Cụ thể, theo báo cáo nhanh của các Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố: Điện Biên, Lào Cai, Yên Bái, Bắc Cạn, Sơn La, Hà Nội, Lạng Sơn, Bắc Giang, Hòa Bình, Quảng Ninh, Hưng Yên, Nghệ An và Thanh Hóa, một số thiệt hại do mưa bão như sau: 10 người chết, trong đó: Thanh Hóa 5 người (Mường Lát 2 người, Quan Sơn 3 người); Bắc Cạn 1 người; Điện Biên 1 người; Lào Cai 1 người; Sơn La 1 người; Phú Thọ 1 người. 11 người mất tích, trong đó, Thanh Hóa 10 người (huyện Quan Sơn 9 người, huyện Mường Lát 1 người) và Điện Biên 1 người.
Ngoài ra, bão còn gây ra các thiệt hại khác về giao thông, sản xuất nông nghiệp…
Về thiệt hại do ảnh hưởng mưa, dông lốc và triều cường do gió mùa Tây Nam ở Nam Bộ, dông, lốc và gió mùa Tây Nam đã gây thiệt hại cho các tỉnh Cà Mau, Hậu Giang, Bạc Liêu, Bến Tre, Vĩnh Long. 824 nhà bị sập, trôi và tốc mái; 5 phòng học bị tốc mái tại Hậu Giang. Triều cường làm ngập 1 trường học và 2.540 m đường giao thông (ngập khoảng 0,5m) tại Cà Mau.
Về tình hình hồ thuỷ điện, khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có 33 hồ chứa thủy điện vận hành xả tràn, trong đó một số hồ trên lưu vực sông Mã xả cụ thể: Bá Thước 1 xả 1.056 m3/s, Bá Thước 2 xả 1.700m3/s, Trung Sơn xả 338m3/s. Về hồ chứa thủy lợi, hiện có 113 hồ xuống cấp, hư hỏng; 56 hồ đang thi công cần tăng cường kiểm tra, giám sát để đảm bảo an toàn.
Về tình hình đê điều, theo báo cáo của Vụ Quản lý đê điều, tính đến 19h00 ngày 5/8/2019, các tỉnh Hưng Yên, Hà Nội, Hà Nam, Thanh Hóa đã xảy ra 7 sự cố đê điều, tăng 3 sự cố so với ngày 4/7. Cụ thể, tại Hà Nội (2 sự cố): Sự cố sạt mái đê phía đồng đoạn K102+170 - K102+210 đê hữu Hồng, huyện Phú Xuyên: Sự cố đã xảy ra năm 2016, 2017, đến nay tiếp tục phát triển thêm do xảy ra mưa lớn kéo dài, xuất hiện 02 cung sạt với tổng chiều dài 40m; và sạt lở bãi sông Hồng (cách bối Tự Nhiên khoảng 120m) tương ứng K94+300 - K94+500 đê hữu Hồng, xã Tự Nhiên, huyện Thường Tín (đã xảy ra từ trước, nay phát triển thêm) với 3 cung sạt dài khoảng 200m. Tại Hà Nam có 1 sự cố sạt lở mái đê đoạn K105+120 - K105+140 đê tả Đáy. Hiện các địa phương tổ chức kiểm tra, lập phương án xử lý và theo dõi diễn biến của các sự cố.
Về sự cố sạt lở đê biển Tây Cà Mau, tính đến ngày 5/8, đã xử lý được 250m/356m xung yếu nhất (đánh chìm 1 sà lan, xếp 10.000 bao tải đất phụ mái đê bị sạt lở, trải bạt 177m dọc mái đê phía biển, đóng 4.000 cọc cừ). Địa phương tiếp tục theo dõi, xử lý.
Về tình hình lũ, hiện nay, lũ trên sông Thao, sông Bưởi, hạ lưu sông Mã đã đạt đỉnh và đang xuống chậm. Mực nước lúc 4 giờ ngày 6/8 trên các sông như sau: Trên sông Thao (Yên Bái) tại Yên Bái 30,80m, ở mức dưới báo động 2; trên sông Bưởi (Thanh Hóa) tại Kim Tân 9,13m, dưới báo động 1; trên sông Mã dưới mức báo động 1. Dự báo, lũ trên sông Thao, sông Bưởi và hạ lưu sông Mã tiếp tục xuống chậm. Cấp độ rủi ro thiên tai: Cấp 1.
Để khắc phục hậu quả do thiên tai, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đã cử Đoàn công tác do Phó Chánh văn phòng Nguyễn Trường Sơn làm trưởng đoàn trực tiếp đến hiện trường nắm bắt tình hình, hỗ trợ địa phương xử lý sự cố. Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu các tỉnh, thành phố tổ chức trực ban, theo dõi diễn biến mưa lũ sau bão và triển khai các biện pháp ứng phó.
Tại Thanh Hóa, Đoàn công tác do ông Trịnh Văn Chiến – Bí thư Tỉnh ủy đã kiểm tra, chỉ đạo khắc phục hậu quả do bão, mưa lũ tại Quan Sơn và Mường Lát; Đoàn công tác do ông Đỗ Trọng Hưng – Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy kiểm tra, chỉ đạo khắc phục hậu quả do bão, mưa lũ tại Cẩm Thủy, Vĩnh Lộc, Bá Thước. Địa phương đã huy động 3.728 cán bộ, chiến sỹ và 33 phương tiện hỗ trợ công tác tìm kiếm cứu nạn đối với những người còn mất tích và hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả thiên tại tỉnh Thanh Hoá.
UBND tỉnh Cà Mau chỉ đạo duy trì lực lượng 24/24 để tiếp tục theo dõi, hộ đê biển Tây. Tính đến 17h ngày 5/8, đã huy động 2 xe cuốc, 10.000 bao tải cát, đất, đá; trải bạt, đóng gia cố được 250m đê bằng cừ tràm; đánh chìm 1 xà lan để ngăn sóng.
Những công việc cần triển khai tiếp theo, theo Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, các tỉnh miền núi phía Bắc, Thanh Hóa, Nghệ An tiếp tục triển khai sẵn sàng ứng phó với lũ quét, sạt lở đất.
Tỉnh Thanh Hóa tiếp tục tập trung lực lượng, khẩn trương tìm kiếm người mất tích, triển khai các công tác cứu trợ, tiếp tục khôi phục giao thông, thông tin liên lạc cho các khu vực, bố trí nơi ở cho người dân bị mất nhà cửa; khôi phục sản xuất, sớm ổn định đời sống của nhân dân.
Bộ Công Thương, Bộ Giao thông vận tải tiếp tục chỉ đạo khôi phục điện, giao thông đến các khu vực bị ảnh hưởng tại tỉnh Thanh Hóa.
Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn Quốc gia tiếp tục cung cấp các bản tin thiên tai, cảnh báo khả năng lũ quét, sạt lở đất và các diễn biến thời tiết nguy hiểm, bất thường.
Theo dõi chặt chẽ diễn biến sạt lở khu vực biển Tây Đồng bằng sông Cửu Long. Huy động các lực lượng xử lý sự cố đê biển tại Cà Mau.
(Theo dangcongsan.vn)