5 năm qua, tỉnh Yên Bái đã triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị định số 83/2017/NĐ-CP ngày 18/7/2017 của Chính phủ quy định về công tác cứu nạn, cứu hộ (CNCH) của lực lượng phòng cháy và chữa cháy (PCCC). Công tác PCCC và CNCH được xác định là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của cấp ủy, chính quyền và mọi người dân. Trên cơ sở thực tế và công tác dự báo, phòng tránh được triển khai, các hoạt động CNCH trên địa bàn được thực hiện hiệu quả.
Yên Bái hiện có khoảng hơn 2.400 doanh nghiệp đăng ký và hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ với 5 khu công nghiệp, 10 cụm công nghiệp tập trung. Ngoài ra, các cơ sở kinh doanh dịch vụ như: siêu thị, chợ kiên cố và bán kiên cố, trung tâm thương mại và các cơ sở kinh doanh có điều kiện là những nơi tiềm ẩn nguy cơ xảy ra cháy, nổ, tai nạn, sự cố lớn.
Mặt khác, với đặc điểm về thời tiết, khí hậu, địa hình phức tạp và sự hình thành phát triển nhiều loại hình cơ sở đã thay đổi tính chất nguy hiểm cháy nổ; ý thức trách nhiệm, việc hiểu biết và tuân thủ pháp luật, quy trình làm việc chưa đảm bảo; sự phát triển các khu đô thị, khu dân cư tập trung, khu công nghiệp, khu chế xuất, công nghệ cao, hạ tầng giao thông đường bộ, đường thủy nội địa... cũng tiềm ẩn nguy cơ dẫn đến tai nạn, cháy, nổ, gây hậu quả nghiêm trọng.
Để giảm thiểu thiệt hại do sự cố, thiên tai, tỉnh đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn, chỉ đạo về công tác PCCC và CNCH, góp phần nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị và quần chúng nhân dân trong công tác CNCH, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền về công tác CNCH.
Đồng thời, xây dựng xã điển hình tiên tiến trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, phường điển hình tiêu biểu về bảo đảm trật tự đô thị, trong đó, có các tiêu chí về đảm bảo an toàn PCCC và CNCH; xây dựng thí điểm Mô hình "Tổ dân phố đảm bảo an toàn PCCC và CNCH” tại tổ 14, phường Đồng Tâm, thành phố Yên Bái và hiện nay đã nhân rộng trên toàn địa bàn phường...
Hiện tại, Công an tỉnh có 2 đơn vị có chức năng thực hiện công tác CNCH thuộc Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH, với 88 cán bộ chiến sĩ; tổng số phương tiện cơ giới 15 xe, gồm: 10 xe chữa cháy, 1 xe cứu nạn - cứu hộ, 1 xe thang chữa cháy, 1 xe tiếp nước, 2 xe chỉ huy chữa cháy và 3 máy bơm chữa cháy.
Bên cạnh đó, toàn tỉnh đã thành lập, củng cố, kiện toàn được 1.364 đội dân phòng với 17.489 đội viên, đạt 100% thôn, bản, tổ dân phố có đội dân phòng; 4.310 đội PCCC cơ sở, với 19.320 đội viên; tổ chức tập huấn, huấn luyện nghiệp vụ CNCH cho lực lượng dân phòng, cơ sở với tổng số 352 lớp, 26.728 lượt người tham gia, cấp 19.728 lượt giấy chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ PCCC và CNCH; tổ chức 9 lớp tập huấn công tác quản lý nhà nước về PCCC cho chủ tịch UBND cấp xã và huấn luyện nghiệp vụ PCCC cho đội trưởng, đội phó đội dân phòng với 2.218 lượt người tham gia.
Qua đó, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, kỹ năng xử lý tình huống khi có sự cố xảy ra của các lực lượng PCCC dân phòng, cơ sở.
Cùng với đó, công tác phòng ngừa sự cố, tai nạn được kết hợp với kiểm tra định kỳ, đột xuất về an toàn PCCC với 6.650 lượt ở các địa bàn, cơ sở và lập 6.650 biên bản kiểm tra, thông qua đó, đã xử lý và đề xuất xử lý đối với công trình, cơ sở có vi phạm về PCCC và CNCH; tiến hành xử phạt 321 trường hợp vi phạm của tổ chức, cá nhân với tổng số tiền hơn 1 tỷ đồng.
Thời gian tới, với sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các cấp, cùng với việc triển khai nhiều giải pháp hữu hiệu của ngành chức năng và sự tham gia phối hợp tích cực của người dân, tin rằng công tác PCCC và CNCH trên địa bàn tỉnh sẽ có nhiều chuyển biến tích cực hơn nữa, mang lại sự bình yên cho nhân dân.
Theo cơ quan chức năng, 5 năm qua, toàn tỉnh đã xảy ra 174 vụ, trong đó, 152 vụ sự cố, tai nạn cháy (chiếm 87,36%); 2 vụ sự cố, tai nạn nổ (chiếm 0,57%); 2 vụ sự cố, tai nạn sạt lở đất đá (chiếm 0,57%); 2 vụ sự cố, tai nạn có người mắc kẹt trong nhà, công trình (chiếm 0,57%)... thiệt hại ước tính khoảng 14,5 tỷ đồng và 10 người chết, 26 người bị thương.
|
Trần Minh
Ý kiến bạn đọc
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu