Mùa khô ở huyện vùng cao Mù Cang Chải kéo dài từ tháng 10 năm trước đến tháng 4 năm sau. Đây cũng là thời gian trọng điểm người dân phát rừng làm nương rẫy nên nhiều cánh rừng ở Mù Cang Chải tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng cao. Qua thống kê của ngành chức năng, các vụ cháy rừng xảy ra trên địa bàn huyện chủ yếu do bà con đốt nương làm rẫy để cháy lan vào khu rừng bên cạnh. Để hạn chế thấp nhất thiệt hại do cháy rừng, những năm gần đây, phương án PCCCR được huyện triển khai sớm.
Ngay trước mùa khô hanh, huyện đã kiện toàn Ban chỉ đạo về kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng từ huyện đến cơ sở, ở các thôn, bản xây dựng 121 tổ đội xung kích PCCCR với 530 người tham gia. Lực lượng kiểm lâm huyện tăng cường công tác tuyên truyền đến mọi người dân thông qua nhiều hình thức như: phát tờ rơi, kẻ pa nô, áp phích. Tổ chức cho người dân các thôn bản học tập các tài liệu, quy định về bảo vệ rừng (BVR) và PCCCR tại 14 xã, thị trấn; ký cam kết BVR và PCCCR tại 121 thôn, bản với 10.500 lượt hộ dân. Bên cạnh đó, huyện cũng tổ chức lực lượng tuần tra, canh gác ở những nơi có nguy cơ cháy rừng cao để phát hiện lửa rừng và tổ chức lực lượng tham gia chữa cháy kịp thời khi có đám cháy xảy ra.
Hạt Kiểm lâm huyện thường xuyên theo dõi diễn biến cấp dự báo cháy rừng để ra thông báo kịp thời cho ban chỉ huy các xã, các chủ rừng, chủ động PCCCR. Huyện cũng đã chỉ đạo kiên quyết xử lý các đối tượng gây ra các vụ cháy theo quy định của pháp luật. Các vụ cháy không tìm ra thủ phạm gây ra cháy rừng, chính quyền các xã phải huy động nhân dân trồng rừng khắc phục lại những diện tích rừng bị cháy.
Ngoài việc tuyên truyền ký cam kết, lực lượng kiểm lâm huyện khoanh vùng các xã có nguy cơ cháy rừng cao, tăng cường từ 3 đến 5 kiểm lâm địa bàn xuống địa bàn trọng điểm tham mưu giúp chính quyền địa phương làm tốt công tác quản lý BVR, quản lý lâm sản và PCCCR. Để hạn chế nạn đốt nương rẫy để cháy lan vào rừng, huyện chỉ đạo các ngành chức năng tổ chức tuần tra, kiểm soát việc phát rừng làm nương rẫy, hướng dẫn nhân dân cách đốt nương. Đối với vùng trọng điểm diện tích nương rẫy gần rừng, nguy cơ cháy rừng cao, ngành chức năng tổ chức đốt cưỡng chế.
Bằng nhiều biện pháp cụ thể, mùa khô hanh 2014 - 2015, trên địa bàn huyện không để xảy ra cháy rừng. Ông Vàng A Lử - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện cho biết: “Cán bộ kiểm lâm địa bàn xuống các thôn, bản tổ chức họp dân, tuyên truyền pháp luật BVR, ký cam kết với từng hộ, lên danh sách số nương rẫy và hướng dẫn cho bà con cách đốt nương để tránh lây lan vào rừng. Đồng thời quy định tất cả các hộ khi đốt nương rẫy phải báo cho trưởng thôn và kiểm lâm địa bàn biết ngày giờ đốt để kiểm soát”.
Bước vào mùa khô 2015 - 2016, huyện triển khai các phương án PCCCR tại cơ sở rất quyết liệt. Kiểm lâm về các địa bàn trọng điểm về cháy rừng, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn và quản lý chặt chẽ việc đốt nương, rẫy theo quy hoạch; duy trì công tác thông tin báo cáo công tác BVR, PCCCR kịp thời, chính xác; phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm các quy định về PCCCR. Hạt Kiểm lâm huyện theo dõi diễn biến thời tiết, dự báo cấp cháy rừng, thông tin kịp thời trên các phương tiện thông tin đại chúng để dự báo, cảnh báo nguy cơ cháy rừng trên phạm vi toàn huyện.
Giải pháp bền vững cho công tác BVR và PCCCR được huyện hướng tới đó là sớm tiến hành quy hoạch vùng canh tác nương rẫy, chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật cho người dân trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp; xử lý nghiêm minh các trường hợp phá rừng trái pháp luật; hướng dẫn người dân trồng và phát triển các loại cây, con dưới tán rừng, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân.
Văn Thông
Ý kiến bạn đọc
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu