Ngày Pháp luật Việt Nam có ý nghĩa giáo dục sâu sắc trong việc đề cao giá trị của pháp luật trong nhà nước pháp quyền, hướng mọi tổ chức, cá nhân tích cực tham gia với hành vi, thái độ xử sự pháp luật đúng đắn. Đồng thời đề cao quyền cũng như trách nhiệm, nghĩa vụ của mỗi công dân nói chung và cán bộ, công chức, viên chức nói riêng trong học tập, tìm hiểu pháp luật và tự giác chấp hành pháp luật.
Với tinh thần "Toàn dân xây dựng, thi hành và bảo vệ Hiến pháp vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, những năm qua, Ngày Pháp luật Việt Nam đã được các sở, ngành, đoàn thể tỉnh; UBND các huyện, thị, thành phố; các xã, phường, thị trấn trong tỉnh tích cực hưởng ứng triển khai.
Các hoạt động hưởng ứng được thực hiện bằng nhiều hình thức đa dạng như: tuyên truyền lưu động, treo panô, áp phích, khẩu hiệu; tổ chức các hội nghị tuyên truyền, hội thảo, tọa đàm, phiên tòa giả định; tổ chức hội thi tuyên truyền pháp luật…
Nội dung tuyên truyền trọng tâm là các chỉ thị, nghị quyết của Đảng và Nhà nước; các luật: Hôn nhân và Gia đình, Giao thông đường bộ, Phòng, chống bạo lực gia đình, Đất đai…
Trong 10 năm qua, hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam, các địa phương trong tỉnh đã tổ chức trên 500 hội nghị, buổi tuyên truyền pháp luật cho trên 260.000 lượt người; cấp phát trên 35.000 tờ rơi pháp luật; treo trên 800 khẩu hiệu, pa nô, áp phích…
Cùng với đó, các cơ quan, đơn vị, địa phương đã đẩy mạnh công tác cải cách tư pháp; xây dựng thể chế, kiểm tra, theo dõi việc thi hành pháp luật trong các mặt công tác; xây dựng các mô hình, điển hình, câu lạc bộ về PBGDPL; xây dựng tủ sách pháp luật… Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật trong nhân dân và giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội tại địa phương.
Đồng chí Nguyễn Huy Cường - Giám đốc Sở Tư pháp, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Phối hợp PBGDPL tỉnh cho biết: Nhờ triển khai đồng bộ, kịp thời nên Ngày Pháp luật Việt Nam đã thực sự trở thành ngày hội sinh hoạt chính trị, pháp lý sôi nổi, sâu rộng để toàn bộ hệ thống chính trị tôn vinh Hiến pháp, pháp luật với những mục tiêu ngày càng cụ thể hơn, thực chất hơn, phục vụ thiết thực cho công tác chuyên môn, nghiệp vụ, xây dựng lực lượng cán bộ, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên trong toàn tỉnh giỏi về chuyên môn, vững vàng về tư tưởng chính trị.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc PBGDPL và triển khai thi hành Ngày Pháp luật Việt Nam vẫn còn tồn tại một số hạn chế như: nội dung, hình thức, biện pháp tổ chức thực hiện ở một số đơn vị, địa phương còn mang tính hình thức, chưa đi vào chất lượng và tính hiệu quả; nguồn kinh phí phục vụ triển khai chưa đáp ứng so với yêu cầu, nhiệm vụ nhất là ở cơ sở; chất lượng tuyên truyền của một số báo cáo viên, tuyên truyền viên còn hạn chế; nhận thức về pháp luật của đồng bào ở vùng cao, vùng dân tộc thiểu số còn bất cập...
Vì vậy, để Ngày Pháp luật Việt Nam năm 2022 và các năm tiếp theo thực sự thiết thực, hiệu quả, các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh cần tiếp tục thực hiện có hiệu quả Luật PBGDPL; quán triệt thực hiện nghiêm túc Kết luận số 80 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 32 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác PBGDPL; phổ biến, giáo dục sâu rộng về vị trí, vai trò của Hiến pháp và pháp luật trong quản lý nhà nước và đời sống xã hội.
Cùng với đó, cần lựa chọn những nội dung, hình thức phù hợp để triển khai Ngày Pháp luật Việt Nam hàng năm đảm bảo hiệu quả; thường xuyên phổ biến và triển khai các văn bản pháp luật mới thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của các sở, ngành, địa phương. Đặc biệt chú trọng đến các văn bản pháp luật của Trung ương và địa phương ban hành liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích và nghĩa vụ của các cá nhân, tổ chức trong đời sống xã hội; đổi mới nội dung, hình thức tổ chức Ngày Pháp luật Việt Nam gắn với đổi mới nội dung, hình thức triển khai công tác PBGDPL; nhân rộng và phát huy các mô hình có cách làm hay, sáng tạo trong tuyên truyền PBGDPL...
Hồng Oanh