Để thực hiện hiệu quả các phong trào thi đua và các nhiệm vụ trọng tâm của Hội, hàng năm, Hội tổ chức ký giao ước thi đua với 24 cơ sở tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm như: duy trì tiêu chí về môi trường, thu gom rác thải đảm bảo các tuyến đường xanh, sạch, đẹp; phối hợp với các tổ chức đoàn thể, chính quyền địa phương xây dựng tuyến đường điện "Thắp sáng đường quê”; xây dựng mô hình "5 không, 3 sạch”; phát triển mô hình sinh kế cho hội viên nghèo; triển khai thành lập các mô hình hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác (THT), tạo việc làm nâng cao thu nhập cho hội viên; duy trì và phát triển các Câu lạc bộ "Gia đình hạnh phúc”, "Chi hội hạnh phúc”…
Theo đó, các cơ sở Hội đã tổ chức vệ sinh môi trường và các hoạt động "Ngày thứ Bảy cùng dân” được trên 8.000 ngày công lao động/năm; tham gia trồng các tuyến đường hoa, đào hố thu gom rác thải tại hộ gia đình… tại các xã: Minh An, Đại Lịch, Cát Thịnh, Tân Thịnh, Nậm Lành, Nghĩa Tâm…; thực hiện xây dựng mới từ 15 đến 20 tuyến đường điện "Thắp sáng đường quê” tại các xã Gia Hội, Bình Thuận…; trồng mới từ 30 đến 40 tuyến đường hoa tại các xã Thượng Bằng La, Nghĩa Tâm, Minh An…; vận động xã hội hóa làm mới và sửa chữa 6 nhà "Mái ấm tình thương” cho hội viên nghèo tại các xã Tân Thịnh, Bình Thuận, Gia Hội…, với tổng số tiền gần 200 triệu đồng; thành lập mới 35 Câu lạc bộ "Gia đình hạnh phúc” tại 14 xã, thị trấn; thành lập mới từ 20 đến 30 THT do phụ nữ làm chủ thu hút gần 500 hội viên tham gia, điển hình tại các xã: Tân Thịnh, Thượng Bằng La, Cát Thịnh…
Bà Hà Thị Thúy - Chủ tịch HPN huyện Văn Chấn cho biết: "Để hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, phát triển kinh tế, Hội đã phối hợp với Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện thông qua 96 tổ tiết kiệm vay vốn tạo điều kiện cho 3.677 hộ hội viên vay vốn với số tiền trên 171 tỷ đồng; phối hợp Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện thông qua 11 tổ vay vốn với 253 khách hàng dư nợ trên 40 tỷ đồng; duy trì mô hình tiết kiệm góp vốn xoay vòng với số vốn trên 9,1 tỷ đồng cho 189 hội viên vay… Từ đồng vốn vay, qua kiểm tra, hội viên đều sử dụng đúng mục đích; hàng năm có trên 300 hộ hội viên thoát nghèo bền vững…”.
Để hỗ trợ phụ nữ sáng tạo khởi nghiệp, phát triển kinh tế, hàng năm, Hội còn phối hợp với Trung tâm Giáo dục thường xuyên hướng nghiệp dạy nghề huyện; Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện mở các lớp dạy nghề về trồng dâu nuôi tằm, trồng cỏ ngọt, mây tre song đan, chăn nuôi thú y, bảo vệ thực vật, bảo vệ rừng, trồng chè… cho trên 2.000 lượt hội viên tham gia.
Hội đã đẩy mạnh các hoạt động trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm và xây dựng được 11 thương hiệu đặc sản của địa phương được công nhận sản phẩm OCOP như: Gạo nếp Tú lệ, Chè Shan tuyết Suối Giàng, nhãn hiệu tập thể Cam Văn Chấn… Nhiều hội viên đã trở thành chủ các cơ sở sản xuất, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hàng trăm lao động ở địa phương, điển hình như hội viên: Lâm Thị Thoa - Giám đốc HTX Chè Suối Giàng; Phạm Thị Hằng - Giám đốc HTX Gỗ ván bóc xã Bình Thuận; Vũ Thị Hiền - Giám đốc Doanh nghiệp Bình Hiền, xã Tân Thịnh…
Lĩnh vực kinh doanh, thương mại, dịch vụ du lịch, hội viên đã năng động, nhạy bén với thị trường, phát triển trên các lĩnh vực kinh doanh thương mại cung ứng ra thị trường các sản phẩm lương thực, thực phẩm, quần áo, đồ gia dụng, cơ sở du lịch thu hút lượng lớn khách thăm quan nghỉ dưỡng…, tạo việc làm cho người lao động với thu nhập từ 5 triệu đồng đến trên 8 triệu đồng/người/tháng.
Tập trung đổi mới cách thức hoạt động tập trung hướng về cơ sở, Hội chú trọng chỉ đạo các cấp hội cơ sở bám sát các nhiệm vụ trọng tâm, trong đó tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin góp phần thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động của Hội; đẩy mạnh tuyên truyền về bình đẳng giới trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số; tăng cường các lớp dạy nghề, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho hội viên; chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ…, mục tiêu hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ chính trị năm 2023.
Thạch Phong