Dòng họ Mai tại xã Phong Dụ Thượng có 151 hộ, 678 nhân khẩu, trong đó có 5 người đã từng tham gia cách mạng qua các thời kỳ; 15 người tham gia công tác xã hội; 79 người là đảng viên và 8 người có uy tín trong dòng họ.
Ông Mai Quốc Ngữ - Trưởng dòng họ Mai, xã Phong Dụ Thượng cho biết: "Dòng họ Mai sinh sống tập trung dọc theo dòng suối Hút của vùng Phong Dụ từ lâu đời bằng nghề sản xuất nông nghiệp như: trồng lúa, ngô, chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng quế... Ngoài ra, một số thành viên trong độ tuổi lao động của các gia đình còn đi làm thuê tại các công ty, doanh nghiệp ở các tỉnh, thành phố lớn trong cả nước với mức lương từ 7-10 triệu đồng/tháng. Nhờ đó, nhiều hộ đã tích lũy xây nhà khang trang, kiên cố, không có nhà tranh tre, vách nứa”.
Trên thực tế, qua quá trình hình thành và phát triển, các thế hệ con, cháu thuộc dòng họ Mai luôn chấp hành và tin tưởng tuyệt đối vào chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước và các quy định của địa phương; không tranh chấp, khiếu kiện, không nghe lời kẻ xấu lôi kéo, kích động… Hiện nay, các hộ gia đình trong dòng họ Mai đang từng bước cải thiện đời sống, kinh tế, xã hội, nhu cầu đầu tư cho con cháu đi học ngày càng gia tăng. Đồng thời, luôn phát huy bản sắc dân tộc và dòng họ của mình, không nghe theo kẻ xấu lợi dụng để nói xấu Đảng và Nhà nước, luôn đoàn kết phấn đấu tăng gia sản xuất, xóa đói giảm nghèo…
Tiêu biểu như các hộ gia đình: ông Mai Quốc Ngữ, ông Mai Xuân Liến, ông Mai Tiến Dũng… có từ 5 - 10 ha quế, thu nhập trên 100 triệu đồng/năm, giúp đời sống ngày càng được cải thiện, trở thành những hộ giàu, khá giả tại địa phương. Tuy nhiên, những năm trở lại đây, cùng với xã hội phát triển, đời sống kinh tế của người dân ngày càng được nâng cao, một bộ phận con, cháu do nhận thức chưa đầy đủ dẫn đến xuất cảnh trái phép sang lao động nước ngoài; một số hủ tục vẫn tồn tại, dẫn đến việc phát triển kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo trong dòng họ còn cao, tình hình vi phạm pháp luật của một số thành viên vẫn còn xảy ra. Đặc biệt, việc giữ gìn an ninh trật tự (ANTT) và xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư ở một số chi của dòng họ chưa được thực hiện tốt; tình trạng tảo hôn, sinh con thứ 3 còn tái diễn; vẫn còn thành viên vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ và phát triển rừng…
Để xây dựng dòng họ Mai vững mạnh, ngày càng phát triển và văn minh, dòng họ đã bàn bạc, thống nhất ra mắt dòng họ tự quản về ANTT và xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư nhằm từng bước khắc phục những hạn chế, tồn tại còn ảnh hưởng đến sự phát triển chung của dòng họ.
Ông Lương Xuân Thu - Chủ tịch UBND xã Phong Dụ Thượng cho biết: "Dòng họ Mai tự quản về ANTT tại xã Phong Dụ Thượng hoạt động trên tinh thần tự nguyện, tự giác, trên cơ sở nội quy, quy chế của dòng họ đã được thảo luận và thông qua. Trong đó, trưởng họ, phó trưởng họ có trách nhiệm cao nhất trước dòng họ, duy trì điều hành công việc, giải quyết các công việc nội bộ khi có sự việc xảy ra và xử lý nghiêm các thành viên vi phạm quy chế…”.
Song song với đó, mỗi thành viên trong dòng họ, không phân biệt già, trẻ, gái, trai, có ý thức xây dựng tình đoàn kết giúp đỡ nhau theo khả năng của mình; giữ gìn gia phong, truyền thống, không làm tổn hại đến thanh danh của dòng họ; chăm chỉ học hành, rèn luyện sức khỏe, trau dồi nghề nghiệp, phát triển kinh tế gia đình, góp phần xóa đói giảm nghèo; không có các hành vi vi phạm pháp luật và mắc các tệ nạn xã hội; thờ cúng ông bà tổ tiên theo truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam…
Có thể khẳng định, mô hình Dòng họ Mai tự quản về ANTT, xây dựng đời sống văn hóa trong cộng đồng dân cư là mô hình nổi bật cùng với các mô hình khác ở địa phương có những đóng góp thiết thực trong công tác đảm bảo ANTT và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.
Trần Ngọc