Trường Sa ơi!

  • Cập nhật: Chủ nhật, 4/1/2015 | 11:46:07 AM

YBĐT - Mùa xuân đang về với Trường Sa ngoài biển Đông trùng trùng sóng vỗ. Đào hoa đã hé những nụ mầm tươi tắn đem mùa xuân về. Đang sống giữa hòa bình song "đất nước gian lao chưa bao giờ bình yên" – dù chưa một lần đến mà trong tôi bỗng nỗi nhớ Trường Sa đến cồn cào, muốn ra Trường Sa đón xuân cùng những người lính đảo...

Đại úy Vũ Khắc Biên (người mặc áo xanh đứng giữa) tuần tra trên đảo Trường Sa Lớn.
Đại úy Vũ Khắc Biên (người mặc áo xanh đứng giữa) tuần tra trên đảo Trường Sa Lớn.

Tôi sinh ra và lớn lên giữa núi rừng Tây Bắc. Đại ngàn đã ấp ủ, che chở và nuôi dưỡng tôi để đến một ngày tôi hiểu, đất nước rộng lớn lắm, vươn xa ra ngoài khơi kia, nơi biển Đông trập trùng sóng vỗ. Ấy là lúc tôi được học "đất nước ta mấy ngàn năm lịch sử" với "rừng vàng, biển bạc". Những bài học lịch sử, địa lý đã dạy cho tôi biết, Tổ quốc mình có vùng biển rộng lớn với những bờ biển dài và hàng trăm ngàn hòn đảo như một phần máu thịt chưa bao giờ và không thể nào tách rời của đất nước hình chữ S kiêu hãnh đứng hiên ngang bên bờ biển Đông.

Qua mỗi bài học, tôi thực sự hãnh diện và tự hào về Trường Sa! Nơi đây bao cha anh của chúng ta đã ngã xuống để bảo vệ sự toàn vẹn chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, giữ cho sự bình yên trên biển, đảo quê hương. Trường Sa - cuộc sống nơi đây biết bao khó khăn, vất vả nhưng những người chiến sỹ trên đảo không kể ngày hay đêm, mưa hay nắng, “vẫn hiên ngang giữa sóng cồn, bão dạt” để canh giữ biển khơi, để những người dân Việt Nam luôn cảm nhận được rằng Trường Sa thật gần như trong câu hát: “Không xa đâu Trường Sa ơi/ Rất gần bên anh vì Trường Sa luôn bên em/ Rất gần bên em vì Trường Sa luôn bên anh”.

Các bài hát về biển đảo, về Trường Sa chưa lúc nào thôi sức hút đối với người dân đất Việt, đặc biệt với những người trẻ, đã góp phần vun đắp và thổi bùng ngọn lửa yêu nước, tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc của lớp trẻ; thôi thúc mỗi chúng ta chung sức chung lòng, đoàn kết bảo vệ biển đảo quê hương.

Và cũng bởi chính tinh thần ấy mà cậu bạn thân của tôi - Đại úy Vũ Khắc Biên ở phố Lê Hồng Phong, phường Nguyễn Thái Học, thành phố Yên Bái đang là lính biên phòng tại xã Thu Lũm, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu đã viết đơn tình nguyện ra Trường Sa như một đại diện cho thế hệ trẻ ở núi rừng Tây Bắc ra bảo vệ Tổ quốc nơi đầu sóng, ngọn gió. Đã là người Việt ai cũng yêu nước và mỗi người sẽ có một cách thể hiện tình yêu ấy khác nhau. Đại úy Vũ Khắc Biên đã không hô to khẩu hiệu “Tôi yêu nước” nhưng anh đã giữ trọn lời thề với đất Mẹ thiêng liêng để vượt qua những khó khăn, gian khổ về mình, sẵn sàng hy sinh tuổi thanh xuân vì chủ quyền biển đảo của đất nước.

Những ngày đầu lên đảo, anh không khỏi bất ngờ bởi độ ẩm và khí mặn của biển. Anh bảo, chỉ cần đứng nơi đầu gió rồi nhấp vào báng súng cũng thấy vị mặn chát. Vì vậy, mới có chuyện quân phục của các anh cũng mặn chát như nước và khí biển, vừa hôm nào mới tinh mà nay đã sờn cũ, những chú chó nghiệp vụ giờ giải lao luyện tập cứ quấn quýt tìm vị mặn. Hay chuyện chàng lính trẻ hôm nay còn khóc vì nhớ nhà, nhớ người yêu, rồi ngày mai, cũng chính chàng lính ấy lại động viên những người lính mới ra đảo, chia sẻ kinh nghiệm chống rát bụng vì thiếu rau, san sẻ cho nhau từng ca nước ngọt hiếm hoi...

Rồi những buổi tuần tra đêm, Biên cùng đồng đội ra biển lạnh buốt, sóng cao tít tắp cứ thế đáp thẳng vào người. Và những hy sinh đã không chỉ có ở "ngày hôm qua", đồng đội của anh, liệt sĩ Nguyễn Văn Tuấn sinh năm 1988, quê Thanh Hóa và liệt sĩ Nguyễn Văn Hà sinh năm 1989 quê Nghệ An đã ngã xuống trên đất đảo quê hương khi làm nhiệm vụ.

Sự hy sinh ấy khiến Biên và những đồng đội của anh trên đảo Trường Sa không khỏi xúc động bởi tuổi đời của hai liệt sĩ còn quá trẻ. Vượt lên những hy sinh, mất mát, anh cùng đồng đội càng chắc tay súng bảo vệ chủ quyền biển đảo đất nước. Gần 2 năm trên đảo Trường Sa, hành trang anh trở về là ngọn lửa rực cháy của lý tưởng và bầu nhiệt huyết tuổi trẻ sẵn sàng đón nhận những nhiệm vụ mới khó khăn hơn, nặng nề hơn.

Cột cờ chủ quyền Trường Sa tại xã Nà Hẩu - công trình do cán bộ, công nhân viên Báo Yên Bái tặng nhân dân Nà Hẩu, huyện Văn Yên.

Qua những câu chuyện kể về cuộc sống người lính đảo Trường Sa của Đại úy Vũ Khắc Biên, tôi thật sự cảm nhận được sự hy sinh thầm lặng, ý chí phi thường của những ngưới lính. Sự hy sinh và sức mạnh ấy có được từ nhận thức sâu sắc về ý nghĩa chủ quyền biển đảo, từ lòng yêu nước và tinh thần quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh được tôi luyện, rèn giũa để kết thành sức mạnh, sẵn sàng chiến đấu với kẻ thù có âm mưu gây hấn, xâm lược. Đúng như Pavel Coóc saghin trong tác phẩm "Thép đã tôi thế đấy" đã nói: “Cái quý nhất của đời người là cuộc sống. Đời người ta chỉ sống một lần, phải sống sao cho khỏi xót xa, ân hận vì những năm tháng đã sống hoài sống phí, để khỏi hổ thẹn vì những ti tiện và đớn hèn, để khi nhắm mắt xuôi tay ta có thể nói rằng cả đời ta, cả sức ta đã hiến dâng cho sự nghiệp cao đẹp nhất trên đời…”.

Giữa lúc "biển Đông dậy sóng", những người làm báo Báo Yên Bái càng vững tay bút và càng mong muốn đưa Trường Sa, biển đảo về gần hơn với mỗi người, đặc biệt là với đồng bào Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên - địa phương Tỉnh ủy giao cho Báo Yên Bái phụ trách. Những người làm báo đã chọn cách  thật đặc biệt là xây dựng cột cờ chủ quyền biển đảo Trường Sa trên đất núi với đúng khuôn mẫu chính trên đảo Trường Sa Lớn - đó là cách mà những người "lấy cây bút làm vũ khí" tuyên truyền xa hơn cả những bài viết hay, đó là tình cảm với Trường Sa, với vùng cao thân yêu.

