Những thanh âm xanh

  • Cập nhật: Thứ hai, 14/11/2022 | 9:44:10 AM

YênBái - Tre xanh vốn quen thuộc ở những làng quê Bắc Bộ. Thế nhưng ít ai biết, trên những ngọn núi chênh vênh tại hai xã Dế Xu Phình và Púng Luông của huyện vùng cao Mù Cang Chải (tỉnh Yên Bái), người người đang cùng nhau trồng tre, tạo nên một công viên tre sinh kế đầu tiên ở Việt Nam rộng hàng chục héc-ta giữa mây rừng.

Cán bộ dự án “Thanh âm xanh - Âm nhạc dẫn lối rừng xanh” cùng đại diện chính quyền, Tỉnh đoàn Yên Bái ra quân trồng 10.000 cây tre Mạy Khao Lam tại huyện Mù Cang Chải.
Cán bộ dự án “Thanh âm xanh - Âm nhạc dẫn lối rừng xanh” cùng đại diện chính quyền, Tỉnh đoàn Yên Bái ra quân trồng 10.000 cây tre Mạy Khao Lam tại huyện Mù Cang Chải.

Trên "Sống lưng khủng long” ở bản Phình Hồ xa xôi, tre đan tre để mọc lên, góp phần phủ xanh đồi núi trong dự án "Thanh âm xanh - Âm nhạc dẫn lối rừng xanh” do Quỹ từ thiện Khăn ấm cho em phát động với mục tiêu: Xây dựng những cánh rừng tre trên khắp đất nước, tạo nên một hệ sinh thái xanh bền vững.

Âm nhạc dẫn lối rừng xanh

Dự án Thanh âm xanh - Âm nhạc dẫn lối rừng xanh là một bước chuyển nhận thức của Quỹ Khăn ấm cho em, một dự án âm nhạc cộng đồng được tổ chức lần đầu vào năm 2012 bởi các nghệ sĩ nhí Câu lạc bộ Mozart với thông điệp: "Thay đổi tương lai từ những điều nhỏ nhất” đã mang đến những phần quà thiết thực, nhu yếu phẩm cho trẻ em nghèo vùng sâu, vùng xa. Sau 10 năm tích cực hỗ trợ những điểm trường khó khăn nhất, biết được sự hiểm nguy của thiên tai dịch bệnh thường trực đe dọa cuộc sống của người dân, những người điều hành Quỹ Khăn ấm cho em luôn trăn trở về ý tưởng xây dựng một dự án thức tỉnh và kêu gọi cộng đồng chung tay bảo vệ môi trường sống.

Người sáng lập Quỹ là chị Nguyễn Diệu Linh chia sẻ: "Dịch Covid-19 khiến chúng tôi cảm thấy việc được thở, được sống trở nên vô cùng quý giá. Thiên nhiên đã ban tặng cho ta bầu không khí trong lành, nguồn tài nguyên giàu có nhưng, những món quà đó đang dần cạn kiệt vì chúng ta chưa biết cách bảo vệ, chưa có thái độ và hành động quyết đoán để níu giữ sắc xanh này”.

Trong suốt một năm nhóm lên ý tưởng cho chiến dịch một cách kỹ lưỡng, cẩn thận và tìm thấy cây tre với rất nhiều ưu thế phù hợp. Cây tre đang là giải pháp toàn cầu trong giảm tác động từ biến đổi khí hậu do là loài cây sinh trưởng nhanh ở bất cứ điều kiện nào. Sau 5 năm trồng, tre sẽ có chức năng cải tạo hệ thống nguồn đất, nguồn nước, chống xói mòn, sạt lở, lũ quét... Hơn nữa, chỉ cần với lượng nước 6l/cây/năm, tre phù hợp với tất cả vùng đất khô hạn tại khu vực miền núi Tây Bắc, đồng thời cho hiệu quả kinh tế khi được khai thác từ rừng, tạo ra các sản phẩm thương mại và phục vụ du lịch. Vì lẽ đó, cây tre được lựa chọn là trọng tâm của dự án mới nhằm gây quỹ trồng rừng tre mang tên Thanh âm xanh - Âm nhạc dẫn lối rừng xanh.

Năm 2020, trong chuỗi sự kiện văn hóa nghệ thuật Thanh âm núi rừng được dự án Thanh âm xanh tổ chức ở Mù Cang Chải, chiến dịch "Vì một triệu cây tre Việt” chính thức được phát động với mục tiêu tạo ra những cánh rừng tre trên khắp lãnh thổ Việt Nam. Chị Linh kể: "Mọi thứ đều rất khó khăn vào giai đoạn đầu. Một trong những thử thách lớn nhất của chiến dịch chính là ít người nghĩ đến việc trồng tre để phủ xanh đồi trọc”.

Nhưng đến bây giờ, thông qua những cố gắng về truyền thông, chiến dịch đã lan tỏa được vai trò thật sự của cây tre Việt Nam đến với tự nhiên cũng như cộng đồng. Quỹ ủng hộ chiến dịch ngoài việc kêu gọi từ các sự kiện âm nhạc do Thanh âm xanh tổ chức, thì mỗi người quan tâm chỉ cần đóng góp 50 nghìn đồng - đúng bằng chi phí để trồng 1 cây tre thì với 1 triệu người sẽ có 1 triệu cây tre được trồng.

Bắt tay vào thực địa, Thanh âm xanh khó tìm ra nguồn giống tre phù hợp. Năm đầu thực hiện, 80% số cây tre được trồng đã chết hàng loạt do thời tiết không thuận lợi cũng như nguồn giống chưa bảo đảm. Đó là một tổn thất rất lớn. Rất may mắn là dự án vẫn được những người tham gia hỗ trợ chiến dịch, người dân địa phương cũng như chính quyền tin tưởng. Năm 2022, dự án tổ chức vườn ươm cho 10.000 giống cây tiếp tục thất bại do lượng mưa tự nhiên quá lớn.

Tưởng như hai lần thất bại sẽ gây nản chí, thế nhưng dự án vẫn kiên trì bắt đầu lại. Trong năm 2022, Thanh âm xanh trồng thành công 10.000 cây tre Mạy Khao Lam trên diện tích 25ha tại hai bản Mý Háng Tủa Chử và Nả Háng Tủa Chử, xã Púng Luông, huyện Mù Cang Chải. Đến nay, tất cả số tre ấy đều sống rất khỏe mạnh. Bên cạnh đó, các thành viên của dự án cũng tổ chức chương trình giao lưu nghệ thuật Kết nối thanh âm "Nghe trẻ - Nghe tre” tại Mù Cang Chải. Nhóm nhạc Thanh Âm Xanh cũng tổ chức lớp dạy cách chơi nhạc cụ làm bằng tre nứa cho 120 em học sinh người Hmông thuộc hai điểm trường xã Dế Xu Phình và xã Púng Luông, giúp người dân đến gần hơn với tre từ âm nhạc nhằm mục tiêu: Âm nhạc dẫn lối rừng xanh.

Hệ sinh thái xanh tạo sinh kế bền vững

Chiến dịch "Vì một triệu cây tre Việt” còn có nhiệm vụ khác cũng rất quan trọng là tạo hệ sinh thái bền vững từ rừng tre; nhận được sự hỗ trợ rất tích cực từ các nhà hảo tâm, tổ chức, doanh nghiệp, cũng như rất nhiều nghệ sĩ... tham gia hưởng ứng và phát động như NSND Trung Anh, NSƯT Thu Uyên, chỉ huy dàn nhạc Nguyễn Khắc Thành, Hợp xướng Gió Xanh... Chiến dịch cũng kết nối, hợp tác với Tiến sĩ Diệp Thị Mỹ Hạnh - giảng viên Trường đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, người được Liên hợp quốc trao Giải thưởng Xích đạo 2010 và chương trình Con đường tre của Làng tre Phú An để thực hiện mô hình rừng tre sinh kế với cây Mạy Khao Lam tại Mù Cang Chải.

Mạy Khao Lam là một giống tre đặc biệt của vùng Tây Bắc, ngoài giá trị về môi trường, làm giàu rừng, loại tre này cũng có giá trị kinh tế cao. Mỗi cây tre con sau 4 năm sẽ phát triển thành bụi, trung bình một bụi tre trưởng thành sẽ cho ra khoảng 20-25 cây và mỗi năm có thể khai thác được 10 cây/bụi. Đặc biệt, sau khi khai thác, tre sẽ tự tái tạo, tái sinh mà không cần trồng mới như cây gỗ. Như vậy, một năm, nếu chăm sóc đúng quy trình hướng dẫn, người dân có thể thu về khoảng 80 triệu đồng/ha trồng tre. Chưa kể, từ tre Mạy Khao Lam có thể tạo ra những sản phẩm đặc sản như cơm Lam; trà Ống Lam làm từ trà Shan tuyết nổi tiếng được ủ lên men trong ống Lam, cho ra một thức trà thơm dịu, mang đến hơi thở của núi rừng trong trẻo.

Trong năm 2022, các doanh nghiệp đồng hành cùng Thanh âm xanh cũng hỗ trợ người dân tạo thương hiệu sản phẩm cơm Lam và trà Ống Lam. Ngoài ra, dự án còn triển khai không gian văn hóa, khu trưng bày sản phẩm, các lớp học ngôn ngữ để gìn giữ giá trị văn hóa bản địa và hỗ trợ người dân phát triển du lịch cộng đồng và tạo hệ sinh thái xanh từ tre. 

Ông Vàng Bua Tủa, Chủ tịch UBND xã Púng Luông cho biết: "Púng Luông vốn là xã nghèo. Trước đây, do nhiều yếu tố bất lợi từ điều kiện chăm sóc và thu hái chè Shan tuyết, đầu ra không ổn định khiến thu nhập của bà con bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, giờ đây có tre Mạy Khao Lam thì trà Ống Lam là một loại sản phẩm mới hút khách”. Hiểu rõ giá trị kinh tế từ Mạy Khao Lam, không hề do dự, 16 hộ dân ở hai bản Mý Háng Tủa Chử và Nả Háng Tủa Chử đã đồng tình, cam kết trồng và chăm sóc 10.000 cây được trồng trong khuôn khổ chiến dịch.

Những thanh âm xanh của núi rừng Tây Bắc đang góp phần nối dài hành trình phủ xanh Việt Nam, hướng tới một đất nước xanh - bền vững trong tương lai.

(Theo NDO)

Các tin khác
Giờ thực hành huấn luyện tại Trung đoàn 192, Sư đoàn 355.

Sư đoàn 355 (Quân khu II) là đơn vị chủ lực, huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu, đóng quân trên địa bàn tỉnh Yên Bái với vai trò là chốt chặn quan trọng trong hệ thống tuyến khu vực phòng thủ phía Bắc của Tổ quốc.

Hoạt động trưng bày gian hàng quảng bá, xúc tiến thương mại tiêu thụ các sản phẩm vùng miền của địa phương trong “Ngày hội Phụ nữ khởi nghiệp” năm 2022 thu hút nhiều chị em tham gia.

Ngay sau khi Đề án “Hỗ trợ Phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025” được phê duyệt, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh đã chỉ đạo các cấp Hội đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, khơi dậy tinh thần khởi nghiệp, tiềm năng, sức sáng tạo của phụ nữ và quan tâm giải quyết các khó khăn giúp phụ nữ khởi nghiệp, thúc đẩy hiện thực hóa các ý tưởng kinh doanh của các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác mới thành lập do nữ làm chủ...

Một quầy kinh doanh của tiểu thương chợ Yên Ninh, thành phố Yên Bái.

Quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo công tác bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP); có sự phối hợp chặt chẽ của các ban, ngành, đoàn thể và cấp ủy, chính quyền địa phương nên các hoạt động đảm bảo ATTP của thành phố luôn đạt hiệu quả, nhất là các đợt cao điểm hàng năm như tết Nguyên đán và Tháng hành động vì ATTP.

Ban Công tác Mặt trận thôn Cốc Củ, xã Phù Nham, thị xã Nghĩa Lộ vận động nhân dân tham gia trồng cây xây dựng tuyến đường xanh, sạch, đẹp.

Là 1 trong 3 thôn của xã Phù Nham (thị xã Nghĩa Lộ) ra khỏi vùng 135 năm 2021, ban đầu thôn Cốc Củ vẫn còn gặp một số khó khăn. Phát huy công tác tuyên truyền, vận động của Ban Công tác Mặt trận (CTMT) thôn và các thành viên, đến nay phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư nông thôn mới ở Cốc Củ ngày càng đi vào thực chất.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục