Vừa qua, Bộ Nội vụ ban hành Công văn số 3538 về tính hưởng chế độ, chính sách tinh giản biên chế. Theo đó, Bộ Nội vụ đề nghị các Bộ, ngành, địa phương tính hưởng chế độ, chính sách tinh giản biên chế từ ngày 1-1-2022 như sau:
Tiền lương tháng để tính chế độ tinh giản biên chế
Tiền lương tháng để tính chế độ tinh giản biên chế thực hiện theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 12 Nghị định 108/2014.
Tiền lương tháng được tính bao gồm: Tiền lương theo ngạch, bậc hoặc theo chức danh nghề nghiệp hoặc theo bảng lương; các khoản phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề (nếu có) và mức chênh lệch bảo lưu (nếu có) theo quy định của pháp luật.
Tiền lương tháng để tính các chế độ trợ cấp quy định được tính bình quân tiền lương tháng thực lĩnh của năm năm cuối (60 tháng) trước khi tinh giản. Đối với những trường hợp chưa đủ năm năm (chưa đủ 60 tháng) công tác, thì được tính bình quân tiền lương tháng thực lĩnh của toàn bộ thời gian công tác.
Riêng về cách tính tiền lương tháng để tính chế độ tinh giản biên chế được thực hiện như sau:
(i) Đối với đối tượng tinh giản biên chế quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3 và khoản 6 Điều 2 Nghị định 108/2014: Tiền lương theo ngạch, bậc, chức vụ, chức danh; phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung; phụ cấp thâm niên nghề và mức chênh lệch bảo lưu lương được thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư 04/2019 của Bộ Nội vụ.
(ii) Đối với đối tượng tinh giản biên chế quy định tại khoản 4, khoản 5 Điều 2 Nghị định 108/2014:
- Trước ngày 1-5-2013: Hệ số mức lương được tính theo bảng lương của thành viên chuyên trách Hội đồng quản trị, bảng lương của Tổng Giám đốc, Giám đốc, Phó Tổng Giám đốc, Phó Giám đốc kế toán trưởng ban hành kèm theo Nghị định 205/2004.
- Từ ngày 1-5-2013 trở đi: Hệ số mức lương được tính theo quy định tại bảng hệ số mức lương của viên chức quản lý chuyên trách ban hành kèm theo Nghị định 51/2013.
Thời gian để tính chế độ tinh giản biên chế
Thời gian để tính chế độ tinh giản biên chế được thực hiện theo quy định tại khoản 8 Điều 1 Nghị định 113/2018, cụ thể:
Thời điểm được dùng làm căn cứ để tính đủ tuổi đời hưởng chế độ, chính sách nghỉ hưu trước tuổi là ngày 1 tháng sau liền kề với tháng sinh của đối tượng; trường hợp trong hồ sơ của đối tượng không ghi rõ ngày, tháng sinh trong năm thì lấy ngày 1 tháng 1 của năm sinh của đối tượng.
Thời gian để tính trợ cấp là thời gian làm việc trong các cơ quan của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước và các hội được tính hưởng bảo hiểm xã hội và đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc (theo sổ bảo hiểm xã hội của mỗi người), nhưng chưa hưởng trợ cấp thôi việc hoặc chưa hưởng chế độ bảo hiểm xã hội một lần hoặc chưa hưởng chế độ phục viên, xuất ngũ. Nếu thời gian tính trợ cấp có tháng lẻ thì được tính tròn theo nguyên tắc dưới ba tháng thì không tính; từ đủ ba tháng đến đủ sáu tháng tính là 1/2 năm; từ trên sáu tháng đến dưới 12 tháng tính tròn là một năm.
Chính sách nghỉ hưu trước tuổi
Chính sách nghỉ hưu trước tuổi được thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 1 Nghị định 143/2020 và Công văn 4126/BNV-TCBC ngày 24-8-2021 xác định tuổi hưởng chính sách về hưu trước tuổi.
Ngoài ra, tại Công văn 3538, Bộ Nội vụ cũng lưu ý khi thực hiện một số chính sách tinh giản biên chế khác như: quản lý và sử dụng biên chế đã thực hiện tinh giản; đối tượng tinh giản biên chế do sức khỏe không bảo đảm; chính sách chuyển sang làm việc tại các tổ chức không hưởng lương từ ngân sách nhà nước; chính sách thôi việc ngay, thôi việc sau khi học nghề…
(Theo PLO)