Chính sách về quản lý thông tin thuê bao là 1 trong 6 nhóm chính sách lớn thuộc dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Viễn thông (Nghị định) đang được Bộ Thông tin- Truyền thông (TT&TT) lấy ý kiến nhân dân.
Người dùng di động có thể đăng ký thuê bao online
Thông tin thuê bao sử dụng dịch vụ viễn thông di động mặt đất bao gồm họ và tên, địa chỉ trên giấy tờ tùy thân, số thuê bao và một số thông tin riêng tư khác mà người sử dụng cung cấp khi giao kết hợp đồng với nhà mạng.
Theo dự thảo Nghị định, việc đăng ký thông tin thuê bao sẽ được thực hiện theo các hình thức trực tiếp tại điểm do doanh nghiệp viễn thông thiết lập, trực tiếp tại điểm có địa chỉ xác định do doanh nghiệp khác thiết lập, được doanh nghiệp viễn thông ký hợp đồng ủy quyền để thực hiện việc đăng ký thông tin thuê bao.
Đáng chú ý, trong dự thảo còn có quy định về hình thức đăng ký thông tin thuê bao thông qua các ứng dụng/website của doanh nghiệp viễn thông.
Đây được xếp vào loại hình thức đăng ký trực tuyến thông qua sử dụng phần mềm, ứng dụng do chính doanh nghiệp sở hữu, thống nhất.
Khi đăng ký thông tin số thuê bao, tổ chức, cá nhân sẽ phải xuất trình bản gốc, bản sao được chứng thực từ bản gốc, bản điện tử/thông điệp dữ liệu có giá trị như bản gốc giấy tờ tùy thân (bao gồm thẻ căn cước và các giấy tờ có giá trị tương đương) còn thời hạn sử dụng.
Người có quốc tịch nước ngoài sẽ phải xuất trình hộ chiếu còn thời hạn sử dụng ở Việt Nam (theo thị thực nhập cảnh hoặc theo thời hạn lưu trú tối đa với các nước được miễn thị thực).
Đối với người chưa đủ tuổi thành niên, chưa có thẻ căn cước, việc đăng ký thông tin phải do cha, mẹ hoặc người giám hộ thực hiện. Trong đó, ngoài giấy tờ xuất trình theo quy định, cha, mẹ hoặc người giám hộ có trách nhiệm xuất trình giấy tờ chứng minh quan hệ.
Dự thảo Nghị định cũng quy định rõ, với mỗi mạng viễn thông, đối với 3 số thuê bao đầu tiên, cá nhân, tổ chức xuất trình giấy tờ và ký vào bản giấy hoặc bản điện tử bản xác nhận thông tin thuê bao.
Đối với số thuê bao thứ 4 trở lên, sẽ phải thực hiện giao kết hợp đồng theo mẫu với doanh nghiệp viễn thông di động tại điểm có địa chỉ xác định do doanh nghiệp viễn thông thiết lập.
Ngừng cung cấp dịch vụ nếu thông tin thuê bao không chính xác
Sau khi nhận giấy tờ đăng ký thông tin thuê bao, doanh nghiệp viễn thông sẽ có trách nhiệm đối chiếu, kiểm tra và thực hiện các biện pháp xác thực thông tin thuê bao theo quy định của Bộ TT&TT.
Doanh nghiệp viễn thông có trách nhiệm bảo đảm các điểm đăng ký thông tin thuê bao tuân thủ đầy đủ các quy định về xác thực, lưu giữ thông tin thuê bao; hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc thông tin thuê bao được đối chiếu, nhập, lưu giữ, quản lý tại các điểm đăng ký.
Thông tin thuê bao di động mặt đất chỉ được sử dụng cho mục đích phục vụ công tác bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, phục vụ công tác quản lý nhà nước về viễn thông, phục vụ hoạt động quản lý nghiệp vụ, khai thác mạng và cung cấp dịch vụ của các doanh nghiệp viễn thông.
Thuê bao viễn thông sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc sử dụng số thuê bao và các giấy tờ dùng để giao kết hợp đồng.
Khi rà soát, phát hiện thuê bao có thông tin thuê bao không đúng quy định, doanh nghiệp sẽ phải xử lý theo quy định, bao gồm cả việc thanh lý hợp đồng, chấm dứt cung cấp dịch vụ nếu các thuê bao không thực hiện lại việc đăng ký thông tin.
Với các số thuê bao đã bị thanh lý hợp đồng, chấm dứt cung cấp dịch vụ viễn thông theo quy định, doanh nghiệp viễn thông có quyền cung cấp cho các cá nhân, tổ chức khác có nhu cầu.
Luật Viễn thông đã được Quốc hội khóa 15 thông qua tại kỳ họp thứ 6 năm 2023 và sẽ có hiệu lực từ 1/7/2024. Riêng các quy định về quản lý dịch vụ trung tâm dữ liệu, dịch vụ điện toán đám mây, dịch vụ viễn thông cơ bản trên Internet sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2025.
(Theo Vietnamnet)