Phạm Thị Nguyệt là sinh viên ngành Chăn nuôi thú y K30, Trường Cao đẳng Nghề Yên Bái. Với những kiến thức được học, Nguyệt đã có ý tưởng sản xuất và phối tinh nhân tạo lưu động cho lợn nhằm sản xuất ra loại tinh có chất lượng tốt để nhận phối tinh nhân tạo tại nhà cho những hộ dân, trang trại chưa có kỹ thuật rồi lâu dài sẽ phân phối số lượng lớn tinh đến các tỉnh, thành trên cả nước.
Nguyệt chia sẻ: "Nhóm chúng em có 3 người, đã hình thành và phát triển dự án này tại khu chăn nuôi gia đình của 1 thành viên trong nhóm ở xã Hưng Thịnh, huyện Trấn Yên. Nhờ đó, chúng em có một mô hình chuồng nuôi lợn đực giống rộng 2.500 m2 gồm chuồng nuôi và khu khai thác tinh dịch; có nơi pha chế, soi tinh trùng và bảo quản tinh dịch để áp dụng các kiến thức, quy trình đã học một cách bài bản để sản xuất tinh nhân tạo”.
Nhóm của Nguyệt đã có sản phẩm mẫu, dịch vụ được thử nghiệm và đạt hiệu quả cao. Mục tiêu trong năm đầu tiên của Nguyệt là hoàn thiện mô hình nuôi lợn đực giống với quy mô 10 con; tập trung nuôi dưỡng và chăm sóc lợn đực giống để mang lại chất lượng tinh dịch tốt nhất; nắm bắt thị trường; quảng bá, giới thiệu sản phẩm, nắm bắt các mối quan hệ để phát triển. Những năm tiếp theo sẽ xây dựng chính sách bảo hành, có dịch vụ thăm khám sau thụ tinh và sau đẻ...
Khác với Nguyệt tận dụng kiến thức được học vào khởi nghiệp, anh Sa Kim Cương ở xã Cát Thịnh, huyện Văn Chấn lại có ý tưởng chế biến sản phẩm măng sặt - sản phẩm có nguồn nguyên liệu dồi dào tại địa phương thành măng sặt ngâm giòn. Từ lâu, vào mỗi mùa măng sặt, người dân ở Cát Thịnh lại vào rừng hái măng bán trực tiếp cho thương lái hoặc mang ra chợ bán, giá trị kinh tế không cao, bị thương lái ép giá.
Xuất phát từ thực tế đó, anh Cương đã nghĩ đến việc chế biến sản phẩm măng sặt, vừa bảo quản được lâu vừa nâng cao giá trị sản phẩm, giải quyết được vấn đề tiêu thụ sản phẩm măng tại chỗ, tạo việc làm và thu nhập cho người dân.
Anh Cương chia sẻ: "Sản phẩm măng sặt ngâm giòn khác hẳn với các sản phẩm măng ngâm trên thị trường. Sản phẩm này có đủ vị ngọt, chua nhẹ, thơm của các hương liệu từ tự nhiên: hoa hồi, nguyệt quế, tiêu đỏ… chứ không chỉ có vị mặn, cay như măng ngâm thông thường. Chúng tôi cũng tiến hành khử độc cho măng bằng nhiệt trước khi ngâm. Hiện giờ, chúng tôi đã nghiên cứu chế tạo được sản phẩm. Sản phẩm được hút chân không, có nhãn mác và đang hoàn thiện các thủ tục để xin cấp giấy vệ sinh an toàn thực phẩm, phấn đấu đưa sản phẩm đạt tiêu chuẩn lên thị trường vào vụ măng tới”.
Rõ ràng, người trẻ trên địa bàn tỉnh hiện nay có những góc nhìn, ý tưởng thiết thực khi khởi nghiệp. Họ có thể áp dụng những kiến thức được học để khởi nghiệp. Họ tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có, dồi dào của địa phương hoặc tận dụng những thế mạnh của vùng, miền, quê hương để khởi nghiệp một cách sáng tạo, bài bản.
Đơn cử như Đặng Hương Giang - cô gái 28 tuổi nhưng đã đồng sáng lập 3 cơ sở ăn uống, thu hút đông đảo khách hàng ở thành phố Yên Bái. Để có được thành công này, Giang nhận định, trước hết là do sự tiên phong đi đầu, chọn những ý tưởng mới mẻ để đi vào thực hiện; tiếp theo là chọn đúng tệp khách hàng tiềm năng để đi sâu vào khai thác; thường xuyên đổi mới thực đơn, đón đầu các xu hướng để phục vụ chu đáo…
Hay ở các địa phương có thế mạnh về cảnh quan thiên nhiên, đặc biệt là 2 huyện vùng cao Trạm Tấu, Mù Cang Chải thì các bạn trẻ lại lựa chọn đi sâu vào khai thác các giá trị mà du lịch cộng đồng mang lại như: mở các homestay tập trung vào cảnh quan, cách bài trí, phục vụ chuyên nghiệp, biết ứng dụng mạng xã hội, các công ty lữ hành để quảng bá, kết nối; làm hướng dẫn viên du lịch, vận chuyển hành lý cho khách du lịch, sản xuất các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng phục vụ du lịch…
Trong cuộc đua khởi nghiệp, người trẻ sẽ phải đối mặt với muôn vàn thách thức nhưng với những lợi thế của mình, họ chắc chắn sẽ không ngại xông pha để từng bước hoàn thiện mục tiêu đặt ra, chứng minh sức trẻ trong việc xây dựng và phát triển kinh tế của bản thân, gia đình và xã hội.
Hoài Anh