Bộ trưởng Y tế cho biết chất lượng công tác quản trị, điều hành và phục vụ người bệnh tại một số cơ sở y tế còn chưa bảo đảm yêu cầu đặt ra, thậm chí có nơi còn có vi phạm; công nghiệp dược, công nghiệp sản xuất trang thiết bị y tế trong nước còn hạn chế; việc chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin chưa bảo đảm được yêu cầu; công tác đào tạo nhân lực ngành Y tế còn những vấn đề về việc bảo đảm chất lượng; một số dự án vẫn còn kéo dài. Trong khi đó yêu cầu nhiệm vụ đặt ra cho năm 2024 cũng như những năm tới đối với ngành Y tế là vẫn rất nặng nề.
Trong năm 2023, ngành y tế đã hoàn thành 3/3 chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu được Quốc hội giao, trong đó vượt chỉ tiêu được giao về số bác sĩ/vạn dân (12,5 bác sĩ), đạt chỉ tiêu về số giường bệnh/vạn dân (32 giường bệnh), đạt chỉ tiêu về tỷ lệ dân số tham gia BHYT (93,2%); cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu cụ thể ngành, lĩnh vực năm 2023 được Chính phủ giao (08/09 chỉ tiêu).
"Ngành y tế tập trung giải quyết các vướng mắc, triển khai các dự án xây dựng các cơ sở y tế đang xây dựng. Cùng với đó, khám, chữa bệnh từ xa, kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại ngày càng được đẩy mạnh ở các tuyến, cơ sở y tế”, Bộ trưởng Đào Hồng Lan nói.
Năm 2023, ngành y tế tiếp tục hoàn thiện cơ cấu tổ chức bộ máy bảo đảm tinh gọn, giảm đầu mối, hiệu lực, hiệu quả về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực được Chính phủ giao; triển khai nhiều giải pháp đồng bộ phát triển y tế cơ sở. Đồng thời, tập trung cho công tác chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách hành chính trong lĩnh vực y tế. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh gắn với chuyển đổi số (tính từ năm 2021 đến nay, Bộ Y tế xếp thứ 1 trong số 18 Bộ, ngành về cắt giảm thủ tục hành chính).
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đánh giá, trước nhiều khó khăn, ngành y vẫn đạt nhiều kết quả nổi bật trong năm 2023. Cụ thể, đã đạt và vượt 3/3 chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu được Quốc hội giao và 7/9 chỉ tiêu cụ thể về y tế. Hoạt động khám chữa bệnh thông thường cơ bản đáp ứng nhu cầu. Khám chữa bệnh từ xa, chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới tiếp tục được tăng cường. Đã kết nối liên thông giữa 63 Sở Y tế, 63 cơ quan Bảo hiểm xã hội, 99,5% cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên toàn quốc.
Bên cạnh đó, chất lượng dịch vụ y tế có mặt được nâng lên. Công tác hoàn thiện thể chế được chú trọng, đẩy mạnh, làm cơ sở, nền tảng quan trọng giải quyết những vướng mắc, bất cập của ngành y ở cả trước mắt và lâu dài. Bên cạnh đó, chất lượng dịch vụ y tế có mặt được nâng lên. Công tác hoàn thiện thể chế được chú trọng, đẩy mạnh, làm cơ sở, nền tảng quan trọng giải quyết những vướng mắc, bất cập của ngành y ở cả trước mắt và lâu dài.
Cụ thể, ngành y tế đã tham mưu trình Quốc hội ban hành Luật khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) và 2 Nghị quyết; Ban Bí thư ban hành 1 Chỉ thị; Chính phủ ban hành 5 Nghị định, 6 Nghị quyết; Thủ tướng Chính phủ ban hành 8 Quyết định. Bộ Y tế ban hành 34 Thông tư theo thẩm quyền.
Nhờ đó, ngành y tế đã cơ bản giải quyết tình trạng thiếu thuốc, vật tư, thiết bị y tế; bảo đảm vắc xin trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng; tháo "nút thắt” trong cơ chế thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế như: Bãi bỏ quy định về tổng mức thanh toán chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế; bổ sung đối tượng được hỗ trợ mức đóng bảo hiểm y tế; nâng mức hưởng từ 80% lên 100% chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế…
Về phương hướng, nhiệm vụ năm 2024 và thời gian tới, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách y tế. Trong đó tập trung xây dựng và ban hành các văn bản hướng dẫn Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). Hoàn thiện trình Quốc hội sửa đổi Luật Dược, Luật Bảo hiểm y tế.
Đổi mới cơ chế tài chính y tế; thực hiện lộ trình tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế. Hoàn thành xây dựng cơ chế tổ chức cung ứng, dự trữ, mua sắm đặc thù đối với các loại thuốc hiếm, thuốc điều trị bệnh hiếm.
Thứ hai, tiếp tục tập trung giải quyết tình trạng thiếu thuốc, vật tư, thiết bị y tế. Đáp ứng đầy đủ, kịp thời vắc xin, đảm bảo duy trì tỷ lệ tiêm đầy đủ các loại vắc xin trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng đạt trên 90%.
Thứ ba, tập trung kiểm soát hiệu quả các dịch bệnh. Tăng cường khả năng phân tích, dự báo và chủ động xây dựng các kịch bản ứng phó hiệu quả các tình huống dịch bệnh có thể xảy ra.
Nâng cao năng lực điều trị các bệnh không lây nhiễm, bệnh nghề nghiệp, tai nạn thương tích. Bảo đảm an toàn thực phẩm, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới.
Thứ tư, tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ y tế ở các tuyến. Đẩy mạnh triển khai đề án bệnh viện vệ tinh, bác sĩ gia đình, khám chữa bệnh từ xa, chỉ đạo tuyến, chuyển giao kỹ thuật. Nâng cao năng lực cung ứng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe thiết yếu cho người dân.
Mở rộng độ bao phủ bảo hiểm y tế tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân. Nghiên cứu điều chỉnh mức đóng bảo hiểm y tế phù hợp với lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ y tế, nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân và trình độ, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số.
Thứ năm, tiếp tục kiện toàn, sắp xếp cơ cấu tổ chức của các đơn vị theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Khẩn trương hoàn thành và triển khai quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó Bộ trưởng Bộ Y tế cần tập trung rà soát, sắp xếp đơn vị sự nghiệp công lập trong ngành y tế theo đúng chỉ đạo của Chính phủ. Tăng cường phân cấp, phân quyền gắn với phân bổ nguồn lực và tăng cường kiểm tra, giám sát, nâng cao năng lực thực thi của cấp dưới.
Thứ sáu, tiếp tục đầu tư, nâng cao năng lực hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở, y tế dự phòng. Quyết liệt triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 99/2023/QH15 của Quốc hội và Chỉ thị số 25-CT/TW ngày 25/10/2023 của Ban Bí thư Trung ương Đảng để nâng cao chất lượng hoạt động của y tế cơ sở.
Nâng cao hiệu quả huy động và sử dụng các nguồn lực đầu tư cho ngành y tế, nhất là phương thức đối tác công – tư, đẩy mạnh tự chủ tại các cơ sở y tế công lập và phát triển y tế tư nhân.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu, trong năm 2024 Bộ Y tế phải xử lý triệt để các vướng mắc, tồn tại, hoàn thiện việc mua sắm thiết bị, chuẩn bị nguồn nhân lực để đưa vào sử dụng 2 bệnh viện Việt Đức và Bạch Mai cơ sở 2 ở Hà Nam.
Đồng thời, xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi phù hợp cho các cơ sở y tế tiếp cận các nguồn vốn bao gồm vốn vay ưu đãi của Chính phủ, vay thương mại để đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị…
Nghiên cứu, đề xuất chính sách đãi ngộ phù hợp cho cán bộ y tế trong tổng thể cải cách tiền lương
Thứ bảy, chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực y tế gắn với đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Nghiên cứu, đề xuất chế độ, chính sách đãi ngộ phù hợp cho cán bộ y tế trong tổng thể cải cách chính sách tiền lương. Đồng thời, chú trọng thu hút, trọng dụng nhân lực trình độ cao, chuyên môn giỏi, gắn bó lâu dài.
Đặc biệt, từ 1/7/2024, sẽ thực hiện chính sách tiền lương mới theo Nghị quyết số 27-NQ/TW và nghị quyết của Quốc hội, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị Bộ Y tế phối hợp chặt chẽ với Bộ Nội vụ hoàn thành xây dựng vị trí việc làm, xét thăng hạng cho viên chức, xây dựng bảng lương mới cho ngành.
Thứ tám, đẩy mạnh thực hiện chiến lược quốc gia phát triển ngành dược Việt Nam, trong đó tập trung đầu tư phát triển sản xuất thuốc Generic, bảo đảm chất lượng, giá cả hợp lý, từng bước thay thế thuốc nhập khẩu.
Phát huy thế mạnh, tiềm năng sản xuất vắc xin và thuốc từ dược liệu. Thực hiện có hiệu quả Chương trình phát triển y dược cổ truyền; kết hợp y dược cổ truyền với y dược hiện đại.
Thứ chín, nghiên cứu, xây dựng khung chính sách tổng thể về dân số, góp phần kéo dài và tận dụng cơ hội thời kỳ dân số vàng. Trong đó, sơ kết 5 năm thực hiện Chiến lược phát triển Dân số Việt Nam gắn với xây dựng, ban hành Khung chính sách quốc gia thích ứng, giải quyết vấn đề già hóa dân số.
Thứ mười, tăng cường công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm. Đồng thời, làm tốt công tác thông tin tuyên truyền, nhất là truyền thông chính sách nhằm tạo đồng thuận xã hội.
(Theo TPO)