Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết: Chỉ trong 2 tuần qua, đã có 2 bệnh nhân ở Vĩnh Phúc và Thái Nguyên xác định dương tính với virus cúm gia cầm. Đây là những ca đầu tiên sau 17 tháng cả nước không có bệnh nhân cúm gia cầm trên người. Trước khi nhập viện điều trị, cả 2 trường hợp này đều tham gia giết mổ, ăn thịt gia cầm. Cục Y tế dự phòng nhận định: Dịch cúm H5N1 trên gia cầm đang diễn biến phức tạp, làm gia tăng nguy cơ xuất hiện cúm H5N1 trên người. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vẫn tiếp tục cảnh báo nguy cơ xuất hiện đại dịch cúm toàn cầu nếu virus H5N1 biến đổi, tái tổ hợp thành chủng virus mới có khả năng lây lan từ người sang người.
Theo báo cáo của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn Yên Bái thì đến nay trên địa bàn tỉnh chưa xảy ra ổ dịch nào. Tuy nhiên, trước tình hình chăn nuôi và tiêu thụ gia cầm như hiện nay, dịch có thể xuất hiện bất cứ lúc nào. Trên địa bàn các chợ của thành phố Yên Bái, Trấn Yên, Yên Bình, Lục Yên đã có nhiều điểm buôn bán, giết mổ gia cầm mà không hề qua kiểm dịch. Tình trạng chăn nuôi trong các trang trại, hộ chăn nuôi gia đình đã dần hồi sinh sau mùa dịch 2005, tổng đàn gia cầm đã lên trên 3 triệu con.
Chăn nuôi gia cầm trong các hộ gia đình cần cảnh giác trước dịch cúm H5N1 đang tái phát.( Ảnh: L.C) |
Quan điểm chỉ đạo của tỉnh đối với dịch cúm gia cầm và đại dịch cúm ở người là không chủ quan lơ là, liên tục thực hiện các biện pháp phòng chống hiệu quả. Nhưng có một thực tế là từ sau tết Nguyên đán đến nay, tình trạng buôn bán giết mổ gia cầm diễn ra khá thoải mái, nhất là tại các điểm chợ trong khu vực thành phố Yên Bái. Các cơ quan chức năng hầu như không kiểm soát được, người dân thờ ơ, chủ quan với đại dịch. Để thực tế hơn, nhóm phóng viên chúng tôi đã “mục sở thị” tại điểm chợ Km 6 - phường Yên Thịnh. Cảnh tượng buôn bán gia cầm nhộn nhịp, người mua kẻ bán cứ tay trần bắt, giết gia cầm sống thoải mái. Tiếng mời chào: “Gia cầm sạch đấy”, “Gà quê, gà “mò”, anh chị mua đi”, “Yên tâm đi, có mổ không chị mổ luôn cho nhé!”... luôn được phát ra từ miệng các bà, các cô buôn gà, vịt. Tại những điểm gia cầm đã giết mổ cũng dễ dàng nhận ra chỉ có một số ít gia cầm là có dấu kiểm dịch của cơ quan thú y, còn lại không có dấu má gì ! Tình trạng này không riêng ở chợ Km6 Yên Thịnh, mà chợ Đồng Tâm Km4, chợ ga Yên Bái, cảnh tượng cũng tương tự.
Trên các tuyến đường, những bu gà, ngan, vịt vẫn cứ rong ruổi mọi ngõ ngách, phố phường mà chẳng hề ai kiểm soát. Ai có thể dám chắc những bu gà, ngan, vịt kia không có mầm bệnh và có thì đó chẳng phải là cách phát tán dịch bệnh nhanh nhất hay sao? Trên các tuyến giao thông ra vào địa bàn tỉnh, các trạm kiểm dịch vẫn còn đó, song gần như không hoạt động. Trong khi đó, ngành thú y vẫn cần mẫn triển khai tiêm vắc xin cho gia cầm tại các địa phương, khử trùng tiêu độc chuồng trại, nơi chăn nuôi, nơi buôn bán giết mổ gia cầm.
Để công tác phòng chống, hạn chế tối đa dịch bệnh bùng phát, thiết nghĩ, ngành nông nghiệp và các ngành liên quan hãy khẩn trương vào cuộc, ổn định thị trường buôn bán gia cầm, không thể buông lỏng quản lý nhà nước trong lĩnh vực này; xử lý thật nghiêm những người không chấp hành, cố tình vi phạm quy định về phòng chống dịch bệnh. Mỗi người dân hãy ý thức hơn trong việc buôn bán, tiêu thụ gia cầm; chỉ buôn bán, giết mổ, sử dụng gia cầm có nguồn gốc rõ ràng và đã qua kiểm dịch. Các hộ chăn nuôi khi thấy gia cầm có biểu hiện chết cần báo ngay cho cơ quan có thẩm quyền để tiến hành xét nghiệm, tiêu hủy, khử trùng tiêu độc, khoanh vùng dập dịch; tuyệt đối không sử dụng gia cầm đã chết, mắc bệnh. Nếu chúng ta không làm tốt công tác này thì việc phun thuốc khử trùng tiêu độc, tiêm vác xin đã tốn kém hàng tỷ đồng vừa qua cũng vô tác dụng và nguy cơ bùng phát dịch trên địa bàn là điều khó tránh khỏi! Hãy chủ động phòng chống dịch cúm gia cầm và cúm H5N1 ở người ngay từ bây giờ !
Thanh Phúc
Ý kiến bạn đọc
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu