Mong cuộc sống sớm hồi sinh

YBĐT - Cơn lũ ống đã cuốn đi tất cả thành quả, công sức chắt chiu và cả mạng sống của những người dân hiền lành nơi nó đi qua. Gần nửa tháng sau cơn thịnh nộ của thiên nhiên, Mù Cang Chải vẫn chìm trong đau thương khi công tác tìm kiếm người mất tích cứ đau đáu mỗi ngày tựa mò kim đáy bể.
Lo toan bộn bề, công việc cần khắc phục ngổn ngang trong điều kiện thời tiết bất lợi, thiên tai bất thường. Trách nhiệm cộng đồng, tình thương yêu đùm bọc, sẻ chia của người dân cả nước đã làm dịu vợi đau thương, bù lấp mất mát, chung tay cùng Đảng bộ, chính quyền địa phương gây dựng lại cuộc sống cho cả trăm hộ gia đình trên những bản làng hãy còn tan hoang sau lũ dữ.

Con số mà tỉnh Yên Bái thống kê sơ bộ thiệt hại ban đầu do lũ ống, lũ quét gây ra trên địa bàn huyện Mù Cang Chải ước tính trên 540 tỷ đồng. Không đơn độc, các bộ, ngành Trung ương, địa phương và người dân cả nước vẫn từng ngày, từng giờ hướng về Yên Bái - Mù Cang Chải với tất cả tấm lòng sẻ chia "Lá lành đùm lá rách”, sự động viên bằng tinh thần và vật chất.
Tính đến 14 giờ ngày 14/8/2017, đã có 169 tập thể, cá nhân ủng hộ và đăng ký ủng hộ tiền, hàng tại Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh từ khi phát động Lời kêu gọi, trong đó ủng hộ và đăng ký ủng hộ bằng tiền trên 20,5 tỷ đồng. Ban Cứu trợ huyện Mù Cang Chải đã đón 311 đoàn đến ủng hộ với tổng số tiền trên 10 tỷ 455 triệu đồng; tiếp nhận trên 57.488 kg gạo, 7.702 thùng mì tôm, 1.542 kiện sữa, 1.000 m2 tôn xốp, 60 m tôn nóc, 20 tấn xi măng, 3 xe máy, 2 bộ máy vi tính; 180 bộ dụng cụ gia đình, 900 bộ vệ sinh cá nhân, 180 bộ đồ dùng nhà bếp, 90 bộ dụng cụ sửa chữa nhà cửa, thuốc và nhiều vật dụng thiết yếu khác… Ấm tình người trong cơn hoạn nạn, Mù Cang Chải vững tin bước qua lũ dữ với sự quan tâm, dốc sức, đồng hành của tỉnh trong công tác tìm kiếm cứu nạn, nhanh chóng chỉ đạo khắc phục hậu quả, ổn định cuộc sống cho đồng bào.

Thị trấn Mù Cang Chải - rốn lũ có 5 người chết, 5 công trình bị thiệt hại, ước thiệt hại trên 150 tỷ đồng.
Ông Đỗ Công Chúng – Chủ tịch UBND thị trấn Mù Cang Chải cho biết: "Trước mắt, cuộc sống của các gia đình bị mất nhà cửa đã được bố trí ở tạm tại các cơ quan, công sở, thế nhưng không thể để lâu dài. Huyện đã chỉ đạo rà soát, xác định một số điểm bố trí đất ở cho các hộ. Tuy nhiên, cái khó của địa phương hiện nay do quỹ đất phần lớn là đất dốc, cần những địa điểm an toàn hơn để bảo đảm cuộc sống ổn định cho các hộ dân đã một lần trắng tay sau lũ. Đối với 2 điểm trường bị ảnh hưởng nặng nề sau lũ cũng đang được khẩn trương khắc phục chuẩn bị cho năm học mới theo đúng chỉ đạo của tỉnh”.
Xã Kim Nọi, cuộc sống của người dân sau lũ đang dần được ổn định. Chủ tịch UBND xã Kim Nọi - Mùa A Súa chia sẻ: "Xã có 7 hộ ở bản Kháo Giống bị ảnh hưởng lũ quét, trong đó 6 hộ mất nhà hoàn toàn, 1 hộ ảnh hưởng 50%. Hiện, xã đã tổ chức di dời và làm nhà ở cho các hộ này tại 2 bản là Dào Xa và La Phu Khơ, bảo đảm các gia đình nhanh chóng ổn định cuộc sống sau lũ. 12 hộ nằm trong khu vực có nguy cơ sạt lở cao cũng đã được di dời khẩn cấp đến bản Dào Xa và bản Háng Trú.
Cùng với kinh phí hỗ trợ của huyện và sự quyên góp ủng hộ, giúp đỡ của các nhà hảo tâm, xã đã huy động tối đa lực lượng dân quân, đoàn viên thanh niên, nhân dân các bản tự nguyện góp công, góp của cùng với nguồn lực của địa phương giúp các gia đình nhanh chóng ổn định cuộc sống và phục hồi sản xuất”.

Ông Lê Ngọc Minh - Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện Mù Cang Chải cho biết: "Huyện đã tổ chức di dời và bố trí nơi ở tạm cho 39 hộ/189 khẩu có nhà bị sập đổ và bị cuốn trôi hoàn toàn. Rà soát và tổ chức di dời khẩn cấp 72 hộ, bố trí nơi ở tạm thời cho 394 nhân khẩu tới nơi an toàn. Đối với các gia đình bị ảnh hưởng, thiệt hại về người, nhà cửa, hoa màu và tài sản sẽ được hưởng chính sách hỗ trợ theo quy định chung của Nhà nước”.
Đến ngày 11/8/2017, các đoàn thăm hỏi, tặng quà trực tiếp đến người dân và kinh phí của huyện đã hỗ trợ trên 5 tỷ đồng. Gạo đã phát cho các hộ gia đình của huyện và trực tiếp của các đoàn đến hộ dân bị thiệt hại trên 14.068 kg, gần 3.955 thùng mì tôm, 746 kiện sữa… Dẫu còn bộn bề khó khăn song tấm lòng đùm bọc, yêu thương, sẻ chia của người dân cả nước và sự cộng đồng trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp, từ Trung ương, tỉnh, huyện, đến địa phương, thôn, bản và của chính mỗi người dân trên vùng đất lũ đã đưa Mù Cang Chải vượt qua đau thương, mất mát những mong cuộc sống sớm hồi sinh.

Phạm Minh

Ý kiến bạn đọc

Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Cảnh báo nguy cơ biến chứng nặng nề do Zona

Cảnh báo nguy cơ biến chứng nặng nề do Zona

Sáng 15-7, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương thông tin vừa tiếp nhận và điều trị một bệnh nhân nữ 78 tuổi (bà N.T.Q, trú tại Bắc Ninh) trong tình trạng nguy kịch. Từ trường hợp này, các bác sĩ cảnh báo nguy cơ biến chứng nặng nề do Zona.

7 'siêu thực phẩm' giải độc gan cực tốt, cực nhiều ở chợ Việt lại ít người biết

7 'siêu thực phẩm' giải độc gan cực tốt, cực nhiều ở chợ Việt lại ít người biết

Gan là một trong những cơ quan quan trọng nhất của cơ thể, đóng vai trò như "nhà máy" thải độc. Một lá gan khỏe mạnh là chìa khóa cho sức khỏe tổng thể. Dù gan có khả năng tự phục hồi, việc bổ sung các thực phẩm giúp giải độc gan tự nhiên sẽ hỗ trợ quá trình này hiệu quả hơn.

Học phí đại học sẽ tăng đến mức nào?

Học phí đại học sẽ tăng đến mức nào?

Dự thảo Nghị định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm, hỗ trợ học phí, hỗ trợ chi phí học tập, giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục đào tạo thay thế quy định tại Nghị định số 81/2021 vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) trình Chính phủ đưa ra quy định mức thu, lộ trình học phí các cấp học từ bậc phổ thông đến đại học bắt đầu từ năm học 2025-2026.

Người lao động được đóng bù bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu

Chính sách mới Người lao động được đóng bù bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu

Bộ Nội vụ vừa ban hành Thông tư số 12/2025/TT-BNV quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc. Thông tư có hiệu lực từ ngày 1-7-2025, bổ sung nhiều chính sách mới, liên quan trực tiếp tới quyền lợi của hàng chục triệu người lao động.

Chuyển dịch cơ cấu lao động: Học nghề lên ngôi

Chuyển dịch cơ cấu lao động: Học nghề lên ngôi

VOV.VN - Trước làn sóng chuyển dịch mạnh mẽ của thị trường lao động, học nghề đang trở thành lựa chọn thiết thực của nhiều bạn trẻ. Giáo dục nghề nghiệp dần khẳng định vai trò là cầu nối giữa nhà trường và doanh nghiệp, đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng và thay đổi cách nhìn của xã hội về giá trị nghề nghiệp.

fb yt zl tw