Trong những ngày bị ảnh hưởng hoàn lưu cơn bão số 3 và thủy điện Thác Bà xả lũ vừa qua, Huyện ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Yên Bình đã đón nhận nhiều hàng hóa, lương thực, thực phẩm cứu trợ từ các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm, tổ chức từ thiện nhân đạo trên cả nước.
Tính đến sáng ngày 12/9, huyện đã tiếp nhận được 50 tấn hàng hóa, lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm, thuốc tây, áo phao, áo mưa, đèn pin... của các nhà tài trợ như: Hội Hỗ trợ gia đình liệt sỹ tỉnh Yên Bái; Đoàn Khu đô thị ECOPARK Hà Nội, Đoàn cứu trợ thành phố Việt Trì (Phú Thọ), Nhóm tình nguyện của huyện Thạch Thất (Hà Nội), Công ty TNHH Nasaki Việt Nam và một số đơn vị tài trợ do Công ty vận động; Công ty TNHH một thành viên Món quà phước lành Omtara…
Những chuyến hàng cứu trợ của các đơn vị đã được huyện tiếp nhận theo đầu mối UBND huyện và Ủy ban MTTQ huyện. Tiếp đó, huyện đã phân bổ để các cơ quan, đoàn thể chính trị tổ chức thành nhiều đội, nhóm vận chuyển hàng hóa bằng xuồng, ca nô trên hồ Thác Bà hoặc đường bộ để viện trợ kịp thời cho người dân trong vùng lũ, vùng bị cô lập, khu vực bị sạt lở đất ở các xã: Đại Đồng, Tân Hương, Phú Thịnh, Đại Minh, Hán Đà, Yên Bình, Vĩnh Kiên, thị trấn Thác Bà, thị trấn Yên Bình…
Cùng với đó, các tổ chức chính trị - xã hội tại các xã, thị trấn cũng đã huy động sức mạnh đoàn kết xóm làng, huy động người ít bị ảnh hưởng mưa lũ tham gia nấu nhiều suất cơm, phần thức ăn hỗ trợ lực lượng tham gia phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn và người dân bị ảnh hưởng nặng nề bởi mưa lũ.
Hiện nay, huyện Yên Bình đang tập trung thực hiện khắc phục hậu quả cơn bão số 3 và ứng phó thủy điện Thác Bà xả lũ; tập trung đảm bảo công tác cung cấp nhu yếu phẩm, đảm bảo nơi cư trú an toàn cho trên 3.900 người dân; duy trì chế độ trực,bảo đảm công tác phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn toàn huyện với trên 4.400 người. Tiếp tục tập trung chỉ đạo, hỗ trợ nhân lực, phương tiện khắc phục hậu quả cho các hộ bị ngập úng với phương châm "nước rút đến đâu vệ sinh đến đấy”, chủ động công tác khử trùng tiêu độc, kê lại vật dụng để sớm trở lại sinh hoạt bình thường và tăng cường công tác rà soát, cảnh báo, di dời các hộ dân ra khỏi khu vực nguy cơ sạt lở đất.
Đối với các hộ gia đình bị sạt lở đất đá chưa ảnh hưởng lớn đến nhà ở sẽ được bố trí lực lượng để hỗ trợ san gạt, vận chuyển đất bị sạt đảm bảo an toàn. Đối với những hộ bị hư hỏng nhà cửa có thể khắc phục sẽ huy động xã hội hóa và hỗ trợ nhân công, vật liệu để sửa chữa nhà cửa. Đối với những hộ bị sập đổ nhà cửa sẽ xem xét lồng ghép các nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước, xã hội hóa và nguồn vốn tự có của gia đình để sớm xây dựng lại trong thời gian gần nhất.
Huyện cũng đang tích cực bố trí phương tiện chuyên dụng để san gạt đất đá vùi lấp ở các tuyến đường và các vị trí bị sạt lở đảm bảo giao thông; phối hợp với Điện lực Yên Bình khẩn trương sửa chữa các trạm biến thế, cột điện, đường dây bị hư hỏng để cung cấp điện sớm nhất cho nhân dân; khẩn trương khắc phục sản xuất nông nghiệp như: vệ sinh tiêu độc khử trùng chuồng trại chăn nuôi, buộc dựng lúa ngô bị đổ để chăm sóc và thu hoạch. Đồng thời phối hợp với Công ty TNHH Tân Phú khẩn trương sửa chữa các công trình thủy lợi bị hư hỏng, nạo vét kênh mương để phục vụ sản xuất.
Đối với các công trình phúc lợi bị hư hỏng, huyện ưu tiên nguồn lực để sửa chữa khắc phục các trường học, đồng thời vệ sinh tiêu độc khử trùng lớp học, bàn ghế... đảm bảo điều kiện giảng dạy để đón học sinh trở lại trường vào ngày 14/9.
Kết thúc đợt mưa bão, UBND huyện sẽ thành lập các đoàn kiểm tra, xác định thiệt hại đảm bảo chính xác, khách quan làm cơ sở tổng hợp báo cáo UBND tỉnh và các sở, ngành có liên quan xem xét hỗ trợ theo quy định của Nhà nước. Đồng thời huyện bố trí lồng ghép các nguồn vốn để sửa chữa khắc phục các công trình thiết yếu, ưu tiên các xã bị thiệt hại nặng để sớm khắc phục hậu quả.
Hoài Văn