Tổng giám đốc sữa Hà Lan bị bắt, thương hiệu sữa Cô Gái Hà Lan lên tiếng

  • Cập nhật: Thứ tư, 4/9/2024 | 2:38:41 PM

Trước vụ việc Tổng giám đốc Công ty cổ phần (CP) Sữa Hà Lan Nguyễn Trung Vương bị bắt vì sản xuất hàng giả, thương hiệu sữa Cô Gái Hà Lan đã lên tiếng vì cho rằng có sự nhầm lẫn bởi có chung tên "Hà Lan".

Một số sản phẩm sữa tại kho hàng của Công ty CP sữa Hà Lan tại TP Chí Linh, tỉnh Hải Dương bị thu giữ. Nguồn: Bộ Công an
Một số sản phẩm sữa tại kho hàng của Công ty CP sữa Hà Lan tại TP Chí Linh, tỉnh Hải Dương bị thu giữ. Nguồn: Bộ Công an

Bộ Công an ngày 30/8 cho hay, ông Nguyễn Trung Vương, Tổng giám đốc Công ty CP sữa Hà Lan, đã bị khởi tố, bắt tạm giam để điều tra về tội "Sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm”.

Trước đó, cuối năm 2022, Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường, Bộ Công an đã khởi tố vụ án hình sự về "Sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm” xảy ra tại Công ty CP sữa Hà Lan (địa chỉ tại 335 Trần Cung, Bắc Từ Liêm, Hà Nội) và các chi nhánh, kho hàng trực thuộc.

Theo cơ quan điều tra, ông Vương có trình độ đại học về dược và đã được tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm. Ông nhận thức rõ việc sản xuất, kinh doanh sản phẩm thực phẩm kém chất lượng, chỉ tiêu chất lượng đạt dưới 70% so với mức công bố và ghi nhãn, sản phẩm không có tính năng, tác dụng, công dụng như hồ sơ công bố được cơ quan thẩm quyền xác nhận có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng và vi phạm pháp luật.

Nhưng vì lợi nhuận, ông vẫn chỉ đạo thực hiện hành vi phạm tội.

Kết quả điều tra cho thấy, ông Vương đã chỉ đạo trực tiếp nhân viên trong mọi khâu sản xuất và lưu thông sản phẩm. Việc điều hành công việc sản xuất chủ yếu được thực hiện từ xa, thông qua mạng máy tính, Zalo theo nhóm giữa tổng giám đốc và các nhân viên.

Lực lượng chức năng đã kiểm tra, thu 67 mẫu sản phẩm thành phẩm (tương đương 33 loại sản phẩm của 8 công ty có sản phẩm được sản xuất tại Nhà máy Holland Milk); gửi giám định 66/67 lô sản phẩm có chỉ tiêu chất lượng chủ yếu đạt dưới 70%, với số lượng 29.400 lon/hộp, giá trị theo hóa đơn xuất bán là hơn 4,1 tỷ đồng.

Đoàn kiểm tra đã tiến hành tạm giữ 25.667 hộp sản phẩm phục vụ công tác xử lý; 2.011 hộp đã bán ra thị trường với trị giá khoảng 320 triệu đồng hiện vẫn chưa thu hồi được.

Công ty CP Sữa Hà Lan thành lập ngày 25/5/2016, người đại diện pháp luật là ông Nguyễn Trung Vương (SN 1983) - kiêm tổng giám đốc. Ngành nghề kinh doanh chính là chế biến sữa và các sản phẩm từ sữa. Vốn điều lệ ban đầu là 6 tỷ đồng.

Theo giới thiệu, công ty đã được chứng nhận GMP, ISO về chất lượng sản phẩm. Sữa Hà Lan có trên 300 sản phẩm, được chia thành hai dòng sữa chính: sữa bò và sữa dê. Các sản phẩm này phù hợp với mọi đối tượng sử dụng từ trẻ sơ sinh đến người già, bà bầu,...

Đặc biệt, công ty này còn có những sản phẩm sữa chuyên biệt dành cho những người có bệnh lý về: dạ dày, tá tràng, những người bị đau xương khớp, tiểu đường, tiền tiểu đường, người biếng ăn, tiêu hóa kém, người cần bổ sung dinh dưỡng...

Các sản phẩm do Công ty CP sữa Hà Lan sản xuất và bán ra thị trường thời gian qua có thành phần chính là sữa có bổ sung vitamin và khoáng chất nên được gọi là sản phẩm dinh dưỡng.

Theo quảng cáo, tất cả sản phẩm của công ty đều được nghiên cứu, phát triển bởi các chuyên gia dinh dưỡng hàng đầu đến từ Hà Lan, cung cấp cho người Việt các sản phẩm sữa dinh dưỡng đạt tiêu chuẩn quốc tế.

Trên Tạp chí Thương trường, ông Nguyễn Trung Vương từng chia sẻ về mối nhân duyên khi thành lập Công ty Sữa Hà Lan: "Năm 2016, xuất phát từ tâm nguyện muốn cải thiện thể trạng sức khỏe cho 3 người con của mình (khi đó các con tôi còi cọc, thường xuyên đau ốm), tôi đã bàn với vợ nghỉ việc ở công ty dược để chuyển sang nghiên cứu sản xuất các dòng sữa bột dành cho trẻ em và các dòng sữa khác để phục vụ cho sức khỏe người Việt Nam. Quyết định của tôi được vợ nhiệt tình ủng hộ và hậu thuẫn”.

Sau khi tổng giám đốc Công ty CP sữa Hà Lan bị bắt, trên báo Tuổi Trẻ, đại diện thương hiệu sữa Cô Gái Hà Lan của Công ty FrieslandCampina Việt Nam (thuộc Tập đoàn Royal FrieslandCampina Hà Lan) đã lên tiếng về những hoài nghi của người tiêu dùng. Theo vị này, ở đây có sự nhầm lẫn, ảnh hưởng đến thương hiệu sữa Cô Gái Hà Lan.

"Công ty vi phạm có tên chung "Hà Lan", khiến nhiều người nhầm tưởng. Thực ra, đây là hai công ty tách bạch. Đặc biệt, thương hiệu sữa Cô Gái Hà Lan là sữa nước, còn Công ty CP sữa Hà Lan sản xuất, buôn bán sữa giả là dạng sữa bột", đại diện FrieslandCampina Việt Nam cho hay.

(Theo Vietnamnet)

Các tin khác
Cán bộ, công chức xã Hòa Cuông thường xuyên xuống thăm hỏi, động viên hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số được hỗ trợ làm nhà ở.

Huyện Trấn Yên có trên 84.000 nghìn người, với 6 dân tộc cùng sinh sống, trong đó có gần 40% là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Thời gian qua, huyện đã triển khai nhiều giải pháp thiết thực giúp đồng bào DTTS, miền núi ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo.

Các đại biểu tham dự Hội nghị tập huấn quy trình rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2024

UBND huyện Mù Cang Chải vừa tổ chức Hội nghị tập huấn quy trình rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2024 cho 167 đại biểu là lãnh đạo các xã, thị trấn và các trưởng bản, bí thư chi bộ các xã trên địa bàn huyện.

Đường thôn Quyết thắng 2, xã Cảm Nhân, huyện Yên Bình được Dự án hỗ trợ bê tông hóa.

Dự án “Cải thiện điều kiện sống của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), giai đoạn 3” do Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Yên Bái phối hợp với Tổ chức Bánh mì cho Thế giới triển khai tại 7 thôn của 2 xã thuộc huyện Văn Chấn và huyện Yên Bình đã thí điểm thành công việc xây dựng cơ sở hạ tầng các thôn bản dựa vào cộng đồng và tiềm năng sẵn có.

Lãnh đạo Phòng Tư pháp thị xã Nghĩa Lộ triển khai kế hoạch tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật ở cơ sở.

Phòng Tư pháp thị xã Nghĩa Lộ đã có nhiều đổi mới trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL); xây dựng và thi hành pháp luật; kiểm tra, xử lý văn bản pháp luật; kiểm soát thủ tục hành chính…, góp phần làm chuyển biến nhận thức, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ và nhân dân.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục