Trong công cuộc đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế hôm nay, GD&ĐT càng có vai trò quan trọng hơn bao giờ hết, từ nhiệm vụ xóa đói, giảm nghèo đến chiến lược đào tạo nguồn nhân lực. Chính vì vậy, để thực hiện thành công nhiệm vụ đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT theo Nghị quyết số 29-NQ/TW là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội mà trước hết là trách nhiệm, sự nỗ lực phấn đấu của từng nhà giáo.
Vượt lên khó khăn
Năm 1982, Hội đồng Bộ trưởng quyết định chọn ngày 20/11 là Ngày Nhà giáo Việt Nam - ngày lễ tôn vinh những người thầy đã truyền đạt tri thức, đạo làm người cho bao lớp học trò. Trong niềm tự hào, ý thức trách nhiệm, các thế hệ nhà giáo tỉnh Yên Bái đã không ngừng phấn đấu, vượt qua nhiều khó khăn để đưa sự nghiệp giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) Yên Bái ngày càng phát triển.
Đầu thập niên 1980, nền kinh tế nước ta rơi vào tình trạng khủng hoảng trầm trọng, tác động mạnh mẽ vào ngành giáo dục. Cũng như cả nước, ngành giáo dục tỉnh ta ở trong tình trạng yếu kém: cơ sở vật chất xuống cấp, phòng học đổ nát, tình trạng học ba ca tái diễn nhiều nơi; quy mô giáo dục sa sút, nhà trẻ tan rã từng mảng, học sinh cấp II bỏ học trên 20%; giáo dục vùng cao, vùng sâu trì trệ; đời sống giáo viên khó khăn, hàng ngàn người bỏ việc, nghỉ tự túc… Năm 1991, tỉnh Yên Bái được tái lập, ngành GD&ĐT tiếp tục đối mặt với những khó khăn của một tỉnh miền núi kinh tế chậm phát triển.
Đại hội toàn quốc lần thứ VI (1986) của Đảng đã thực sự tìm ra lối thoát cho cuộc khủng hoảng kinh tế xã hội và sự nghiệp giáo dục. Với sự vào cuộc của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc, ngành GD&ĐT Yên Bái đã nêu cao tinh thần đoàn kết, sáng tạo, huy động mọi nguồn lực để đầu tư phát triển. Chỉ sau 4 năm, ngành GD&ĐT tỉnh ta đã dần phục hồi. Các nhà trường đã ngăn chặn được tình trạng bỏ học, kỷ cương, nền nếp được duy trì; công tác tu bổ cơ sở vật chất được chú trọng, chất lượng dạy và học dần tăng lên; giáo dục vùng cao bước đầu khởi sắc, trước hết là ở các trường dân tộc nội trú, trường trung tâm xã, cụm xã.
Suốt 35 năm qua, trong sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành; sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự nghiệp giáo dục của tỉnh đã tiếp nối xứng đáng truyền thống vẻ vang của nền giáo dục cách mạng, từng nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.
Đẩy mạnh đầu tư cơ sở vật chất
Cả tỉnh đã huy động mọi nguồn lực, xây dựng các đề án, đặc biệt xây dựng quy hoạch tổng thể để đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị hiệu quả theo hướng từng bước hiện đại, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin. Ngành giáo dục đã thu hút được hàng ngàn tỷ đồng qua nhiều chương trình, dự án quốc gia: Dự án cho trẻ khó khăn bậc tiểu học giai đoạn 1 và 2; Dự án THCS; Dự án THCS vùng khó khăn nhất giai đoạn 1 và 2; Dự án THPT giai đoạn 2; Dự án SREM; Dự án SEQAP; Chương trình phát triển trung học; Chương trình kiên cố hóa trường lớp... Riêng Chương trình kiên cố hóa trường lớp đã thu hút được trên 400 tỷ đồng. Việc thực hiện ngân sách giáo dục đảm bảo đúng quy định, đặc biệt là các chế độ chính sách đối với giáo viên, nhân viên, học sinh.
Công tác xã hội hóa được tăng cường, góp phần cùng Nhà nước giải quyết một phần khó khăn về cơ sở vật chất. Đến thời điểm này, mạng lưới trường, lớp đã phủ kín tới thôn, bản, với hình thức đa dạng hơn. Toàn tỉnh có 432 cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, thường xuyên, với quy mô gần 6.700 nhóm, lớp; trên 209.000 cháu mầm non, học sinh, học viên. Cơ sở vật chất trường, lớp cơ bản đã đáp ứng cho việc học 2 ca, tỷ lệ phòng học kiên cố đạt trên 70%.
Công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia được đặc biệt chú trọng và xác định là giải pháp quan trọng để tập trung nâng cao chất lượng giáo dục, nhằm huy động các nguồn lực một cách tập trung, hiệu quả, có trọng điểm, tránh đầu tư dàn trải. Ngành đã tham mưu xây dựng và được Tỉnh ủy, HĐND tỉnh thông qua 2 đề án xây dựng trường chuẩn quốc gia với giá trị đầu tư gần 500 tỷ đồng.
Đến nay, việc xây dựng trường chuẩn được gắn với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đảm bảo tiêu chí về trường học. Vì thế, số trường đạt chuẩn hàng năm tăng từ 15 đến 20 trường. Toàn tỉnh hiện có 151 trường đạt chuẩn quốc gia, chiếm 35% các trường mầm non, phổ thông.
Nâng cao chất lượng đội ngũ
Sở chủ động xây dựng kế hoạch bồi dưỡng chính trị, tập huấn chuyên môn, công tác quản lý, kế toán, tài chính, tin học...; quan tâm bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên Tiếng Anh, Tin học; bồi dưỡng tiếng dân tộc cho cán bộ quản lý, giáo viên ở vùng có đồng bào dân tộc thiểu số. Sở GD&ĐT từng bước phối hợp với các sở, ngành, địa phương hướng dẫn tổ chức, kiểm tra rà soát, khảo sát, đánh giá, phân xếp loại, bố trí, sắp xếp lại đội ngũ.
Đến hết năm 2011, toàn ngành thực hiện tinh giản biên chế, giải quyết chế độ nghỉ cho trên 1.200 đối tượng, đạt 106,9% kế hoạch so với mục tiêu Nghị quyết 39/NQ-HĐND. Đến nay, sau hơn 1 năm thực hiện Đề án Sắp xếp quy mô, mạng lưới trường, lớp đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2016 - 2020 đã sắp xếp, giải quyết được gần 1.100 vị trí công tác.
Nhờ sự chỉ đạo kiên quyết, kịp thời, đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên toàn ngành từng bước đồng bộ về cơ cấu, nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn; tỷ lệ nhà giáo, cán bộ quản lý có trình độ đạt chuẩn trở lên là 99,7%, trong đó, gần 65% trên chuẩn; toàn tỉnh có gần 490 thạc sỹ, tiến sỹ, trong đó có 15 tiến sỹ được đào tạo từ 2010 đến nay.
Giáo dục mũi nhọn
Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã quan tâm đầu tư cho công tác giáo dục mũi nhọn với nhiều chủ trương, chính sách và những định hướng quan trọng. Sở chỉ đạo các đơn vị triển khai đồng bộ nhiều giải pháp đổi mới công tác quản lý, xây dựng kế hoạch, đổi mới nội dung, phương pháp dạy học mới, mô hình tiên tiến nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện; đặt mục tiêu phát hiện, bồi dưỡng học sinh giỏi, học sinh năng khiếu là nhiệm vụ trọng tâm trên cơ sở nâng cao chất lượng giáo dục đại trà và bảo đảm giáo dục toàn diện.
Vì thế, chất lượng giáo dục nói chung, giáo dục mũi nhọn ổn định, từng bước tăng trưởng. Kết quả thi học sinh giỏi quốc gia, thi tốt nghiệp trung học duy trì ở mức khá so với khu vực; tỷ lệ học sinh đỗ vào các trường đại học, cao đẳng tiếp tục tăng; Yên Bái liên tục có thủ khoa các trường đại học lớn. Đặc biệt, năm 2015, lần đầu tiên Yên Bái có học sinh đạt giải khuyến khích Ô-lim-pic Vật Lý khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.
