Để triển khai kịp thời, bảo đảm quyền lợi cho người lao động, BHXH Yên Bái đã ban hành Công văn số 1480/BHXH-QLT ngày 8/12/2016 thông báo đến các đơn vị sử dụng lao động trên địa bàn tỉnh mức lương tối thiểu vùng để tính tiền lương, tiền công đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động theo quy định của Bộ luật lao động làm căn cứ đóng BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) thực hiện từ 01/01/2017 trên địa bàn toàn tỉnh.
Đối tượng áp dụng là người lao động làm việc theo chế độ hợp đồng lao động theo quy định của Bộ luật lao động; Doanh nghiệp thành lập, tổ chức quản lý và hoạt động theo Luật doanh nghiệp; hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các tổ chức khác của Việt Nam có thuê mướn lao động theo hợp đồng lao động; cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế và cá nhân người nước ngoài tại Việt Nam có thuê mướn lao động theo hợp đồng lao động (trừ trường hợp điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định khác với quy định tại Nghị định 153/2016/NĐ-CP).
Cụ thể, mức lương tối thiểu vùng trên địa bàn tỉnh Yên Bái là: mức 2.900.000 đồng/tháng, áp dụng đối với các đơn vị, doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thành phố Yên Bái (thuộc vùng III); mức 2.580.000 đồng/tháng, áp dụng đối với các đơn vị, doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn các huyện, thị xã: Nghĩa Lộ, Văn Chấn, Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Văn Yên, Trấn Yên, Yên Bình, Lục Yên (thuộc vùng IV). Mức lương trả cho người lao động đã qua học nghề (kể cả lao động đã được đơn vị đào tạo nghề hoặc tự học nghề và được đơn vị kiểm tra, bố trí làm công việc đòi hỏi phải qua đào tạo nghề) phải cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định.
Theo quy định này thì toàn tỉnh có trên 2.000 đơn vị với khoảng 20.000 người lao động thuộc diện điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng. Căn cứ vào mức lương tối thiểu vùng, các doanh nghiệp tự xác định điều chỉnh các mức lương trong thang, bảng lương, phụ cấp lương, các mức lương trong hợp đồng lao động cho phù hợp với các thỏa thuận và quy định của pháp luật lao động. Ngoài ra, Nghị định cũng khuyến khích các doanh nghiệp trả lương cho hợp đồng lao động cao hơn mức lương tối thiểu vùng quy định. Doanh nghiệp hoạt động trên các địa bàn liền nhau có mức lương tối thiểu vùng khác nhau thì áp dụng mức lương tối thiểu vùng theo địa bàn có mức lương tối thiểu vùng cao nhất.
Trường hợp doanh nghiệp có đơn vị, chi nhánh hoạt động trên các địa bàn có mức lương tối thiểu vùng khác nhau thì đơn vị, chi nhánh hoạt động ở địa bàn nào, áp dụng mức lương tối thiểu vùng quy định đối với địa bàn đó. Việc điều chỉnh mức lương đóng BHXH, BHYT, BHTN phải bảo đảm các quy định của pháp luật lao động và quan hệ hợp lý về tiền lương giữa lao động chưa qua đào tạo với lao động đã qua đào tạo và lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, giữa lao động mới tuyển dụng với lao động có thâm niên làm việc tại đơn vị.
Để bảo đảm quyền lợi chính đáng cho người lao động, BHXH Yên Bái thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các đơn vị thuộc diện điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng. Đến hết tháng 1/2017, hầu hết các doanh nghiệp đã điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng cho người lao động, trên cơ sở đó BHXH sẽ điều chỉnh mức đóng BHXH, BHYT, BHTN nhằm bảo đảm quyền lợi cho người lao động.
Hồng Duyên
Ý kiến bạn đọc
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu