Người có uy tín - cầu nối gắn kết ý Đảng, lòng dân

  • Cập nhật: Thứ năm, 9/11/2023 | 7:24:30 AM

YênBái - Là những người được tín nhiệm, có khả năng tập hợp nhân dân tin tưởng nghe và làm theo, những năm qua, đội ngũ người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) tỉnh Yên Bái đã phát huy vai trò cầu nối quan trọng giữa cấp ủy Đảng, chính quyền với nhân dân. Với uy tín tự thân với người dân và niềm tin của chính quyền địa phương, những người có uy tín trong đồng bào DTTS góp sức lớn cho sự an bình và phát triển của tỉnh Yên Bái.

Ở xã Đại Đồng, huyện Yên Bình, ai cũng biết ông Mễ Văn Giáo - người có uy tín trong đồng bào dân tộc Cao Lan ở thôn Đá Chồng. Cùng với tích cực vận động bà con chấp hành tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và nhà nước, tham gia các phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới, ông Giáo là người có vai trò quan trọng trong việc lan tỏa những nét đẹp văn hóa của dân tộc Cao Lan. Với trách nhiệm và lòng nhiệt huyết, ông thường xuyên truyền dạy, chỉ dẫn cho các thành viên đội văn nghệ của xã những điệu múa dân tộc Cao Lan, giúp lớp trẻ thêm yêu mến, trân trọng, lưu giữ, phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc mình. 

Tuyến đường Khe Quăn ở thôn Trung Tâm, xã Bình Thuận, huyện Văn Chấn trước đây chỉ là đường đất, nhỏ hẹp, đi lại khó khăn. Thực hiện chủ trương xây dựng nông thôn mới, ông Hà Công Thắng, người uy tín trong đồng bào DTTS ở thôn Trung Tâm đã tuyên truyền, vận động người dân tự nguyện dịch rào hiến đất, góp công góp sức để làm đường bê tông liên thôn. Vận động khéo léo, nhẹ nhàng, ông Thắng đã giúp bà con hiểu về lợi ích của việc làm đường nên gần 60 hộ dân sinh sống trên tuyến đường Khe Quăn đều đồng tình ủng hộ hiến đất, làm đường. Những con đường như thế đã giúp Bình Thuận cán đích xã nông thôn mới vào cuối năm 2022. 


Ông Mễ Văn Giáo - người có uy tín trong đồng bào dân tộc Cao Lan ở thôn Đá Chồng chỉ dẫn cho các thành viên đội văn nghệ của xã những điệu múa dân tộc Cao Lan.

Với 30 dân tộc anh em cùng chung sống, trong đó đồng bào DTTS chiếm 57,4%, hiện, tỉnh Yên Bái có gần 900 người có uy tín là các già làng, trưởng bản, chức sắc tôn giáo, được cộng đồng tôn vinh và chính quyền công nhận. Nhiều năm qua, những người có uy tín đã không quản ngại khó khăn, "đi từng ngõ, gõ từng nhà", vận động bà con giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, bài trừ hủ tục lạc hậu, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, giải quyết êm thấm mọi vướng mắc, phát sinh trong cộng đồng, tạo sự đồng thuận để xây dựng thôn xóm đoàn kết, bình yên, phát triển.

Nổi bật trong những năm qua, người có uy tín là những tuyên truyền viên tích cực, vận động người thân, cộng đồng tham gia giúp hộ nghèo xoá nhà tạm, vận động nhân dân hiến đất, giải phóng mặt bằng để mở rộng các tuyến đường giao thông nông thôn, các công trình phúc lợi xây dựng nông thôn mới, tuyên truyền nhân dân thực hiện quy ước, hương ước ở khu dân cư, không di cư tự do, phá rừng làm nương rẫy, không tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; tham gia giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của  cộng đồng dân tộc... 


Ông Hà Công Thắng (người đứng thứ 4 từ phải sang) - người uy tín trong đồng bào DTTS ở thôn Trung Tâm tuyên truyền, vận động người dân tự nguyện dịch rào hiến đất, góp công góp sức để làm đường bê tông liên thôn.

Những nỗ lực của người uy tín trong đồng bào các dân tộc đã góp phần cùng với hệ thống chính trị của tỉnh đạt được nhiều thành tựu trong xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Đến hết năm 2022, tỉnh Yên Bái đã có 3 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn hoặc hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (huyện Trấn Yên, thành phố Yên Bái, thị xã Nghĩa Lộ); 99 xã/150 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. 

Mỗi cá nhân người có uy tín có mức độ đóng góp và ảnh hưởng khác nhau trong cộng đồng nhưng ở họ đều có một điểm chung. Đó là sự gương mẫu, tận tụy, nhiệt tình "nói dân tin, làm dân theo”. Họ là nhịp cầu gắn kết ý Đảng - lòng dân đã và đang có những đóng góp rất quan trọng vào sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc, từng bước cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào các DTTS và phát triển kinh tế,xóa đói giảm nghèo ở địa phương.

Thanh Chi - Hoài Văn

Tags Yên Bái người uy tín già làng trưởng bản dân tộc ý Đảng - lòng dân

Các tin khác
Thừa ủy quyền của Bộ tư lệnh Quân khu 2 đồng chí Đỗ Việt Bách - Bí thư Thị ủy, Bí thư Đảng ủy quân sự thị xã Nghĩa Lộ trao Quyết định công nhận Ban CHQS thị xã Nghĩa Lộ là Đơn vị vững mạnh toàn diện “Mẫu mực tiêu biểu” và Huấn luyện giỏi”.

Xác định Phong trào Thi đua quyết thắng (TĐQT) là đòn bẩy để xây dựng lực lượng vũ trang (LLVT) lớn mạnh nên ngay từ những tháng đầu LLVT thị xã Nghĩa Lộ đã thống nhất chương trình huấn luyện, phát động đợt thi đua huấn luyện với mục tiêu thi đua là xây dựng các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan đơn vị vững mạnh toàn diện.

Người dân thị trấn Trạm Tấu, huyện Trạm Tấu giao nộp vũ khí tự chế tại cơ quan công an.

UBND huyện Trạm Tấu vừa ban hành văn bản yêu cầu thủ trưởng các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể huyện và các cơ quan, đơn vị có liên quan, chủ tịch UBND các xã, thị trấn nâng cao công tác quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ (VK, VLN, CCHT), góp phần đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn, đem lại cuộc sống bình yên, hạnh phúc cho nhân dân.

Chính phủ sẽ tôn vinh toàn diện và đầy đủ đối với người có công với cách mạng. Ảnh minh hoạ

Chính phủ vừa có Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 9/5/2024 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 42-NQ/TW ngày 24/11/2023, Hội nghị lần thứ tám Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới.

Nhân dân xã Phình Hồ, huyện Trạm Tấu chung sức làm đường liên thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới.

Nằm ở độ cao trên 1.000 mét so với mực nước biển, xã Phình Hồ, huyện Trạm Tấu là nơi sinh sống của 376 hộ dân, trong đó đồng bào Mông chiếm 99%.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục