Nậm Búng nỗ lực giảm nghèo bền vững

  • Cập nhật: Thứ bảy, 29/4/2023 | 7:47:16 AM

YênBái - Là xã vùng cao của huyện Văn Chấn, Nậm Búng có trên 68% đồng bào là người Dao, người Thái, nhận thức cũng như khả năng áp dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất của bà con vẫn còn những hạn chế nên tỷ lệ hộ nghèo những năm qua còn cao.

Đường giao thông nông thôn xã Nậm Búng được đầu tư nâng cấp, tạo thuận lợi cho nhân dân đi lại và giao thương phát triển kinh tế.
Đường giao thông nông thôn xã Nậm Búng được đầu tư nâng cấp, tạo thuận lợi cho nhân dân đi lại và giao thương phát triển kinh tế.

Với đặc thù xã vùng cao, các điều kiện về cơ sở hạ tầng nông thôn ở xã Nậm Búng còn nhiều khó khăn; kinh tế chủ lực là sản xuất nông nghiệp nhưng tập quán canh tác còn lạc hậu, nên dẫn đến hiệu quả kinh tế thấp. 

Trước thực tế đó, để từng bước nâng cao đời sống nhân dân, Đảng bộ, chính quyền xã đã tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội phù hợp với điều kiện tự nhiên, nguồn lao động cũng như khuyến khích, động viên nhân dân tận dụng, khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh tại chỗ vào phát triển kinh tế gia đình. 

Trong đó, cùng với sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, các cấp, ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, triển khai kịp thời các chương trình, chính sách đầu tư, hỗ trợ phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo đến với bà con trong xã. 

Ông Phan Luận - Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: thực hiện công tác giảm nghèo bền vững, xã đã tạo điều kiện cho các hộ nghèo được vay vốn ưu đãi để thực hiện các mô hình sản xuất. Hàng năm, xã đều tổ chức đánh giá, rà soát, khảo sát nhu cầu cần hỗ trợ của hộ nghèo, hộ cận nghèo để có giải pháp hỗ trợ phù hợp với từng gia đình. 

Bên cạnh đó, xã phối hợp tổ chức các lớp đào tạo nghề, nâng cao trình độ cho lao động nông thôn để người dân học tập, áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất nhằm tăng năng suất, đặc biệt là kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hái và chế biến chè - một trong những cây trồng chủ lực của địa phương. 

Là xã có thế mạnh về cây chè, hiện nay, Nậm Búng đã phát triển được hơn 396 ha chè; trong đó, diện tích cho thu hoạch hơn 367 ha, với sản lượng búp tươi năm 2022 đạt trên 4.998 tấn, thu về hơn 30 tỷ đồng cho nhân dân. 

Bên cạnh chăm sóc tốt các diện tích chè, nhân dân ở các thôn: Chấn Hưng, Nậm Cưởm, Sài Lương còn tích cực trồng mới, trồng thay thế bằng các giống chè chất lượng cao như chè Shan, chè Bát tiên; áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào chăm bón, thu hoạch, chế biến theo hướng sản xuất hữu cơ để cho ra sản phẩm chất lượng, giá trị kinh tế cao. 

Bà Lê Thị Mai, thôn Chấn Hưng chia sẻ: "Nhờ được vay vốn ưu đãi để đầu tư chuyển đổi giống, chăm sóc chè, tôi còn tích cực tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật thu hái, chế biến chè để áp dụng vào thực tế sản xuất, nên đã giúp gia đình tôi có thu nhập ổn định và các con ăn học chu đáo, mua sắm được tiện nghi hiện đại để cải thiện chất lượng cuộc sống, vươn lên thoát nghèo”. 

Hàng năm, nhân dân xã Nậm Búng còn tích cực đưa các giống lúa, ngô lai chất lượng tốt, năng suất cao vào gieo trồng với 330 ha lúa nước, hơn 100 ha ngô cả năm và cho tổng sản lượng lương thực có hạt đạt 2.230 tấn. 

Ngoài ra, để có vốn cho nhân dân đầu tư phát triển kinh tế, xã tạo mọi điều kiện thuận lợi để bà con được tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi của Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện với tổng dư nợ hiện là 21,775 tỷ đồng. 

Đồng thời, triển khai kịp thời các chính sách về hỗ trợ sản xuất khác như: hỗ trợ phát triển chăn nuôi theo Nghị quyết số 69/2020/NQ-HĐND tỉnh; triển khai các tiểu dự án về hỗ trợ cây, con giống của tỉnh, huyện; chính sách hỗ trợ xóa nhà dột nát, xây dựng đường nông thôn... 

Nhờ đó, kinh tế - xã hội của xã đã có những chuyển biến rõ rệt qua từng năm. Riêng năm 2022, tổng sản lượng lương thực có hạt đạt 2.230 tấn, tăng hơn 40 tấn so với cùng kỳ; có 146 hộ/kế hoạch 105 hộ thoát nghèo, đạt 139% so với kế hoạch...

Với những giải pháp thiết thực, cụ thể, phù hợp với tình hình thực tế địa phương, không chỉ góp phần giúp công tác xóa đói giảm nghèo trên địa bàn đạt hiệu quả cao, mà đây còn là tiền đề quan trọng để Nậm Búng phấn đấu về đích xã nông thôn mới trong năm 2023.

Châu Á

Tags Nậm Búng giảm nghèo bền vững khoa học kỹ thuật sản xuất

Các tin khác
Lực lượng quân đội đang hỗ trợ kiểm định ôtô tại Trung tâm Đăng kiểm 50-14D.

Trong 5 ngày nghỉ lễ 30/4, nhiều trung tâm đăng kiểm tại các địa phương trên cả nước vẫn mở cửa hoạt động để kiểm định ôtô cho người dân trước cảnh quá tải đang diễn ra.

Phát tờ rơi hướng dẫn ủ rác hữu cơ thành phân vi sinh cho người dân.

Sáng 28/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Trấn Yên phối hợp với Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện tổ chức truyền thông về việc phân loại rác thải tại nguồn và hướng dẫn quy trình ủ rác hữu cơ bằng ứng dụng công nghệ vi sinh vào xử lý rác tại hộ gia đình theo mô hình thùng ủ.

Hội viên Chi hội Phụ nữ thôn Kiến Rịa, xã Bình Thuận, huyện Văn Chấn tham gia lớp dạy nghề chăn nuôi thú y.

Nâng cao kiến thức khoa học kỹ thuật, dạy nghề và giới thiệu việc làm cho lao động nữ được các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh xác định là khâu quan trọng đầu tiên, là chìa khóa giúp phụ nữ có việc làm, tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững.

Trung tâm Y tế Văn Yên

Trong bối cảnh nguồn kinh phí còn hạn hẹp, Trung tâm Y tế Văn Yên vẫn bố trí nguồn lực xây dựng mô hình “Camera an ninh”, đầu tư 50 mắt camera lắp đặt tại các vị trí quan trọng tập trung đông người. Hiện tại, đơn vị đang tiếp tục lắp đặt hệ thống camera an ninh tại khu nhà 5 tầng mới đầu tư xây dựng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục