Cụ thể, từ năm 2017 - 2021, toàn tỉnh xảy ra 9 vụ ngộ độc thực phẩm với 230 người mắc, không có trường hợp tử vong. Theo thống kê, hiện toàn tỉnh có khoảng 8.890 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm; trong đó, có 4.177 cơ sở vừa sản xuất, vừa kinh doanh sơ chế, chế biến thực phẩm, 2.360 cơ sở kinh doanh thực phẩm, 1.906 cơ sở dịch vụ ăn uống, 447 cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố. Song, chủ yếu vẫn là các loại hình sản xuất, chế biến với quy mô cũng như điều kiện về cơ sở vật chất, hạ tầng, trang thiết bị, dụng cụ chế biến thực phẩm kinh doanh nhỏ lẻ, manh mún, quy mô hộ gia đình.
Trước thực tế nêu trên, với vai trò là cơ quan giúp việc của Ban Chỉ đạo An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) tỉnh Chi cục ATVSTP đã chủ động tham mưu giúp UBND tỉnh ban hành kế hoạch số 33/KH-UBND ngày 17/2/2022 về triển khai công tác đảm bảo ATVSTP trên địa bàn tỉnh Yên Bái năm 2022.
Tham mưu giúp Ban Chỉ đạo ATVSTP ban hành Kế hoạch số 67 ngày 01/3/2022 về việc triển khai công tác kiểm tra, hậu kiểm về ATVSTP năm 2022; Kế hoạch thực hiện công tác đảm bảo ATVSTP trong các dịp cao điểm: tết Nguyên đán, Tháng hành động vì ATVSTP...
Trong đó, tập trung một số nhiệm vụ trọng tâm: đẩy mạnh tuyên truyền về ATVSTP; thực hiện tốt việc phối hợp liên ngành trong hoạt động quản lý chất lượng hàng hóa thực phẩm; giao chỉ tiêu hàng năm về đảm bảo ATVSTP cho các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố; nhân rộng các mô hình sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm an toàn, chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn; tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát, hậu kiểm tại các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm.
Đặc biệt, qua kiểm tra, sẽ xử phạt nghiêm đối với các hành vi vi phạm về ATVSTP; đồng thời, thông báo danh tính trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm tạo sự chuyển biến tích cực trong các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm để cung cấp thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng.
Ông Lương Quốc Dũng - Chi Cục trưởng Chi cục ATVSTP cho biết: "Để nâng cao nhận thức và thực hành về ATVSTP cho người dân cũng như các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, thời gian qua, các sở, ngành, cơ quan, đoàn thể luôn đẩy mạnh tuyên truyền với nhiều hình thức; công tác tập huấn, đào tạo cán bộ làm công tác ATVSTP từ tỉnh đến các huyện, thị xã, thành phố được đẩy mạnh. Cùng đó, việc giám sát, thanh tra, kiểm tra, và xử lý vi phạm cũng được các ngành triển khai quyết liệt”.
Theo đó, từ đầu năm đến nay, Chi cục đã thành lập 6 đoàn kiểm tra với 74 cơ sở; xử lý vi phạm hành chính về ATVSTP 11 cơ sở, với số tiền 35,5 triệu đồng; yêu cầu một số cơ sở kinh doanh thực phẩm thu hồi sản phẩm vi phạm ATVSTP và xử lý vi phạm hành chính 3 cơ sở với số tiền trên 2 triệu đồng, nộp ngân sách Nhà nước theo quy định và yêu cầu chủ cơ sở khắc phục ngay những tồn tại; yêu cầu cơ sở tiêu hủy tại chỗ hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hàng hóa hết hạn sử dụng trị giá khoảng 1,5 triệu đồng…
Tuy nhiên, trên thực tế, công tác ATVSTP tại nhiều nơi vẫn còn những bất cập như: một số cơ sở chưa coi trọng đúng mức vấn đề ATVSTP; một bộ phận người dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa chưa quan tâm đúng mức đến vấn đề ATVSTP hoặc thiếu kiến thức, kỹ năng trong chọn lựa, sử dụng, phòng tránh ngộ độc thực phẩm… Vì vậy, thực phẩm bẩn vẫn tồn tại, tình trạng ngộ độc thực phẩm vẫn xảy ra, nguy cơ gây ảnh hưởng đến sức khỏe người dân vẫn tiềm ẩn.
Để người dân nhận biết, nâng cao nhận thức về ATVSTP, thời gian tới, Chi cục ATVSTP tỉnh tiếp tục phối hợp với các ngành chức năng, các địa phương tăng cường kiểm tra, quản lý nhằm phát hiện, xử lý, ngăn chặn kịp thời, hiệu quả các hoạt động gian lận thương mại; buôn bán, kinh doanh thực phẩm giả, thực phẩm nhập lậu, thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Đồng thời, tập trung tuyên truyền nâng cao ý thức, trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh, chế biến về việc chấp hành quy định bảo đảm ATVSTP; tuyên truyền, hướng dẫn người dân nâng cao nhận thức, chủ động phòng ngừa ô nhiễm thực phẩm, hạn chế tối đa tình trạng ngộ độc thực phẩm.
Thanh Tân