Bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng

  • Cập nhật: Thứ ba, 4/7/2023 | 3:49:06 PM

Trong thời đại công nghệ, việc tiếp xúc với máy tính, thiết bị thông minh kết nối mạng Internet đã trở nên quen thuộc với nhiều trẻ em. Không thể phủ nhận lợi ích lớn mà không gian mạng mang lại cho các em, tuy nhiên, những "cạm bẫy" từ Internet, mạng xã hội cũng đưa đến không ít vụ việc đau lòng.

 Những nguy cơ tiềm ẩn

Thay vì trò chuyện, nô đùa, chơi trò chơi hay đọc sách… thì những em bé này lại chọn điện thoại để làm bạn. Các em thích gì xem nấy nên không thể tránh được một số nội dung độc hại ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý trẻ nhỏ. "Con được mẹ cho một chiếc điện thoại. Hàng ngày con hay sử dụng điện thoại để nhắn tin, xem youtube, tiktok. Con thường hay xem review phim hoặc phim ma. Con xem điện thoại vì không có ai chơi cùng con” – một em học sinh lớp 4 chia sẻ.


Thiết bị điện tử thông minh luôn là sự lựa chọn của các em nhỏ trong thời gian rảnh.

Các nội dung trên môi trường mạng quá đa dạng và thu hút, các em nhỏ lại hoàn toàn chưa đủ nhận thức để biết các nội dung nào nên xem và không nên. 

Chị Lê Hoàng Anh - Trưởng phòng Trẻ em và Bình đẳng giới, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh cho biết: "Hậu quả của việc trẻ em sử dụng mạng xã hội thiếu an toàn như: mất thông tin cá nhân, bị lừa đảo trên mạng xã hội (lừa tiền, lừa tình cảm), kết bạn với những người xấu, bị bắt nạt trên mạng xã hội; trở thành nạn nhân của xâm hại tình dục; tiếp cận, chia sẻ thông tin sai lệch, gây ảnh hưởng tới bản thân, gia đình, bạn bè và cộng đồng; nghiệm game, hại sức khoẻ và tinh thần, tâm lý, có thể dẫn tới ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khoẻ tâm thần, tâm lý xã hội, khó phục hồi; xem các ấn phẩm, chương trình không phù hợp, hình thành thói quen, nhân cách xấu”.

Trách nhiệm này rõ ràng đến từ phía người lớn. Chị Phạm My Nga - phường Đồng Tâm, thành phố Yên Bái bộc bạch rằng, đôi khi bố mẹ cũng bận quá nhiều việc, không có thời gian để chơi cùng các con nên việc các con xem tivi, điện thoại là việc thường làm mỗi ngày.


Bố mẹ đi vắng, trẻ nhỏ được thoải mái lựa chọn các chương trình truyền hình yêu thích để khám phá. (ảnh minh họa)

Còn gia đình chị H. ở Văn Yên chỉ vì quá nuông chiều con trẻ, để mặc con gắn với sở thích công nghệ số nên con trai chị đã rơi vào chứng "nghiện" thiết bị công nghệ, trở thành căn bệnh tâm lý khó chữa. 

Chị H. chia sẻ: "Từ nhỏ đến giờ, bạn nhà tôi rất thích xem điện thoại và ti vi, gần như là nghiện. Nếu không cho xem thì cháu khóc, ăn vạ. Hành vi đó càng ngày càng tăng lên và gia đình đã phải cho đi can thiệp tại các trung tâm”.

Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Sơn - Bệnh viện Tâm thần tỉnh cho biết: "Những đứa trẻ có biểu hiệu nghiện thiết bị công nghệ khi không cho sử dụng nữa sẽ có những biểu hiện về cảm xúc và hành vi. Ví dụ: cáu gắt, bực bội hoặc những hành vi vi phạm chuẩn mực. Thứ hai là phụ thuộc thời gian khi trẻ sử dụng đến 6 tiếng/ngày. Chất lượng cuộc sống bị ảnh hưởng như rối loạn giấc ngủ, mắt lờ đờ, sắc khí kém, buồn rầu, thu mình, không thích ra ngoài…".

 Hãy cùng con thay đổi!

Cha mẹ và người thân luôn dành thời gian cho con trẻ. Công việc bận rộn làm chúng ta quên mất việc cần lắng nghe và trò chuyện với con cái. 

"Con thích được bố mẹ cho đi chơi công viên, siêu thị hơn là xem tivi, điện thoại" - em Đinh Minh Khôi, học sinh lớp 2, Trường TH Nguyễn Trãi, thành phố Yên Bái chia sẻ. 

Chia sẻ của em cho thấy xem các thiết bị công nghệ số không phải là lựa chọn đầu tiên của con trẻ.  

Đối với chị My Nga, thay vì lo lắng thì chị thường xuyên cùng con trò chuyện để nắm bắt những vấn đề con đang gặp phải nhằm điều chỉnh cách giáo dục con trẻ mỗi ngày. "Gia đình đã cài đặt các phần mềm quản lý con trẻ khi xem các thiết bị điện tử thông minh; thường xuyên cho con ra ngoài chơi, vận động, trò chuyện, chia sẻ cùng con… để các con phát triển toàn diện" - chị Nga nói.

Để giải quyết căn bệnh "nghiện" công nghệ số của trẻ nhỏ, tránh những hệ lụy khống đáng có về sức khỏe tâm thần, các chuyên gia cũng luôn khuyến cáo, cha mẹ phải là người đồng hành cùng con trong hành trình thay đổi thói quen này.

Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Sơn - Bệnh viện Tâm thần tỉnh khuyến cáo: Cần sự tham gia của bố mẹ, làm gương của bố mẹ. Trẻ con phụ thuộc vào người lớn nên chúng ta có quyền kiểm soát ngay từ đầu và khoa học trong cách sử dụng mỗi ngày; kiểm soát những nội dung trẻ em đang xem, tạo cho trẻ môi trường, tăng cường cho trẻ tham gia các hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm dịp hè…


Các em học sinh Trường TH và THCS Minh Chuẩn, Lục Yên được tham quan các địa chỉ đỏ tại thành phố Yên Bái dịp hè.

Tham quan những địa chỉ đỏ là một trong những hoạt động bổ ích để trẻ có thể rời xa những tiêu cực từ mạng xã hội và Internet. Chuyến đi hết sức ý nghĩa của cô và trò Trường TH và THCS Minh Chuẩn, huyện Lục Yên tới các địa danh lịch sử, văn hoá tuy mới mẻ nhưng đã tạo sự gắn kết, từ đó hun đúc thêm tình yêu quê hương, đất nước và lòng tự hào dân tộc trong những đội viên đang còn ngồi trên ghế nhà trường.   

Em Rạng Thị Cẩm Vân – Trưởng TH và THCS Minh Chuẩn chia sẻ: "Đây là lần đầu tiên con được đi tham quan địa chỉ đỏ của tỉnh Yên Bái. Thời gian tới, con sẽ cố gắng học thật giỏi để sau này xây dựng quê hương, đất nước ngày một giàu đẹp”

Cô giáo Nguyễn Thị Ước – Trường TH và THCS Minh Chuẩn cho biết: "Không những các em học sinh mà bản thân tôi và các cô giáo trong nhà trường đã có thêm kiến thức, truyền lửa cho các em cố gắng học tập hơn nữa, hiểu hơn về lịch sử của tỉnh Yên Bái”.

Trong thời đại bùng nổ của công nghệ số, kiểm soát dữ liệu trên mạng và dắt con ra khỏi thế giới ảo để làm bạn với các hoạt động  trải nghiệm từ thế giới xung quanh mang tính giáo dục là trách nhiệm của cha mẹ. Bên cạnh đó, thầy cô, nhà trường và các tổ chức, cơ quan chức năng cần tăng cường giáo dục, định hướng để giúp trẻ em làm chủ được những hành vi của mình. Chỉ khi toàn xã hội vào cuộc tích cực thì "lá chắn" bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng mới thực sự vững chắc, an toàn.

Thu Trang - Bùi Minh

Tags Yên Bái bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng

Các tin khác
Cán bộ BHXH huyện phối hợp với cán bộ xã Tân Nguyên tuyên truyền, vận động trực tiếp người dân địa phương tham gia BHYT.

Tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) tự nguyện người dân được Quỹ chi trả chi phí khám chữa bệnh (KCB), giúp giảm gánh nặng về kinh tế cho gia đình. Vì vậy, để tăng tỉ lệ người dân tham gia BHYT, huyện Yên Bình đã và đang nỗ lực thực hiện các giải pháp khuyến khích người dân tham gia, phấn đấu mục tiêu bao phủ BHYT toàn dân.

Đông đảo các hội viên Hội CCB xã, thôn, anh em họ hàng, bà con lối xóm và các hội, đoàn thể hỗ trợ gia đình trong ngày khởi công.

Sáng 4/7, Hội Cựu chiến binh (CCB) tỉnh Yên Bái, Nhóm Quốc kỳ, Ban liên lạc Sư đoàn 356 (F356) và những người bạn phối hợp với chính quyền xã Tân Thịnh, huyện Văn Chấn tổ chức khởi công xây dựng nhà tình nghĩa cho hộ gia đình hội viên CCB Trương Tiến Độ, xã Tân Thịnh, huyện Văn Chấn.

Phần thi năng khiếu của Chi hội phụ nữ Phòng Tham mưu, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh.

Vừa qua, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh Yên Bái đã tổ chức Hội thi cán bộ phụ nữ giỏi năm 2023 với sự tham gia của 6 đội thi là các thí sinh đại diện cho cán bộ, hội viên hội phụ nữ các cơ quan, đơn vị trực thuộc.

Vietcombank trao tặng 40 suất học bổng cho 40 học sinh có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong học tập, mỗi suất trị giá 500 nghìn đồng

Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) vừa trao học bổng cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn và tài trợ trang thiết bị phục vụ dạy và học cho Trường Phổ thông Dân tộc bán trú (PTDTBT) TH&THCS xã La Pán Tẩn, huyện Mù Cang Chải.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục