Chủ động phòng chống dịch bệnh giao mùa
- Cập nhật: Thứ năm, 7/5/2015 | 10:22:10 AM
YênBái -
YBĐT - Để phòng chống dịch bệnh mùa hè, ngành y tế Yên Bái và Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đã chủ động tham mưu với UBND tỉnh xây dựng các kế hoạch chỉ đạo từ tuyến tỉnh đến cơ sở tập trung giám sát, kiểm tra, theo dõi các diễn biến của bệnh cúm A, sởi, thủy đậu, viêm màng não, viêm phổi, bệnh TCM, tiêu chảy…
Người cao tuổi là những đối tượng dễ bị ảnh hưởng sức khỏe trong điều kiện thời tiết giao mùa.
|
Cùng thời điểm này năm 2014, bệnh sởi bùng phát và diễn biến khá phức tạp, nguy hiểm trên địa bàn toàn tỉnh, đặc biệt là xã Cát Thịnh, huyện Văn Chấn (Yên Bái) có 2 trường hợp tử vong liên quan đến sởi. Còn từ đầu năm 2015 đến nay, mặc dù tình hình dịch bệnh theo mùa không có gì phức tạp, song bệnh tay - chân - miệng (TCM) lại bùng phát với chiều hướng gia tăng nhanh.
Theo báo cáo của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, hết tháng 3 và những ngày đầu tháng 4/2015, toàn tỉnh có tổng số 1.534 ca cúm, 725 ca tiêu chảy, 106 ca quai bị, 390 ca thủy đậu, 1.060 ca phơi nhiễm dại (trong đó đã tiêm phòng 1.042 ca)… Các bệnh như đau mắt đỏ, sốt phát ban nghi sởi, viêm não do vi rút, lỵ đều giảm đáng kể so với cùng kỳ năm 2014.
Riêng trong ngày 31/3/2015, ghi nhận 2 ổ dịch thủy đậu mới ở Trường Tiểu học Võ Thị Sáu, xã Tân Lĩnh (huyện Lục Yên) với 12 ca mắc; một ổ dịch quai bị tại Trường Tiểu học xã Hòa Cuông (huyện Trấn Yên) với 10 ca mắc… Đặc biệt, dịch bệnh TCM đã xuất hiện rải rác ở một số địa phương trong tỉnh. Số mắc tích lũy đến hết ngày 31/3 là 106 ca, tăng hơn 147% so với cùng kỳ năm 2014 là 36 ca. Trong đó, huyện Yên Bình 31 ca, Trấn Yên 25 ca, Văn Chấn 20 ca, thành phố Yên Bái 17 ca…
Bà Lê Thị Hồng Vân - Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cho biết: “Từ đầu năm 2015 đến nay, các dịch bệnh theo mùa tương đối ổn định, song bệnh TCM lại có sự tăng nhanh. Đây chính là chu kỳ xuất hiện của dịch TCM (2 đến 3 năm lại xuất hiện trở lại). Bệnh TCM hiện nay chưa có vắc xin đặc hiệu phòng bệnh nên việc vệ sinh sạch sẽ và phòng bệnh là biện pháp hữu hiệu nhất”.
Mùa hè cận kề, thời tiết nắng nóng và mưa nhiều, dịch cúm A/H1N1 có nguy cơ lan rộng, một số dịch bệnh nguy hiểm khác có thể xảy ra như: viêm màng não, tả, sởi, tiêu chảy cấp… Bởi vậy, phòng chống dịch bệnh mùa hè luôn là vấn đề cần quan tâm và phụ thuộc lớn vào ý thức của cộng đồng. Để phòng chống dịch bệnh mùa hè, ngành y tế Yên Bái và Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đã chủ động tham mưu với UBND tỉnh xây dựng các kế hoạch chỉ đạo từ tuyến tỉnh đến cơ sở tập trung giám sát, kiểm tra, theo dõi các diễn biến của bệnh cúm A, sởi, thủy đậu, viêm màng não, viêm phổi, bệnh TCM, tiêu chảy…
Chủ động phát hiện các dấu hiệu nghi dại và tiến hành tiêm phòng dại trên đàn chó, yêu cầu các trường hợp phơi nhiễm do nghi chó dại cắn đến các điểm tiêm phòng dại, quản lý các đàn chó nuôi tại gia đình, sẵn sàng các biện pháp phòng chống dịch. Đảm bảo hệ thống báo cáo dịch 24/24 giờ thông suốt từ tuyến tỉnh đến cơ sở, chuẩn bị tốt đội cơ động phòng chống dịch và cơ số thuốc men dự phòng để ứng phó kịp thời với những tình huống dịch xảy ra.
Với bệnh TCM đang có những diễn biến rất nguy hiểm hiện nay trong cả nước và Yên Bái nói riêng, thực hiện Công điện số 1403/CĐ-BYT ngày 9/3/2015 của Bộ Y tế về tăng cường công tác phòng chống bệnh TCM, Sở Y tế tỉnh yêu cầu các đơn vị, ngành chức năng khẩn trương triển khai thực hiện nhiệm vụ.
Cụ thể, đối với Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cần tăng cường chỉ đạo giám sát, hỗ trợ y tế cơ sở phát hiện sớm các ca bệnh; tiến hành điều tra dịch tễ, khoanh vùng và xử lý triệt để ổ dịch; lấy mẫu gửi đi xét nghiệm phân loại vi rút để có biện pháp ứng phó kịp thời, không để dịch lây lan rộng; chủ động phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, Trung tâm Truyền thông, Giáo dục sức khỏe đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về bệnh TCM, đặc biệt phát động chiến dịch rửa tay bằng xà phòng trong các trường học, nhà trẻ, mẫu giáo; chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc, hóa chất và các trang thiết bị phòng chống dịch bệnh; tổ chức thường trực phòng chống dịch khi có dịch xảy ra; thu thập thông tin, báo cáo và phản hồi thông tin kịp thời theo quy định; thực hiện nghiêm chế độ thông tin, báo cáo bệnh truyền nhiễm, nhất là báo cáo hàng ngày khi có dịch xảy ra về Cục Y tế dự phòng; bảo đảm trang thiết bị, kỹ thuật, thuốc để sẵn sàng thu dung, điều trị bệnh nhân kịp thời, hạn chế biến chứng nặng và tử vong; hướng dẫn điều trị ngoại trú và theo dõi tại y tế cơ sở; tổ chức tập huấn lại về phòng và điều trị bệnh TCM cho các cán bộ, nhân viên y tế tại các địa phương.
Ngọc Sơn
Các tin khác
YBĐT - Trong những năm qua, được sự quan tâm sát sao của Sở Y tế, Thường trực HĐND – UBND huyện, ngành y tế Mù Cang Chải đã vượt qua mọi khó khăn, nỗ lực phấn đấu và đạt những kết quả đáng khích lệ.
YBĐT - Trong tháng 4/2015, Báo Yên Bái nhận được đơn thư của ông Nguyễn Văn Chích ở tổ 7B, phường Nguyễn Thái Học (thành phố Yên Bái) phản ánh về việc một gia đình ở tổ 7B, phường Nguyễn Thái Học (thành phố Yên Bái) đã lấn đất ra đường Công viên Yên Hoà, tạo ra khúc cua gấp nên thường xảy ra va quệt xe máy.
Trong năm 2015, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ phối hợp với các Bộ, ngành liên quan, các cơ quan báo, đài, UBND các tỉnh xây dựng Quy hoạch hệ thống báo chí đối ngoại. Trên là một trong những nhiệm vụ trong Kế hoạch thông tin đối ngoại của Chính phủ giai đoạn 2015 - 2017.
YBĐT - Ngày 6/5, Ban Dân tộc tỉnh Yên Bái tổ chức Hội nghị điển hình tiên tiến hệ thống cơ quan làm công tác dân tộc tỉnh lần thứ II, giai đoạn 2010 - 2015.