Bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị công an cắm chốt ở bệnh viện

  • Cập nhật: Thứ tư, 18/4/2018 | 9:34:28 AM

YênBái - Thời gian gần đây, các vụ hành hung nhân viên y tế, bác sỹ và gây rối bệnh viện liên tiếp diễn ra không chỉ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác khám chữa bệnh mà còn ảnh hưởng đến tâm lý, tinh thần cũng như động lực, sự tận tụy của các y, bác sỹ.

Một bác sĩ tại Bệnh viện Xanh Pôn (Hà Nội) bị hành hung ngày 13/4/2018.
Một bác sĩ tại Bệnh viện Xanh Pôn (Hà Nội) bị hành hung ngày 13/4/2018.

Mặc dù Bộ Y tế đã có công văn gửi Bộ Công an đề nghị hỗ trợ an ninh bệnh viện và yêu cầu các bệnh viện thắt chặt an ninh nhưng các vụ hành hung bác sỹ vẫn tiếp tục diễn ra.

Nhiều vụ hành hung nhân viên y tế

Theo thống kê của Bộ Y tế, từ đầu năm đến nay đã xảy ra 5 vụ hành hung nhân viên y tế, bác sỹ tại các bệnh viện trong cả nước.

Cụ thể: Ngày 14/2 (ngày 29 Tết), chiếc xe cấp cứu của Bệnh viện Hùng Vương (Phú Thọ) chở một bệnh nhân bị chấn thương sọ não nặng xin đường nhưng xe 4 chỗ do anh N.V.Kh (làm việc tại Hà Nội) điều khiển không cho vượt. Khi xe cấp cứu vượt qua, anh N.V.Kh đã đuổi theo và tấn công tài xế xe cấp cứu ngay tại Bệnh viện Hùng Vương.

Ngày 17/2 (ngày mùng 2 Tết), Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên tiếp nhận một bệnh nhân trong tình trạng nguy kịch, ngừng hô hấp. Trong lúc các y bác sỹ đang cấp cứu thì anh trai bệnh nhân quay phim, chụp ảnh, đe dọa, chửi bới bác sỹ. Khi nhân viên y tế mời người nhà bệnh nhân ra ngoài, người nhà bệnh nhân đã đập phá Khoa Cấp cứu. Toàn bộ cánh cửa của Khoa Cấp cứu bị đạp vỡ nát, kính bị vỡ tung, các y bác sỹ và bệnh nhân khác hoảng loạn.

Ngày 20/2 (ngày mùng 5 Tết), tại Bệnh viện Sản - Nhi Yên Bái, đối tượng Lê Hồng Nam- chồng của sản phụ đang được mổ đẻ tại Bệnh viện đã trèo lên lan can để quay phim, chụp ảnh. Khi được nhắc nhở thì Nam đã lăng mạ và chửi bới. Sau đó, Lê Hồng Nam và 15 đối tượng khác do Nam gọi đến dùng đèn pin đập vào đầu, hành hung bác sỹ Phạm Hải Ninh và bác sỹ Hoàng Đức Trung (2 bác sỹ vừa mổ cho vợ của Nam). Một bác sỹ đã bị khâu hơn 20 mũi ở mặt và đầu.

Ngày 25/2, tại Bệnh viện Đa khoa huyện Bố Trạch (Quảng Bình), bệnh viện tiếp nhận 2 nạn nhân bị tai nạn giao thông. Hai nạn nhân này đã tử vong trước khi nhập viện. Khi các bác sỹ thông báo tin này thì nhóm bạn của 2 nạn nhân đã la hét, đập vỡ các cửa kính của bệnh viện. Họ chửi bới, đánh đuổi các bác sỹ, đe dọa những bệnh nhân khác có mặt tại khoa cấp cứu...

Gần đây nhất là ngày 13/4, bố một bệnh nhi 7 tuổi trong lúc trao đổi với bác sỹ về tình trạng vết thương của con mình đã xông tới đấm vào mặt bác sỹ V.H.C, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn (Hà Nội).

Trước đó, năm 2017, tại các bệnh viện cũng đã xảy ra nhiều vụ hành hung nhân viên y tế và y bác sỹ khi đang làm việc và khám chữa bệnh...

Đề xuất giải pháp bảo vệ bác sỹ khi đang làm nhiệm vụ

Trước tình hình trên, trao đổi với báo chí ngày 17/4, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết: Trước thực trạng liên tiếp xảy ra các vụ hành hung bác sỹ nghiêm trọng trong khi đang làm nhiệm vụ thời gian qua, Bộ Y tế đề nghị các ban, ngành, đặc biệt là ngành công an và chính quyền địa phương các cấp cần vào cuộc quyết liệt để đồng hành cùng Bộ Y tế bảo vệ, hỗ trợ cán bộ y tế; không để họ đơn độc tự bảo vệ tính mạng cũng như sức khỏe của bản thân. Có như vậy, họ mới yên tâm chăm sóc, cứu chữa người bệnh nói chung cũng như cứu chữa người nhà của đối tượng hành hung họ trong lúc đang thi hành nhiệm vụ nói riêng. Hành hung cán bộ y tế và cán bộ đang thi hành công vụ là vi phạm nghiêm trọng Luật Hình sự đã được điều chỉnh, sửa đổi trong năm 2017. Bộ Y tế đã có nhiều văn bản cũng như các nội dung ký kết với Bộ Công an nhưng thời gian qua sự phối hợp chưa thực sự hiệu quả.

Chính vì vậy, Bộ trưởng Bộ Y tế cho rằng, giải pháp cụ thể, thiết thực nhất để bảo vệ các bác sĩ là đề nghị giữa các đơn vị y tế, sở y tế với công an các tỉnh ký cam kết phối hợp, lập đường dây nóng để thông báo kịp thời cho lực lượng 113 khi có sự việc hành hung xảy ra trong các bệnh viện. Các bệnh viện cần phối hợp với công an để lắp đặt hệ thống camera quan sát, theo dõi những hành vi của các đối tượng gây ra đối với cán bộ y tế. Các biện pháp này cần phải được thực hiện quyết liệt. Đồng thời, các đối tượng đã hành hung bác sỹ cũng cần được điều tra, xử lý nghiêm minh theo pháp luật hiện hành. Đặc biệt, thời gian tới, lực lượng công an cần phải vào cuộc thực sự; công an trên địa bàn triển khai cắm chốt ngay tại bệnh viện và tuần tra thường xuyên tại những điểm nóng, nơi căng thẳng như khoa cấp cứu của bệnh viện...

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định: Nếu thực hiện được các biện pháp trên thì việc ngăn chặn các vụ hành hung y, bác sỹ sẽ có hiệu quả rõ ràng. Điển hình như: Bệnh viện hữu nghị Việt Tiệp (Hải Phòng) đã có công an cắm chốt tại bệnh viện, có đường dây nóng 113 và công an đi tuần tra theo ca tại bệnh viện. Như vậy, việc có lực lượng mặc quân phục trong bệnh viện đã hạn chế được các vụ hành hung nhân viên y tế.

Tại Ninh Bình, Công an tỉnh đã ký kết với Sở Y tế; lực lượng cơ động của công an đã đi tuần tra và có đường dây nóng tại bệnh viện. Biện pháp này đã có tính răn đe và ngăn chặn có hiệu quả các hành vi bạo hành bác sỹ.

Trước một số ý kiến cho rằng, việc người nhà bệnh nhân hành hung bác sĩ một phần do thái độ phục vụ của đội ngũ y, bác sĩ chưa tốt, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định dù trong hoàn cảnh nào, hành hung người đang thi hành công vụ, đang chăm sóc cho người bệnh đều là hành vi vi phạm pháp luật.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc đã đối tượng nào hành hung bác sĩ mà bị khởi tố chưa? Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, các vụ việc hành hung y, bác sỹ hiện vẫn đang được cơ quan chức năng theo dõi, điều tra để xét xử theo pháp luật. Tuy nhiên, điển hình nhất  là vụ việc tại Thạch Thất, Hà Nội đã được xử lý nghiêm. Vụ việc diễn ra vào tháng 4/2017, bác sỹ bị bố bệnh nhân nhi đập cốc uống nước vào đầu tại Bệnh viện đa khoa Thạch Thất. Đối tượng hình sự đã bị phạt tù theo qui định của pháp luật...

Mới đây nhất, ngày 11/4, Tòa án Nhân dân TP Đồng Hới (tỉnh Quảng Bình) cũng đã mở phiên tòa sơ thẩm xét xử đối với 3 đối tượng hành hung bác sĩ ở Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cu Ba Đồng Hới về tội danh "Cố ý gây thương tích” và "Gây rối trật tự công cộng”… Với 2 tội danh trên, kết thúc phiên tòa, Hội đồng xét xử đã tuyên phạt 3 bị cáo hơn 18 năm tù.

Trước đó, vào khoảng 20 giờ ngày 23/7/2017, khoa cấp cứu bệnh viện Hữu Nghị Việt Nam - Cuba Đồng Hới tiếp nhận nạn nhân Y Giang Long (quê Gia Lai) bị tai nạn giao thông, nhập viện trong tình trạng gãy cẳng chân phải.

Bác sĩ Trần Văn Sơn (Phó Khoa cấp cứu) và bốn điều dưỡng đã trực tiếp băng bó cho anh Long. Một lúc sau, nhóm bạn của nạn nhân này đến gọi anh Lê Trần Minh Tâm (người lái ô tô xảy ra va chạm với nạn nhân) ra ngoài nói chuyện rồi đánh khiến anh Tâm gục tại chỗ. Thấy sự việc, BS Sơn chạy lại can ngăn và tiến hành cấp cứu cho anh Tâm thì bị nhóm người này hành hung dẫn đến đa chấn thương, mắt sưng và có dấu hiệu rách giác mạc. Sau khi bị đánh, bác sĩ Sơn được mọi người đưa vào điều trị tại Khoa Cấp cứu. Ba thanh niên này tiếp tục vào bên trong Khoa Cấp cứu chửi bới, đe dọa, yêu cầu các y, bác sĩ phải cấp cứu cho người nhà của mình, gây mất trật tự an ninh trong bệnh viện.

Bạo hành y tế trong thời gian gần đây đang có xu hướng gia tăng. Bởi vậy, những đối tượng hành hung bác sĩ bị đưa ra xét xử trước pháp luật sẽ là một bài học thích đáng, mang tính răn đe đối với những kẻ côn đồ trong bệnh viện. Với những bản án nghiêm khắc, hy vọng "nạn bạo hành y tế" sẽ được đẩy lùi trong thời gian tới…
 
(Theo dangcongsan.vn)

Các tin khác
Ảnh minh họa.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã quyết định tiếp tục giảm chỉ tiêu đào tạo sư phạm xuống còn 35.000, giảm khoảng 33% so với chỉ tiêu năm 2017.

Tập huấn cho các cán bộ, giáo viên và cán bộ Dự án “Chấm dứt bạo lực đối với trẻ em” về quyền trẻ em.

YBĐT - Dự án "Chấm dứt bạo lực đối với trẻ em” (EVAC) do Tổ chức Tầm nhìn Thế giới tài trợ, được triển khai tại tỉnh Yên Bái từ năm 2016. Đối tượng hưởng lợi trực tiếp Dự án hướng tới là trẻ em, thanh thiếu niên dễ bị tổn thương trong độ tuổi từ 12-24.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh tặng hoa chúc mừng các đoàn viên thanh niên, trí thức trẻ tỉnh nhà nhân dịp kỷ niệm 87 năm Ngày thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.

YBĐT - Đội ngũ trí thức trẻ là hạt nhân nòng cốt trong việc triển khai Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp; có các đề tài, sáng kiến cải tiến phương pháp dạy và học hay chủ trì nghiên cứu, áp dụng nhiều phương pháp chẩn đoán và điều trị bệnh hiện đại giảm thời gian, chi phí cho bệnh nhân....

Nhiều chính sách, chương trình, dự án của Đảng và Nhà nước về công tác dân tộc đã góp phần giúp đồng bào dân thộc thiểu số vùng cao tỉnh Yên Bái ổn định cuộc sống và thúc đẩy kinh tế- xã hội.

YBĐT - Thời gian qua, Đảng và Nhà nước có nhiều chính sách, chương trình, dự án về công tác dân tộc (CTDT), góp phần giúp đồng bào dân thộc thiểu số (DTTS) ổn định cuộc sống và thúc đẩy kinh tế- xã hội vùng cao. Để hiểu rõ hơn về thực hiện các chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh, phóng viên (P.V) Báo Yên Bái có cuộc trao đổi với đồng chí Giàng A Câu – Trưởng ban Dân tộc tỉnh về vấn đề này.


Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục