Trước những biến động phức tạp của thị trường vĩ mô, 2023 được nhận định là năm chuyển biến kinh tế, tiềm ẩn nhiều rủi ro cho các doanh nghiệp (DN). Hơn bao giờ hết, các DN sẽ cần một bộ máy nhân sự tinh gọn, đa nhiệm và linh hoạt để nâng cao năng lực cạnh tranh và bảo đảm mục tiêu kinh doanh. Người lao động (NLĐ), vì thế, cũng tự nâng tầm bản thân, trau dồi những kỹ năng mới để phù hợp với yêu cầu của thị trường lao động.
Khai thác sức mạnh công nghệ
Theo báo cáo của Mercer (một công ty quản lý tài sản của Mỹ) được nêu ra tại sự kiện do Công ty CP Kết Nối Nhân Tài (Talentnet) vừa tổ chức, nhóm quản lý cấp cao thường chú trọng đến văn hóa DN, độ nhận diện của thương hiệu trên thị trường và mô hình kinh doanh. Trong khi nhóm nhân viên thường quan tâm đến lương, thưởng, phúc lợi. Điều này cho thấy việc đầu tư cho những giá trị vô hình của DN như định hướng phát triển, văn hóa làm việc, hình ảnh thương hiệu… sẽ chính là chìa khóa để giữ chân nhóm lao động chất lượng cao.
Nhiều chuyên gia cho rằng đây là xu hướng nhân tài mới trong tương lai, bởi NLĐ ngày càng quan tâm đến những yếu tố khác bên cạnh chính sách lương, thưởng. 2023 sẽ là năm mà các từ khóa như well-being (hạnh phúc toàn diện), DEI (đa dạng, bình đẳng, hòa nhập) hay phát triển bền vững sẽ trở thành trọng tâm. DN cần linh hoạt thích ứng và nghiêm túc áp dụng những thay đổi trên để tạo nên điểm khác biệt, từ đó có lợi thế cạnh tranh với những DN khác trong cuộc chiến giành - giữ nhân tài cam go hiện nay.
Ông Huỳnh Quốc Thắng, Giám đốc Công ty CP Đầu tư văn hóa Tinh Hoa (quận Tân Phú, TP HCM), cho biết sau khi sắp xếp, tổ chức lại đội ngũ, hiện công ty chỉ còn 38 nhân sự, giảm 30% so với năm 2021. Đầu tiên, công ty cho sử dụng các ứng dụng vào công việc chuyên môn như: phần mềm kế toán, chuyển bộ phận nhân sự sang dịch vụ thuê ngoài, đưa phần mềm quản trị DN vào vận hành để giảm thiểu các bước gián tiếp trong điều hành...
Bên cạnh đó, công ty cũng tổ chức các lớp đào tạo tại DN để nhân viên bổ sung kiến thức, kỹ năng và sử dụng thành thạo các ứng dụng công nghệ vào công việc. "Hiệu quả rõ rệt, năng suất tăng hơn 40%, trong khi nhân sự 70% nhưng doanh thu tăng gần gấp đôi so với năm trước. Công tác điều hành DN cũng đơn giản, các cuộc họp giảm dần, chỉ họp khi cần thiết hoặc triển khai dự án mới" - ông Thắng nói.
Trong giai đoạn chuyển đổi số mạnh mẽ như hiện nay, việc tối ưu hóa nhân lực nội bộ ngày càng đơn giản là cách duy nhất để DN cắt giảm chi phí, nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ để gia tăng sức mạnh cạnh tranh. Yếu tố công nghệ được ông Thắng nhấn mạnh bởi sức mạnh của công nghệ đang hỗ trợ tối đa mọi ngóc ngách trong DN của ông.
Tạo động lực cho nhân viên
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Đỗ Tùng, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Đào tạo Kỹ năng Hành nghề Việt Nam (VESTCO), cho rằng NLĐ chính là tài sản có giá trị nhất của mọi tổ chức, DN. Tất cả nhà quản lý đều mong muốn NLĐ của DN có cơ hội đóng góp, phát triển và thăng tiến lâu dài.
Theo ông Tùng, trong bối cảnh thị trường lao động đầy biến động, DN cần tạo động lực cho tất cả nhân viên của mình, đánh giá cao giá trị và tiềm năng của mỗi người, không phân biệt chủng tộc, dân tộc, giới tính, quốc tịch, tôn giáo, tuổi tác và những khác biệt khác. "Tôn trọng sự khác biệt là nét văn hóa đặc trưng của DN thể hiện rõ nét qua khía cạnh trao quyền cho nhân viên, nhất là nhân sự trẻ" - ông Tùng nhấn mạnh.
Bà Tiêu Yến Trinh, Tổng Giám đốc Talentnet, nhìn nhận để tối ưu hóa nguồn nhân lực, trước tiên, người lãnh đạo cần bước lùi lại để có cái nhìn tổng thể về định hướng, kế hoạch phát triển của DN, cũng như thực trạng nhân lực tại tổ chức. DN cần xác định đâu là những vị trí trọng yếu, cần thiết để giúp DN đạt được mục tiêu phát triển, đâu là những vị trí có thể bổ sung từ thị trường hoặc từ tái đào tạo nội bộ, từ đó vạch ra chiến lược nhân tài phù hợp.
Ngoài ra, DN có thể áp dụng mô hình "san sẻ nhân sự" để chủ động cấu trúc nguồn nhân lực, phân bổ nhân sự linh hoạt giữa các phòng ban, dự án để tối ưu hóa năng lực của nhân viên. "Việc bổ sung nguồn lực từ các giải pháp nhân sự thuê ngoài cũng là một xu hướng mới mà nhiều DN nước ngoài đang áp dụng. Qua đó, nhằm giải quyết nhanh chóng bài toán nhân lực, tối ưu hóa nguồn lực nội bộ cho những công việc chiến lược, đồng thời giải quyết chi phí và quản trị rủi ro" - bà Trinh phân tích.
(Theo NLĐ)