Phổ cập giáo dục
Phổ cập giáo dục là một chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước. Nội dung này được quy định trong Luật Phổ cập giáo dục tiểu học (1991), Luật Giáo dục (2005) và các nghị quyết, các văn bản chỉ đạo. UBND tỉnh Yên Bái đã thành lập Ban chỉ đạo Phổ cập giáo dục - Chống mù chữ và Xây dựng xã hội học tập từ cấp tỉnh đến cấp xã, chỉ đạo các cấp chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể tăng cường thực hiện các biện pháp nhằm củng cố, duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập. Ngành giáo dục có sự chỉ đạo và vào cuộc quyết liệt, tăng cường mở lớp tại các thôn bản vùng cao, tăng cường giáo viên cắm bản...
Với sự phấn đấu không ngừng của cả hệ thống chính trị, tỷ lệ huy động trẻ 5 tuổi ra lớp hàng năm đạt trên 99%, trẻ 6 tuổi vào lớp 1 hàng năm đạt gần 100%, tỷ lệ trẻ trong độ tuổi vào lớp 6 đạt 98%. Tỉnh Yên Bái đã đạt chuẩn chống mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học năm 1997, đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở năm 2007, đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi năm 2009; phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi năm 2015.
Giáo dục dân tộc, giáo dục vùng khó
Với trên 30 dân tộc chung sống, 81/180 xã, phường, thị trấn thuộc vùng đặc biệt khó khăn, 2 huyện thuộc diện nghèo nhất cả nước, công tác giáo dục dân tộc, giáo dục vùng khó được tỉnh đặc biệt quan tâm. Dưới sự lãnh đạo toàn diện của cấp ủy Đảng, chính quyền, sự quan tâm phối hợp, tạo điều kiện của các ban ngành, đoàn thể; hệ thống các trường nội trú, bán trú đã được đầu tư. Các dự án phát triển hai trường dân tộc nội trú trung học phổ thông, các trường dân tộc nội trú trung học cơ sở, dự án phát triển các trường dân tộc bán trú phát huy hiệu quả. Yên Bái là một trong những tỉnh đầu tiên xây dựng thành công, hiệu quả các trường dân tộc bán trú. Nhờ vậy, cơ sở vật chất khang trang, cơ bản đáp ứng được nhu cầu ăn, ở, học tập cho con em đồng bào các dân tộc.
Các trường quán triệt mục tiêu giáo dục toàn diện, tích cực đổi mới phương pháp, nâng cao năng lực chuyên môn; tăng cường giáo dục hướng nghiệp, giáo dục nghề phổ thông; chú trọng giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng lao động, các hoạt động văn hóa, thể thao và tổ chức đời sống nội trú phù hợp với đặc thù của trường... Nhờ đó, giáo dục dân tộc có nhiều chuyển biến tích cực. Toàn tỉnh hiện có 9 trường dân tộc nội trú với 88 lớp với gần 3.000 học sinh; 48 trường dân tộc bán trú, 57 trường có học sinh bán trú với tổng số 22.378 học sinh bán trú được hưởng chính sách hỗ trợ; 7 trường nội trú và 1 trường bán trú đã đạt chuẩn quốc gia.
Trong niềm vui phấn khởi kỷ niệm 35 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam năm nay, chúng ta có quyền tự hào là Nhà giáo Việt Nam đã sống, làm việc xứng đáng với lòng quý trọng, tin yêu của nhân dân và của xã hội. Trong niềm vinh quang đó, chúng ta không thể quên những thế hệ nhà giáo, cán bộ, viên chức đã cống hiến tuổi thanh xuân và gắn bó cả cuộc đời với sự nghiệp giáo dục vùng cao, vượt qua muôn vàn khó khăn, thiếu thốn, phấn đấu vì sự nghiệp "trồng người”. Chúng ta ghi nhận và trân trọng sự cống hiến của các thế hệ nhà giáo đã không quản gian khổ, khó khăn, hy sinh tuổi trẻ đóng góp cho sự nghiệp giáo dục vùng sâu, vùng dân tộc và các địa bàn kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ cao quý mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.
Trong công cuộc đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế hôm nay, GD&ĐT càng có vai trò quan trọng hơn bao giờ hết, từ nhiệm vụ xóa đói, giảm nghèo đến chiến lược đào tạo nguồn nhân lực. Chính vì vậy, để thực hiện thành công nhiệm vụ đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT theo Nghị quyết số 29-NQ/TW là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội mà trước hết là trách nhiệm, sự nỗ lực phấn đấu của từng nhà giáo.
Nhà giáo Ưu tú, Thạc sỹ Trần Xuân Hưng - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo