Một bác sĩ thẩm mỹ đã bật mí, nhiều khách hàng của mình thực hiện cắt mí, độn mông, nâng ngực, căng da mặt… cũng trả góp. Tất nhiên, họ trả góp thông qua một ngân hàng hoặc một công ty tài chính nào đó; có người là đua đòi, cũng có người theo trào lưu thời thượng.
Hôm rồi, một chuyên gia kinh tế (chỉ mô tả là anh ta có thân hình gầy gò và giọng nói khản đặc) được mời đến một trường đại học để giảng dạy. Vị tiến sĩ này đưa ra một tình huống: 1 anh miền Bắc làm được 10 đồng, tiêu 6 đồng, tích lũy 4 đồng; anh miền Trung làm được 10 đồng, tích lũy 8 đồng, tiêu 2 đồng; anh miền Nam làm ra 10 đồng, tiêu cả 10 đồng, có khi còn thấu chi thêm 2 đồng nữa. Vậy các em gái chọn anh nào?
Sau một hồi phân tích, vị tiến sĩ kết luận: Phải chọn anh miền Nam, vì tiêu dùng sẽ khuyến khích sản xuất! Hẳn là vị tiến sĩ kinh tế này có cái lý của mình nhưng làm được 10 đồng mà tiêu cả 10, đôi khi còn tiêu lên đến 12 đồng thì lỡ khi ốm đau bệnh tật, lỡ không may mất việc hay như có sự cố đột xuất xảy ra, thử hỏi lấy đâu ra tiền mà trả nợ; lấy đâu ra nguồn để duy trì cuộc sống?
Trong đại dịch Covid-19, khi nhiều người vẫn duy trì được cuộc sống bình thường, người tài năng vẫn tìm thấy cơ hội, vẫn kiếm được bộn tiền thì rất nhiều trường hợp khác lại túng bấn, đói khổ.
Trong số phải xin hỗ trợ từ các cấp chính quyền, từ những Mạnh Thường Quân có những hoàn cảnh thật sự như bệnh tật, già yếu, neo đơn, mới xin được việc làm không có thu nhập hoặc chưa có tích lũy…, còn có rất nhiều người mà trước đó ăn chơi quá đà, sống không biết tiết kiệm, không tích lũy theo kiểu "sống hôm này, khỏi nghĩ ngày mai”.
Tôi cũng đã có một màn tranh luận gay gắt trên mạng xã hội về bức ảnh và câu chuyện một giáo viên người nước ngoài cầm tấm biển xin ăn vì thất nghiệp bởi Covid-19 tại thành phố Hồ Chí Minh. Với những lý lẽ: anh ta là giáo viên dạy tiếng Anh, thu nhập mỗi tháng tối thiểu mấy chục triệu đồng.
Dịch bệnh vừa diễn ra được vài tháng, sao anh ta đã hết tiền, phải đi ăn xin? Người Việt ra nước ngoài sẵn sàng làm những việc thấp kém, chấp nhận rét mướt, đói khát, tiết kiệm từng đồng đô la để gửi về lo cho gia đình, chắt chiu tích lũy làm lưng vốn. Ngay cả những người nước ngoài mắc kẹt tại Việt Nam cũng đã đi quay nước mía, phụ hồ, bốc vác… để duy trì cuộc sống. Họ đâu có ngửa tay đi ăn xin ngoài đường!
Tiết kiệm không có nghĩa là keo kiệt; biết giữ tiền, biết tính toán trong chi tiêu, biết lo xa… Điều này hoàn toàn khác với chi ly tính toán, đo lọ nước mắm, đếm củ dưa hành. Nói ra điều này, ngẫm câu nói của ông bà ta xưa, tự hỏi: Có nên bóc ngắn cắn dài?...
Tấn Đạt