Tiêm chủng là biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất trước các bệnh truyền nhiễm. Việc tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch không chỉ tạo ra sức đề kháng chống lại một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mà còn giúp trẻ tránh được nguy cơ suy dinh dưỡng, tàn tật và tử vong. Vì thế, tiêm chủng là việc cấp bách và rất cần thiết đối với sức khỏe của tất cả mọi người. Tuy nhiên, việc tiêm phòng cho trẻ trên địa bàn thời gian qua chưa đạt tỷ lệ đề ra.
Theo đánh giá của các cơ quan chuyên môn, tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ 8 loại vắc xin cho trẻ em dưới 1 tuổi trong cả nước chưa đạt được tiến độ. Đối với tỉnh Yên Bái, tỷ lệ này cũng không là ngoại lệ.
Qua tổng hợp báo cáo kết quả từ trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố, tính đến hết tháng 8/2019, tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ mới đạt 50,1%, thấp hơn so với tiến độ kế hoạch là 65,7% (7.877/15.724 trẻ).
Về vấn đề này, bác sỹ Chuyên khoa I Lê Hồng Quang - Trưởng khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: nguyên nhân chưa đạt được tiến độ chủ yếu là do tâm lý hoang mang, lo lắng sợ xảy ra tai biến của người dân trong việc sử dụng vắc xin mới ComBe Five thay thế vắc xin Quinvaxem trong tiêm chủng mở rộng. Cùng việc cung ứng vắc xin từ trung ương chưa đầy đủ, bị gián đoạn, cũng có tâm lý lo lắng, áp lực sợ xảy ra tai biến của một bộ phận nhỏ cán bộ y tế vì là loại vắc xin mới triển khai lần đầu tại địa phương.
"Do cha mẹ còn e ngại vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng có phản ứng phụ nên nhiều phụ huynh tìm đến các loại vắc xin dịch vụ để tiêm cho con mình, trong khi đó vắc xin dịch vụ này hiếm mà nhu cầu lại lớn nên dẫn đến tình trạng nhiều trẻ đến tuổi không được tiêm vắc xin” - bác sỹ Quang nói.
Vắc xin cũng giống như thuốc, dù tốt đến đâu cũng không thể đảm bảo an toàn tuyệt đối như mong muốn, bởi vì phản ứng sau tiêm chủng là phản ứng cá thể do cơ địa của từng trẻ với vắc xin chứ không phải do chất lượng vắc xin và hầu hết chỉ có các phản ứng nhẹ như sốt, sưng đau tại chỗ tiêm và tự khỏi trong 24h.
Tuy nhiên, một số rất ít cơ thể trẻ lại có phản ứng mạnh với vắc xin như sốt cao, co giật, quấy khóc kéo dài, tím tái, thậm chí là sốc phản vệ và tử vong, điều này khiến nhiều phụ huynh lo lắng, không dám cho con đi tiêm phòng. Dẫn đến nhiều trẻ không được bảo vệ khỏi những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, dịch bệnh có cơ hội hoành hành trong cộng đồng.
Bà Lê Thị Hồng Vân - Phó Giám đốc Sở Y tế khuyến cáo: "Tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch là biện pháp tối ưu nhất để phòng bệnh cho trẻ, chỉ khi trẻ được tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch thì khả năng phòng bệnh của vắc xin trước bệnh truyền nhiễm mới đạt hiệu quả cao nhất”.
Được biết, để thay đổi tư duy, nhận thức của người dân về việc cho trẻ sơ sinh được tiêm chủng trong 24 giờ đầu tiên, cũng như vận động phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ và trẻ em đi tiêm vắc xin phòng bệnh, ngành y tế đã phối hợp với các cơ quan truyền thông đại chúng đẩy mạnh tuyên truyền về lợi ích của tiêm vắc xin phòng bệnh.
Chỉ đạo trung tâm y tế, cán bộ y tế cơ sở tuyên truyền trực tiếp tại hộ gia đình, giúp người dân hiểu rõ lợi ích của việc tiêm vắc xin phòng bệnh. Đối với các cơ sở y tế thường xuyên trao đổi, cập nhật thông tin, tập huấn, nâng cao trình độ chuyên môn tổ chức tuyên truyền, vận động người dân đi tiêm phòng...
Với chỉ tiêu kế hoạch tiêm chủng mở rộng năm 2019, ngành y tế Yên Bái đã chỉ đạo trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố tăng cường các hoạt động giám sát; tham mưu giúp UBND cấp huyện chỉ đạo các ngành và chính quyền các xã chỉ đạo và phối hợp với ngành y tế tăng cường các biện pháp, đề xuất ngay phương án để tăng tỷ lệ tiêm chủng tại địa phương.
Đồng thời, tăng cường công tác truyền thông để các bà mẹ hiểu được lợi ích của việc tiêm chủng phòng bệnh cho trẻ em, cách theo dõi trẻ sau tiêm chủng; vận động người dân đưa trẻ đi tiêm vắc xin phòng bệnh đúng lịch, đủ liều và phối hợp tốt với cơ sở y tế đảm bảo tiêm chủng an toàn, hiệu quả.
Trần Minh