Ngày đầu khó quên
- Cập nhật: Thứ sáu, 5/12/2014 | 8:35:20 AM
YBĐT - Nhờ sự động viên, quan tâm, chỉ đạo thường xuyên của Ban Biên tập, đặc biệt là đồng chí Tổng biên tập, chúng tôi đã hoàn thành công việc được giao. Mọi công tác sẵn sàng cho ngày ra mắt Báo điện tử 6/12/2004 đã hoàn tất theo đúng kế hoạch.
Phóng viên Báo Yên Bái điện tử tác nghiệp tại cơ sở. (Ảnh: Quyết Thắng)
|
Hôm đó là 20/7/2004, tôi được Tổng biên tập Bùi Anh Túy gọi đến và giao một nhiệm vụ mới, rất mới: "Cơ quan sẽ xây dựng thêm trang báo điện tử. Cháu học công nghệ thông tin nên bố trí chuyển sang làm báo điện tử. Cháu có ý kiến gì không?”. Tôi rất bất ngờ và cũng đầy lo lắng trước công việc rất mới mẻ này. Công việc chế bản điện tử báo in tôi làm khi đó đã quen thuộc, bây giờ sang một môi trường mới, hoàn toàn là công nghệ hiện đại, không biết sẽ như thế nào... Hiểu được nỗi lo lắng của tôi, Tổng biên tập thẳng thắn nói: "Cháu không phải lo, lần này cơ quan cử cháu và đồng chí Quang Tuấn – Phó phòng Tòa soạn sang Thái Nguyên học tập kinh nghiệm làm báo điện tử của họ”.
Ngày 15/8/2004, tôi cùng anh Quang Tuấn sang Thái Nguyên bắt đầu những ngày học tập. Phải nói là có rất nhiều điều mới lạ mà anh em tôi chưa từng nghĩ đến. Là một tờ báo Đảng địa phương, nằm trên địa bàn có nhiều trường đại học, báo bạn có rất nhiều lợi thế về con người, cơ sở vật chất, hơn nữa bạn thường xuyên tổ chức mời các giảng viên, nhà báo lớn trong giới báo chí đến bồi dưỡng nên đội ngũ của báo bạn tương đối đồng đều và chuyên nghiệp.
Tại Phòng điện tử, nơi chúng tôi đến học hỏi, có 6 người, 3 người đảm nhiệm nội dung, 3 người đảm nhiệm công nghệ. Anh Quang Tuấn nghiên cứu về kết cấu, phương thức xuất bản nội dung, còn tôi đảm nhiệm việc học tập công nghệ. Lúc bấy giờ, Báo Thái Nguyên hoàn toàn chủ động công nghệ (bây giờ thì thuê chuyên gia) nên trang báo vẫn vừa làm vừa hoàn thiện. Hầu hết các kỹ sư bên báo bạn phải tự viết và lập trình bằng các ngôn ngữ lập trình bằng C, C+, Visua Basic, HTML... Khi làm việc với các bạn, tôi đã hoàn toàn thay đổi tư duy làm báo. Từ đó, đêm nào tôi cũng thao thức vừa học vừa đọc vừa nghiên cứu làm sao tiếp cận được một khối lượng công việc như họ vì mình chỉ một người. Sau gần 20 ngày ở bên báo bạn, chúng tôi trở về Báo Yên Bái và bắt tay vào làm.
Công việc đi vào thử nghiệm. Chúng tôi tập trung vào tìm hiểu giao diện, cập nhật tin tức, xử lý dữ liệu qua ngôn ngữ HTML (tức ngôn ngữ đánh dấu siêu văn bản bằng thẻ)... Điều làm tôi nhớ mãi là khi bắt tay vào làm thì hoàn toàn không giống như mình học tập ở báo bạn vì công nghệ hoàn toàn khác do Báo Yên Bái thực hiện phương châm "đi tắt đón đầu”. Ban biên tập thuê một chuyên gia giỏi về lập trình web cùng tham gia và hỗ trợ cho nên anh em chúng tôi lại tư duy từ đầu.
Công việc ban đầu có những khó khăn, thuận lợi nhất định, chúng tôi cùng làm, cùng bổ sung cho nhau. Thời gian làm việc thì không bao giờ tính toán, có thể làm đến tận khuya, không trừ ngày nghỉ, lễ, tết. Cái khó nhất mà hay gặp phải đó là báo điện tử rất khó kiểm soát. Với các modul, mã nguồn mới, anh em chúng tôi hầu như phải thuộc lòng. Có những đoạn mã lệnh nhầm mà tìm cả ngày chẳng ra, loay hoay thế nào tìm ra được nhưng lại không nhớ đã thao tác gì, cuối cùng lại phải quay lại làm từ đầu. Những lúc đó, chúng tôi thực sự buồn và chán nản. Không ít lần tôi đã phải òa khóc vì không biết bắt đầu từ đâu. Chính vì công việc không cho phép sai sót, nhầm lẫn, nội dung và công nghệ cùng song song với nhau nên khi gặp các lỗi kỹ thuật, font chữ, hình ảnh nếu không xử lý chắc chắn trở thành mã số hết. Vì công nghệ khi ấy còn lạc hậu nên hầu hết chúng tôi lại quay về mã nguồn sửa từng ký hiệu, từng thông số cỡ ảnh, khung, mã màu sắc, phân số kết cấu giao diện... Nhờ sự động viên, quan tâm, chỉ đạo thường xuyên của Ban Biên tập, đặc biệt là đồng chí Tổng biên tập, chúng tôi đã hoàn thành công việc được giao. Mọi công tác sẵn sàng cho ngày ra mắt Báo điện tử 6/12/2004 đã hoàn tất theo đúng kế hoạch.
Thấm thoắt đã 10 năm, Báo Yên Bái điện tử bây giờ thay đổi và hiện đại hơn nhiều so với thời kỳ đầu. Trang báo đã có một vị trí quan trọng trong ba ấn phẩm của Báo Yên Bái. Nó đã trưởng thành thực sự. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, Báo Yên Bái điện tử vẫn còn nhiều hạn chế do nhiều lý do khác nhau nên có thể chưa làm thỏa mãn nhu cầu của độc giả. Song với chúng tôi - những người đặt viên gạch đầu tiên làm nền móng cho tờ báo điện tử, mỗi khi nhớ về những ngày đầu gian khó ấy cũng cảm thấy tự hào bởi chúng tôi đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh được giao.
Thanh Thủy
Các tin khác
YBĐT - Thực hiện chủ trương của Chính phủ về việc chia tách huyện Văn Chấn thành 2 hai huyện để thuận lợi cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương UBND tỉnh Yên Bái đã thành lập nhóm chuyên gia xây dựng các phương án chia tách huyện với 3 phương án. Để giúp người dân hiểu rõ hơn về các phương án này, phóng viên Báo Yên Bái điện tử đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Lịch – Trưởng Ban Nội chính Tỉnh uỷ, Trưởng nhóm chuyên gia nghiên cứu các phương án chia tách huyện Văn Chấn.
YBĐT - Anh Nguyễn Ngọc Mai, cán bộ tư pháp - hộ tịch của UBND thị trấn Yên Thế, huyện Lục Yên không chỉ là một tấm gương điển hình trong công tác "Dân vận khéo" mà còn kết nối những tấm lòng nhân ái, giúp các hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Nhờ những thành tích đó, anh đã vinh dự được biểu dương tại Hội nghị sơ kết phong trào thi đua và biểu dương điển hình “Dân vận khéo” giai đoạn 2009 - 2014.
YBĐT - Sau 10 năm nỗ lực thực hiện Đề án xây dựng thị xã văn hóa (2003 – 2013) thị xã Nghĩa Lộ đã có nhiều đổi thay tích cực từ đô thị đến nông thôn. Năm 2013, thị xã lại vinh dự được chọn để thực hiện Đề án "Xây dựng thị xã văn hóa – du lịch Nghĩa Lộ, giai đoạn 2013 - 2020". Đây là giai đoạn phát triển mới của việc xây dựng thị xã văn hóa với những đổi mới từ tư duy đến cách làm.
YBĐT - Là một tỉnh miền núi có nhiều dân tộc cùng chung sống, để từng bước nâng cao dân trí và thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, những năm qua, Yên Bái đã thực hiện tốt việc đưa thông tin và các ấn phẩm báo chí đến với đồng bào trong toàn tỉnh. Trong đó, tỉnh đặc biệt quan tâm đến đồng bào ở vùng đặc biệt khó khăn, vùng xa, vùng sâu và vùng cao.