Khu dân cư (KDC) Thống Nhất, phường Đồng Tâm (thành phố Yên Bái) được biết đến là một trong những KDC không có hộ nghèo, không có trường hợp vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội, không có bạo lực gia đình, không sinh con thứ 3 trở lên, không có trẻ em suy dinh dưỡng và bỏ học. Đi trên những tuyến đường phong quang, sạch sẽ mới thấy CVĐ "Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch” đã lan tỏa rộng khắp và trở thành phong trào tự giác của mỗi hộ gia đình nơi đây.
Hàng năm, 100% các gia đình hội viên phụ nữ ở KDC Thống Nhất đều đạt danh hiệu "Gia đình văn hóa”. Chi hội Phụ nữ KDC Thống Nhất đã xây dựng được mô hình "Đoạn đường phụ nữ tự quản” với gần 200 hội viên tham gia. Hàng tháng, các hội viên tự bố trí thời gian, công việc để cùng nhau tổ chức lao động, vệ sinh, dọn dẹp, làm cỏ, đốt rác, khơi thông cống rãnh; nhắc nhở các gia đình sống hai bên đường không vứt rác bừa bãi và xả nước thải ra đường. Do đó, cảnh quan môi trường của KDC đã trở nên "sáng - xanh - sạch - đẹp” và ý thức của người dân trong KDC đã được nâng lên rõ rệt.
Được biết, để CVĐ "Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” thực sự có chất lượng và phát huy hiệu quả, ngay từ khi bắt đầu triển khai thực hiện, Hội Phụ nữ tỉnh đã lựa chọn các tiêu chí phù hợp với từng vùng, trong đó, "5 không” ở vùng thấp gồm: không đói nghèo, không có người vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội, không có bạo lực gia đình, không sinh con thứ 3 trở lên, không có trẻ suy dinh dưỡng và bỏ học; "5 không” ở vùng cao gồm: không sinh con thứ 3 trở lên, không hôn nhân cận huyết thống, không tảo hôn, không di dân tự do, không có phụ nữ bỏ đi khỏi địa phương.
Hội đã vận động các đoàn thể tham mưu, đề xuất với cấp ủy, chính quyền địa phương đưa nội dung thực hiện CVĐ thành một trong các tiêu chí bình xét thi đua, xếp loại hàng năm của các cơ quan, đơn vị. Đối với những gia đình hội viên chưa đạt các tiêu chí, Hội phân công những hội viên nòng cốt giúp đỡ các hộ chưa đạt.
Trong 8 tiêu chí của CVĐ, Hội lựa chọn mỗi tiêu chí có các hoạt động riêng hỗ trợ. Đơn cử như tiêu chí không đói nghèo, cần nắm chắc số hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ, phân tích nguyên nhân, nhu cầu và phân công hội viên khá giúp đỡ. Trong quá trình triển khai CVĐ, các cấp Hội luôn đẩy mạnh tuyên truyền các tiêu chí của CVĐ tới cán bộ, hội viên phụ nữ và nhân dân; đa dạng hóa các nội dung tuyên truyền, kiến thức bổ trợ như: phòng, chống bạo lực gia đình, chăm sóc sức khỏe, vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường…
Đến nay, các cấp hội phụ nữ trong tỉnh đang duy trì, sử dụng có hiệu quả gần 200.000 hố rác tại các cụm dân cư, gia đình và các trường tiểu học, mầm non. Hàng tháng, các cấp Hội tổ chức vệ sinh đường làng, ngõ xóm khơi thông cống rãnh, mương máng, mở rộng dòng chảy, làm sạch nguồn nước, thực hiện nếp sống văn minh, gia đình văn hóa.
Bên cạnh đó, Hội Phụ nữ tỉnh cũng duy trì và nhân rộng mô hình các Câu lạc bộ: "Phụ nữ hạn chế sử dụng túi nilon”, "Phụ nữ phòng, chống cúm gia cầm và giáo dục hành động về chăn nuôi an toàn sinh học, bảo vệ môi trường và phát triển cộng đồng”, "Nhóm tự góp vốn xây dựng công trình vệ sinh đảm bảo hợp vệ sinh”; duy trì có hiệu quả 9 câu lạc bộ bà mẹ nuôi dạy con tốt, 87 câu lạc bộ dinh dưỡng và sức khỏe, 144 câu lạc bộ gia đình hạnh phúc, góp phần thiết thực vào việc thực hiện tốt mục tiêu xây dựng gia đình "No ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc" và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.
Hồng Oanh
Ý kiến bạn đọc
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu