Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nghiên cứu để tiếp tục triển khai thực hiện đến hết năm 2023 chính sách hỗ trợ đoàn viên công đoàn, người lao động bị giảm thời gian làm việc, chấm dứt hợp đồng lao động do doanh nghiệp bị cắt, giảm đơn hàng theo Nghị quyết 06/NQ-ĐCT, Quyết định 6696/QĐ-TLĐ của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
Thực tế, vấn đề giảm kinh phí công đoàn không phải lần đầu tiên được đề cập, thậm chí trước đó các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp đã nhiều lần kiến nghị giảm mức đóng này, đặc biệt trong thời điểm dịch Covid-19.
Năm 2021, một số hiệp hội doanh nghiệp như: Dệt may, Da giày, Chế biến và Xuất khẩu thủy sản…đã đề xuất cần xem xét trong những trường hợp các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, như trong đại dịch Covid-19, doanh nghiệp không phải đóng khoản kinh phí công đoàn này.
Các hiệp hội cũng cho rằng tỷ lệ trích nộp phí công đoàn 2% quỹ lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội hiện nay là quá lớn và đề nghị giảm mức đóng từ 2% về tối đa 1%.
Căn cứ khoản 2 Điều 26 Luật Công đoàn 2012, hiện nay, kinh phí công đoàn do cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đóng bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động. Tiền lương bao gồm: Mức lương và phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác trừ khoản phụ cấp không phải đóng bảo hiểm xã hội.
Theo Điều lệ công đoàn Việt Nam thì các đoàn viên đều phải đóng một khoản tiền đoàn phí là 1% trên tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội, mức đóng tối đa hàng tháng người lao động là đoàn viên công đoàn phải đóng không quá 10% trên mức lương cơ sở.
Các đối tượng không tham gia là đoàn viên của công đoàn thì không có nghĩa vụ phải đóng đoàn phí công đoàn nêu trên. Người lao động phải đóng mức phí khi là đoàn viên công đoàn mà đã có tổ chức công đoàn, trường hợp không có công đoàn thì không phải đóng khoản tiền phí này.
Đối tượng phải tham gia đóng kinh phí công đoàn là doanh nghiệp hoặc tổ chức hoặc người lao động không phân biệt có tổ chức công đoàn hay chưa có tổ chức công đoàn gồm: Tổ chức hoặc đơn vị thuộc cơ quan nhà nước, đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân; tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp; đơn vị sự nghiệp công lập và ngoài công lập; doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp nước ngoài được thành lập theo quy định luật doanh nghiệp; hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; các tổ chức khác mà có nhu cầu và đang sử dụng lao động.
Kinh phí công đoàn được sử dụng cho các mục đích như: Tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, văn hóa, thể thao, du lịch cho người lao động; hỗ trợ người lao động trong các trường hợp khó khăn, bệnh tật, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; tham gia các hoạt động xã hội, từ thiện, hỗ trợ cộng đồng; quản lý và phát triển công đoàn.
Kinh phí công đoàn được nộp vào tài khoản ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật.
Cụ thể, người sử dụng lao động có trách nhiệm nộp kinh phí công đoàn vào tài khoản của Liên đoàn Lao động cấp quận (bao gồm quận, huyện) nơi doanh nghiệp/tổ chức/đơn vị có trụ sở hoạt động.
Thời hạn nộp kinh phí công đoàn là hàng tháng một lần, cùng thời điểm mà người lao động và người sử dụng lao động phải nộp bảo hiểm xã hội bắt buộc.
QT - Vneconomy