Thật vinh dự, tự hào cho tôi cùng thế hệ trẻ và tất cả những đồng nghiệp được tham đóng góp một phần nhỏ công sức cho sự hình thành một “Trường Sa trên núi”. Công trình được khánh thành vào đúng dịp khai giảng năm học mới 2014 - 2015 của những học sinh dân tộc Mông ở Nà Hẩu. Một ý tưởng hay và hiệu quả tuyên truyền ngoài sức tưởng tượng khi những đứa trẻ người Mông chưa hề biết vị mặn của biển đọc rành rọt “Trường Sa - chủ quyền của Việt Nam”. Trường Sa đã thật gần với những người dân trên núi Nà Hẩu; chủ quyền biển đảo đã được xác lập một lần nữa trong trái tim, khối óc của đồng bào.

Nếu trên đảo Trường Sa Lớn ngoài biển Đông, mỗi nhành cây, ngọn cỏ đều mang trên mình sứ mệnh là cột mốc tiền tiêu của Tổ quốc thì ở trên vùng núi cao xa xôi này, cột cờ chủ quyền biển đảo Trường Sa đang tiếp thêm sức mạnh để cây rừng Nà Hẩu, lòng dân Nà Hẩu - Văn Yên - Yên Bái mãi là hậu phương vững chắc cho tiền phương biển đảo.

Mùa xuân đang về với Trường Sa ngoài biển Đông và tôi muốn được đón xuân cùng những người lính đảo. Các anh ơi, lớp trẻ chúng tôi và các thế hệ người Việt Nam luôn ghi nhớ những hy sinh của các anh nơi đầu sóng, ngọn gió, nơi các anh đang vững tay súng, dõi mắt gác canh cho Tổ quốc bình yên, vẹn toàn. Và mãi mãi trong lòng "Không xa đâu Trường Sa ơi/ Rất gần bên anh vì Trường Sa luôn bên em/ Rất gần bên em vì Trường Sa luôn bên anh ...”.

Thanh Ba

Các tin khác
Các nữ đại biểu tham dự Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh
lần thứ II - năm 2014. Ảnh: Ngọc Đồng

YBĐT - Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số (DTTS) tỉnh lần thứ II đã thành công tốt đẹp ngay trước thềm năm mới 2015. Để rồi, với những gì đã diễn ra, những thành tựu đã được tổng kết trong một chặng đường 5 năm, cảm xúc về một ngày hội đại đoàn kết trang trọng mà ấm áp giữa các dân tộc anh em sẽ còn ở lại và tiếp tục lan toả trong mỗi đại biểu, về với mỗi miền quê, mỗi bản làng, hứa hẹn những thành tựu mới.

Hạnh phúc. Ảnh: Vũ Chiến

YBĐT - Đầu năm mới 2015, đồng chí Lương Kim Đức - Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) tỉnh Yên Bái vui vẻ thông tin nhanh: “Năm 2014, các chỉ tiêu kế hoạch năm của Chi cục đều đạt và vượt kế hoạch đề ra, từng bước giảm sinh và giảm sinh con thứ ba trở lên ở các địa phương, nhất là các xã, các huyện vùng cao đồng thời nâng cao chất lượng dân số”.

Một giờ học theo mô hình VNEN ở Trường Tiểu học Kim Đồng (thành phố Yên Bái).

YBĐT - Đầu năm mới, trao đổi với phóng viên (P.V) Báo Yên Bái, ông Đặng Quang Khánh - Phó giám đốc Sở GD-ĐT Yên Bái khẳng định, đổi mới công tác quản lý GD-ĐT là nhiệm vụ có tính "then chốt" trong thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW Hội nghị BCH Trung ương 8 (khóa XI) “Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục - đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế".

Đồng chí Ngô Thị Chinh (thứ 3 trái sang) - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo Sở Y tế tặng quà cho bệnh nhi điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

YBĐT - Năm 2014 là một năm mà tình hình dịch bệnh diễn biến cực kỳ phức tạp và nguy hiểm. Trên thế giới, đặc biệt là các nước Tây Phi trải qua “cơn bão” mang tên Ebola đã cướp đi hàng nghìn sinh mạng. Còn tại Việt Nam, dịch sốt xuất huyết, viêm màng não, cúm A/H5N6, sởi, đau mắt đỏ… cũng khiến người dân “chao đảo”. Không nằm ngoài sự “hoành hành” của các loại dịch bệnh nhưng Yên Bái đã khống chế thành công.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục