: Không phải lúc nào cũng xác định được bệnh nhân Ebola sớm do các triệu chứng ban đầu thường không đặc hiệu. Do đó, các nhân viên y tế cần áp dụng các biện pháp phòng chống trước mọi bệnh nhân - bất kể chẩn đoán là gì - ở mọi lúc và mọi nơi. Những biện pháp này bao gồm vệ sinh tay, vệ sinh đường hô hấp, sử dụng trang bị bảo hộ cá nhân (theo nguy cơ phát tán hoặc tiếp xúc khác với vật liệu nhiễm), thực hành tiêm chích an toàn và thực hành mai táng an toàn. Ngoài những biện pháp cơ bản nêu trên, nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân nghi ngờ hoặc chắc chắn nhiễm vi rút Ebola cần áp dụng thêm những biện pháp phòng chống lây nhiễm khác để tránh mọi phơi nhiễm… |
Ngọc Sơn
Ý kiến bạn đọc
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu