Cô giáo Bùi Thị Trang - giáo viên môn Lịch sử, Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú Trung học cơ sở Trạm Tấu là một điển hình tiêu biểu. Với tinh thần trách nhiệm cao, cô không ngừng đổi mới phương pháp dạy học, giúp học sinh thêm yêu thích môn học vốn được xem là khô khan. Nhiều học sinh của cô đã đạt thành tích cao trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh. Không chỉ giảng bài, cô còn lồng ghép nội dung giáo dục đạo đức, lối sống và lòng yêu nước vào mỗi tiết học, giúp học sinh hình thành nhân cách và niềm tự hào dân tộc.
Tấm gương thầy, cô vượt khó vì học sinh cũng được thể hiện rõ nét qua câu chuyện của cô giáo Lương Thị Chài - Trường Mầm non Họa Mi, xã Bản Mù. Cô Chài được các phụ huynh và học sinh yêu quý như "người mẹ thứ hai”. Cô không chỉ trực tiếp đứng lớp mà còn đến tận nhà để vận động học sinh ra lớp, hỗ trợ các em có hoàn cảnh khó khăn. Những lần lội suối, đội mưa, soi đèn pin vào bản xa đã trở thành quen thuộc trong hành trình "gieo chữ” của cô. Chính sự tận tụy ấy đã góp phần nâng cao tỷ lệ chuyên cần và chất lượng giáo dục của nhà trường.
Cùng với những cô giáo tận tâm, những thầy giáo trẻ ở Trạm Tấu cũng từng ngày góp sức vì sự nghiệp "trồng người”. Thầy giáo Hoàng Văn On - giáo viên Trường THPT Trạm Tấu, Bí thư Đoàn Trường là một tấm gương sáng tạo, năng động. Thầy On đã xây dựng, tổ chức nhiều hoạt động trải nghiệm cho học sinh, tiêu biểu như mô hình "Tổ chức hoạt động trải nghiệm sáng tạo thực tế qua môn Địa lý lớp 12”, giúp học sinh gắn lý thuyết với thực tiễn, phát triển kỹ năng tư duy và trách nhiệm với cộng đồng.
Năm 2023, thầy giáo Hoàng Văn On vinh dự nhận Giải thưởng Lý Tự Trọng - phần thưởng cao quý dành cho cán bộ Đoàn tiêu biểu toàn quốc. Tiếp nối những người trẻ chọn vùng cao làm nơi cống hiến, có thầy giáo Phạm Quang Sơn, sinh năm 1997, hiện công tác tại Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học & Trung học cơ sở Tà Xi Láng - xã xa và khó khăn bậc nhất của huyện.
Chấp nhận rời bỏ thành phố, thầy Sơn lên vùng cao, vượt qua rào cản ngôn ngữ, văn hóa và điều kiện sinh hoạt để hòa nhập với học sinh và người dân địa phương. Không dừng lại ở công việc giảng dạy, thầy còn truyền cảm hứng nghiên cứu khoa học cho học sinh khi cùng các em thực hiện Dự án "Chế tạo thảo dược từ lá cây đào” đã đạt giải cấp tỉnh và mở ra hướng tiếp cận tri thức mới mẻ, gần gũi với thiên nhiên bản địa.
Không chỉ có những cá nhân tiêu biểu, tinh thần cống hiến thầm lặng còn lan tỏa trong toàn hệ thống giáo dục Trạm Tấu. Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học & Trung học cơ sở Làng Nhì, xã Làng Nhì có hơn 500 học sinh dân tộc Mông. Ở đây, các thầy cô đã và đang kiến tạo một môi trường giáo dục thân thiện, lấy học sinh làm trung tâm. Với khẩu hiệu "Tất cả vì học sinh thân yêu”, nhà trường quan tâm toàn diện cả học tập lẫn đời sống, giúp học sinh yên tâm học tập dù còn nhiều thiếu thốn.
Từ cách làm thực tế, thiết thực và gần gũi, các nhà trường đã tích cực triển khai việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Như tại Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học & Trung học cơ sở Khấu Ly, xã Bản Mù, việc học và làm theo Bác được cụ thể hóa bằng những hành động nhỏ hàng ngày: đi học đúng giờ, giữ vệ sinh lớp học, tiết kiệm điện và nước, hỗ trợ học sinh khó khăn… Những hành động cụ thể, thiết thực ấy mang sức lan tỏa lớn, tạo nền tảng xây dựng văn hóa học đường và nâng cao chất lượng giáo dục.
Phong trào học và làm theo Bác tại Trạm Tấu đã thực sự trở thành động lực mạnh mẽ để mỗi thầy, cô giáo không ngừng nỗ lực, vượt qua thử thách, hoàn thành tốt nhiệm vụ. Mỗi câu chuyện, mỗi gương mặt đều là minh chứng cho tinh thần "Tất cả vì học sinh thân yêu”, cho lý tưởng cao đẹp của nghề giáo.
Bà Nguyễn Thị Hà - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Trạm Tấu tự hào: "Các thầy, cô giáo không chỉ là người truyền đạt kiến thức mà còn gieo mầm ước mơ, nuôi dưỡng khát vọng cho học trò vùng cao. Họ đang học và làm theo Bác bằng hành động thiết thực với trái tim nhiệt huyết, tinh thần bền bỉ vì sự nghiệp "trồng người”.
Hồng Oanh