Cần đổi mới đào tạo nghề, nâng cao chất lượng nguồn lao động
- Cập nhật: Thứ năm, 19/4/2018 | 9:18:07 AM
Hiện nay, trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng, cùng với cơ hội, Việt Nam cũng đang phải đón nhận nhiều thách thức về nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao. Sự cạnh tranh gay gắt mà gần nhất là từ chính thị trường các nước khu vực ASEAN đang đặt ra cho Việt Nam bài toán về chất lượng lao động.
Thị trường lao động đang cạnh tranh gay gắt, nhất là với nguồn nhân lực chất lượng cao.
|
Theo Tổng cục Thống kê, tính đến hết quý I/2018, tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi ước tính là 2,2%. Trong đó, khu vực thành thị là 3,13%; khu vực nông thôn là 1,73%.
Tính đến thời điểm 01/04/2018, lực lượng lao động trong độ tuổi lao động ước tính là 48,4 triệu người, tăng 497,3 nghìn người so với cùng thời điểm năm trước, trong đó lao động nam 26,2 triệu người, chiếm 54,2%; lao động nữ 22,2 triệu người, chiếm 45,8%. Lực lượng lao động trong độ tuổi lao động khu vực thành thị là 16,1 triệu người, chiếm 33,3%; khu vực nông thôn là 32,3 triệu người, chiếm 66,7%.
Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên của nước ta tính đến thời điểm 01/04/2018 ước tính là 55,1 triệu người (lao động nam 28,6 triệu người, chiếm 52%; lao động nữ 26,5 triệu người, chiếm 48%; khu vực thành thị là 17,7 triệu người, chiếm 32,2%; khu vực nông thôn là 37,4 triệu người, chiếm 67,8%). So với cùng thời điểm năm 2017 lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên tăng 586,8 nghìn người; giảm 70,7 nghìn người so với quý trước (trong đó, giảm chủ yếu ở khu vực nông thôn). Lực lượng lao động giảm trong quý I là xu hướng thường thấy do quý I có kỳ nghỉ Tết cổ truyền và là thời gian diễn ra các lễ hội nên người dân thường kéo dài thời gian nghỉ làm việc, nhu cầu làm việc và tìm kiếm việc làm trong dân cư giảm.
Số liệu của Tổng cục Thống kê cũng cho thấy, số lao động 15 tuổi trở lên có việc làm trong quý I/2018 ước tính là 54 triệu người, bao gồm 20,9 triệu người đang làm việc ở khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản (chiếm 38,6% tổng số); khu vực công nghiệp và xây dựng 14,4 triệu người (chiếm 26,7%); khu vực dịch vụ 18,7 triệu người (chiếm 34,7%).
Số liệu thất nghiệp thống kê nêu rõ, tỷ lệ thanh niên (độ tuổi từ 15 đến 24) thất nghiệp chiếm tỷ lệ khá lớn, khoảng 49,4% tổng số người thất nghiệp. Đáng chú ý, lao động có việc làm đã qua đào tạo từ trình độ "Sơ cấp nghề" trở lên trong quý I ước tính là 11,6 triệu người, mới chỉ chiếm 21,5% số lao động có việc làm trong cả nước.
Từ giữa năm 2017 đến nay, tỷ lệ người thất nghiệp có xu hướng giảm dần qua các quý. Tuy nhiên, chất lượng giáo dục đại học và nghề nghiệp chuyển biến chậm, chưa thực sự gắn với nhu cầu xã hội.
Những thống kê trên cũng chỉ ra một thực trạng, nguồn lao động dồi dào, giá rẻ là lợi thế của Việt Nam trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Tuy nhiên, trong lợi thế so sánh với các nước tương quan, gần đây, lao động giá rẻ không còn là điểm mạnh của Việt Nam nữa. Đặc biệt, khi Việt Nam ký kết các Hiệp định thương mại tự do (FTA) lớn như CPTPP thì lao động trình độ cao mới có cơ hội có việc làm và số còn lại đứng trước nguy cơ thất nghiệp.
Nâng cao khả năng cạnh tranh cho lao động Việt Nam
Yêu cầu đặt ra hiện nay là cần đổi mới quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục nghề nghiệp; phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động. Trong đó, thực hiện đào tạo lại, đào tạo bổ sung, nhất là cho sinh viên tốt nghiệp ra trường không tìm được việc làm sang những lĩnh vực thiếu lao động, đào tạo cho công nghệ thông tin, du lịch; Nghiên cứu, có giải pháp tạo việc làm cho lao động nữ 35 tuổi trở lên mất việc làm.
Đào tạo nghề cần gắn với nhu cầu thị trường và dự báo thị trường việc làm phải được làm tốt hơn. Theo đó, cần thực hiện là tổ chức tốt hơn việc dự báo thị trường, tổ chức tốt hơn việc hướng nghiệp. Bên cạnh đó, cũng phải thay đổi tâm lý bằng đại học nào cũng được vì có bằng đại học là cần thiết nhưng cần xác định rõ bằng cấp nào mới là bằng cần cho tương lai sau này.
Có thể thấy, sự hội nhập ngày càng sâu rộng của đất nước vào khu vực và thế giới mang nhiều thời cơ nhưng song song cũng là thách thức, cả trong thị trường lao động. Cùng với sự bùng nổ ứng dụng Internet, công nghệ số, thiết bị thông minh, robot vào sản xuất như hiện nay, Việt Nam còn có thể sẽ phải chịu sức ép về vấn đề giải quyết việc làm và sẽ phải đối mặt với sự gia tăng tỷ lệ thất nghiệp hoặc thiếu việc làm vì nước ta có quy mô dân số lớn nhưng chất lượng lao động thấp.
Thêm nữa, việc đào tạo thừa cũng là cảnh báo đáng báo động đồng thời với sức ép cạnh tranh từ sự di cư của nguồn nhân lực chất lượng cao và sức ép cạnh tranh càng cao đến từ chính thị trường lao động khu vực ASEAN.
Bởi thế, phải trang bị các kỹ năng mới cho lao động thời kỳ mới theo hướng nâng cao chất lượng đào tạo, khả năng ngoại ngữ, lao động chất lượng cao, khắc phục tình trạng thừa - thiếu cục bộ, chú trọng công tác dự báo hướng nghiệp...
Các tin khác
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, việc đánh bác sĩ nếu được xét xử nhanh, lưu động sẽ có tính giáo dục tốt.
Sáng nay (19/4), Lễ trao Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ nhất sẽ được tổ chức tại Thư viện quốc gia Việt Nam.
YBĐT - Nằm ở vị trí cửa ngõ miền Tây Bắc của Tổ quốc, Yên Bái là nơi quần cư của 30 dân tộc anh em với dân số trên 780.000 người, trong đó dân tộc Kinh chiếm 54%, Tày chiếm 17%, Dao chiếm 9,1%, Mông chiếm 8,1%, Thái chiếm 6,1%... Đa dạng dân tộc tạo nên một Yên Bái đa sắc thái văn hóa vô cùng độc đáo.
YBĐT - Trong khuôn khổ hợp tác giữa 2 tỉnh Yên Bái - Val de Marne (Cộng hòa Pháp), chiều 18/4, Ban nhạc Jazz Bond đã có buổi giao lưu nghệ thuật phương pháp chữa bệnh bằng liệu pháp âm nhạc tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.