Bà Phạm Thị Thanh - Phó Trưởng ban Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, Trung ương Hội LHPN Việt Nam chia sẻ: "Để có cơ hội việc làm thì lao động phải được đào tạo. Đào tạo nghề chính là chìa khóa để phụ nữ mở được cánh cửa việc làm, có thu nhập. Bởi vậy, chúng tôi tổ chức Diễn đàn này nhằm mục đích nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của học nghề, cơ hội được học nghề cho phụ nữ và người dân tại huyện thông qua các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về đào tạo nghề hiện nay. Qua đó, thúc đẩy phụ nữ tích cực tham gia học nghề, có việc làm, có thu nhập, góp phần thực hiện bình đẳng giới, xóa đói giảm nghèo”.
Tại Diễn đàn, các chuyên gia, đại diện các cơ quan chức năng liên quan đã chia sẻ thông tin về các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước liên quan đến hỗ trợ đào tạo nghề, giới thiệu, tạo việc làm sau học nghề cho người lao động; các nhu cầu, yêu cầu tuyển dụng lao động có tay nghề được đào tạo của một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; giới thiệu các chương trình, nội dung các nghề đào tạo hiện có trên địa bàn phù hợp với nhu cầu học nghề của phụ nữ, đáp ứng nhu cầu của các tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn và các vùng lân cận, đảm bảo người học có việc làm, thu nhập ổn định ngay sau đào tạo nghề...; các điều kiện để đảm bảo phụ nữ học nghề thành công...
Thông tin về các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm nói chung và đối với phụ nữ nói riêng, cán bộ Phòng Lao động - Việc làm - Giáo dục nghề nghiệp, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho hay, trên địa bàn tỉnh đã hình thành các mô hình liên kết hiệu quả giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp với các doanh nghiệp trong giáo dục nghề nghiệp.
Các doanh nghiệp phối hợp cung cấp thông tin về nhu cầu đào tạo, nhu cầu tuyển dụng, ngành nghề tuyển dụng cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; trả công cho nhà giáo, học sinh, sinh viên khi tham gia thực tập, thực hành tại doanh nghiệp và làm ra sản phẩm, tạo ra hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp; ký hợp đồng tuyển dụng học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp ra trường.
"Do vậy, các trường trung cấp, cao đẳng trên địa bàn tỉnh đều sẵn sàng cam kết đầu ra cho học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp khi thực hiện công tác tư vấn tuyển sinh. Tỷ lệ học sinh, sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp trung bình đạt tỷ lệ trên 85%” - ông Nguyễn Văn Tuấn - Phó Trưởng phòng Lao động - Việc làm - Giáo dục nghề nghiệp, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội khẳng định.
Ông Hoàng Văn Toàn - Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông tin: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phê duyệt Kế hoạch đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn giai đoạn 2022 - 2025. Mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 của tỉnh Yên Bái là cơ bản lao động nông nghiệp làm ở các ngành chính và dịch vụ nông nghiệp nông thôn được đào tạo nghề, phấn đấu đào tạo nghề cho 15.728 lao động nông thôn trở lên (bình quân đào tạo nghề 3.930 lao động nông thôn/năm), tập trung đào tạo để nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ.
Để phù hợp với nhu cầu học nghề của phụ nữ, đáp ứng nhu cầu của các tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh thì đối tượng đào tạo là: lao động trong độ tuổi lao động làm nông nghiệp ở các vùng sản xuất hàng hóa thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới; lao động trong các hợp tác xã, trang trại, gia trại, doanh nghiệp nằm trong vùng quy hoạch sản xuất nông nghiệp tập trung các sản phẩm chủ lực của địa phương; lao động trong các làng nghề tham gia phát triển làng nghề, bảo tồn làng nghề truyền thống gắn với các giá trị văn hóa, du lịch nông nghiệp nông thôn; lao động tham gia vào chương trình phát triển các sản phẩm OCOP của địa phương; ưu tiên đào tạo cho lao động vùng dân tộc thiểu số, miền núi, người nghèo và phụ nữ...
Theo chia sẻ của nhiều phụ nữ tham gia buổi Diễn đàn thì những thông tin là rất thiết thực, hữu ích. Chị Giàng Thị Gừ - chủ Homestay Giò Gừ ở xã La Pán Tẩn, huyện Mù Cang Chải cho biết: "Homestay của gia đình luôn có nhu cầu sử dụng nhân viên là người bản địa đã được đào tạo nghề như lễ tân, buồng phòng, ẩm thực để có thể phục vụ du khách được chuyên nghiệp hơn. Mong rằng, nhiều chị em tham gia Diễn đàn hướng tới việc học nghề phù hợp, nhất là liên quan đến du lịch cộng đồng để có thể làm việc tại các homestay trên địa bàn”.
Chị Mùa Thị Máy - bản Háng Chua Say, xã Chế Cu Nha chia sẻ: "Nghe các thông tin này, bản thân tôi có suy nghĩ đến chuyện học nghề mà trước nay chưa bao giờ nghĩ đến, có thể là học nghề may, thêu dệt thổ cẩm. Là Bí thư Chi bộ bản, tôi sẽ tuyên truyền thêm tới bà con trong bản để người dân có những nhận thức mới về việc học nghề, cơ hội có việc làm ngoài việc làm nông nghiệp đơn thuần”.
Chị Lù Thị Sày - bản Tà Dông, xã Chế Tạo cũng cho biết: "Biết thêm được nhiều chính sách về học nghề cho lao động nông thôn, nhiều nghề mà phụ nữ vùng cao có thể học được, có cơ hội có việc làm, là Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ bản, tôi sẽ tuyên truyền tới chị em trong bản về những nội dung này”.
Bà Lương Thị Xuyến - Phó Chủ tịch UBND huyện Mù Cang Chải cho biết: "Buổi diễn đàn, nói chuyện này tạo cơ hội cho nhiều chị em phụ nữ địa phương được nghe, được chia sẻ những kiến thức, nội dung về đào tạo nghề và cơ hội việc làm để bản thân hiểu và tuyên truyền thêm cho các phụ nữ khác tích cực tham gia học nghề khi có cơ hội để có việc làm phù hợp, tăng thu nhập cho gia đình, góp phần vào công cuộc giảm nghèo bền vững trên địa bàn”.
Thu Hạnh