Bố trí nhà ở công vụ cho cán bộ sau sáp nhập phải công bằng, tránh biến tướng

Để bảo đảm sự công bằng, tiết kiệm, tránh lãng phí, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh cho biết, cần tiến hành quản lý chặt chẽ nhà công vụ, hỗ trợ đúng người, đúng đối tượng và đúng chính sách, tránh sự biến tướng.
Việc sáp nhập các đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã và kết thúc hoạt động của cấp huyện đang được triển khai quyết liệt tại các địa phương. Khi sáp nhập, trụ sở trung tâm hành chính sẽ có sự thay đổi. Điều đó đồng nghĩa với việc sẽ có không ít cán bộ, công chức, viên chức sẽ thay đổi địa điểm làm việc, gặp khó khăn khi có nhà xa trung tâm hành chính mới.
Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ, công chức, viên chức ổn định điều kiện làm việc tại đơn vị hành chính sau sắp xếp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 76 về việc sắp xếp đơn vị hành chính năm 2025, trong đó nêu rõ: Chính quyền địa phương cấp tỉnh nơi dự kiến bố trí trung tâm chính trị - hành chính của đơn vị hành chính cấp tỉnh quan tâm bố trí nhà ở công vụ, phương tiện phục vụ công tác và nhu cầu đi lại cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.
Theo ông Nguyễn Tiến Dĩnh – nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, khi sáp nhập, hợp nhất các đơn vị hành chính cấp tỉnh, trụ sở trung tâm hành chính của tỉnh sẽ có sự thay đổi. Khi trung tâm hành chính tỉnh đặt tại một địa phương, đối với địa phương còn lại, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan của tỉnh đó sẽ phải di chuyển xa hơn để đến nơi làm việc mới. Do vậy, việc bố trí nhà ở công vụ, phương tiện phục vụ công tác, đi lại cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động là hết sức cần thiết, giúp họ bảo đảm sức khỏe, yên tâm công tác tại trụ sở mới sau khi sáp nhập.
Tuy nhiên, ông Dĩnh cho rằng, không nên áp dụng một cách cứng nhắc mà tùy vào điều kiện của từng địa phương khác nhau để thực hiện các chế độ, chính sách khác nhau. Với những tỉnh sau sáp nhập có trụ sở trung tâm hành chính không quá xa thì có thể tổ chức các tuyến xe đưa đón. Nếu khoảng cách xa hơn thì có thể hỗ trợ cho cán bộ, công chức thuê nhà ở hoặc hỗ trợ tiền đi lại, thậm chí có thể hỗ trợ, tạo điều kiện cho cán bộ, công chức chuyển cả gia đình đến địa điểm mới.
"Có nhiều chính sách có thể tổ chức được, tùy theo điều kiện của mỗi khu vực, mỗi tỉnh sau khi sáp nhập. Các địa phương phải xác định nhu cầu của từng cán bộ, công chức, viên chức để đưa ra chính sách hỗ trợ sao cho phù hợp để tránh lãng phí”, ông Dĩnh nói.
Để đảm bảo các chính sách đạt được kết quả cũng như đảm bảo sự công bằng, tiết kiệm, tránh lãng phí, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh cho biết, trong quá trình thực hiện cần nắm được nhu cầu thực sự của cán bộ, công chức, viên chức về số lượng, điều kiện, nhu cầu nhà ở công vụ để bố trí cho phù hợp. Đồng thời tiến hành quản lý chặt chẽ nhà công vụ, đảm bảo hỗ trợ đúng người, đúng đối tượng và đúng chính sách, tránh sự biến tướng. Khi còn đang làm việc, cán bộ, công chức được sử dụng nhà công vụ theo quy định, nhưng khi không còn làm việc nữa thì phải trả lại theo quy định.
Theo ông Dĩnh, nếu nhu cầu đăng ký nhà ở công vụ lớn thì về lâu dài cần phải có tính toán phù hợp. Còn để phục vụ trước mắt và số lượng cán bộ, công chức, viên chức đăng ký không nhiều thì có thể tận dụng những trụ sở dôi dư để cải tạo, chuyển đổi công năng thành nhà công vụ cũng là một phương án cần tính đến để tránh lãng phí.
Nhấn mạnh chính sách về nhà ở công vụ cho cán bộ, công chức, viên chức đi làm xa sau khi sáp nhập đơn vị hành chính là cần thiết, TS Vũ Trung Kiên – Phó Trưởng khoa Xây dựng Đảng, Học viện Chính trị khu vực 2 cho rằng, câu chuyện về nhà ở công vụ tới đây có thể sẽ không khó khăn bởi vì sau khi sáp nhập, bỏ cấp huyện thì sẽ có nhiều trụ sở công sản dôi dư. Do đó, có thể chuyển đổi công năng để biến trụ sở dôi dư thành nhà ở công vụ phục vụ cán bộ, công chức đi làm xa để họ yên tâm làm việc.
Bên cạnh phương án bố trí nhà công vụ, ông Nguyễn Tiến Dĩnh cho rằng, để giúp cán bộ, công chức, viên chức, người lao động yên tâm làm việc sau khi sáp nhập, có thể áp dụng chế độ làm việc từ xa cho một số vị trí công việc đặc thù hoặc công chức có con nhỏ hoặc những hoàn cảnh gia đình đặc biệt.
Việc này không chỉ phù hợp trong bối cảnh phát triển công nghệ thông tin, xây dựng Chính phủ số, chính quyền số, công dân số mà còn là đổi mới về phương thức quản trị nhân lực trong cơ quan Nhà nước hiện nay - đó là quản lý theo kết quả đầu ra thay bằng quản lý theo quá trình đối với đội ngũ cán bộ, công chức hiện nay.
"Đánh giá cán bộ, công chức thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo vị trí việc làm là phải theo kết quả, theo sản phẩm cụ thể, sản phẩm cuối cùng đạt được so với nhiệm vụ và thẩm quyền mà họ được giao, cộng với tinh thần, thái độ trong công việc thể hiện bằng sự hài lòng của nhân dân chứ không phải nặng về đánh giá, quản lý theo thời gian, quá trình hay quản lý cán bộ, công chức ở cơ quan hay không”, ông Nguyễn Tiến Dĩnh nêu ý kiến.
Tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết thí điểm về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội tổ chức mới đây, Ủy ban Pháp luật và Tư pháp đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định cơ quan Nhà nước được thuê nhà ở xã hội để bố trí cho công chức của mình ở, nhất là tại các địa phương thực hiện sáp nhập, tạo thuận lợi cho việc thực thi công vụ của các đối tượng này.
Từ phía đại diện cơ quan chủ trì soạn thảo, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh đồng tình đề nghị trên. Theo ông, thời gian tới, một lực lượng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động chịu tác động khi sáp nhập đơn vị hành chính sẽ có nhu cầu nhà ở xã hội cho thuê, thuê mua, nên ban soạn thảo sẽ nghiên cứu bổ sung quy định.
(Theo VOV)

Ý kiến bạn đọc

Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Anh - ASEAN đẩy mạnh hợp tác về y tế

Anh - ASEAN đẩy mạnh hợp tác về y tế

Theo thông tin từ Đại sứ quán Anh tại Việt Nam, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Anh đã chính thức khởi động chương trình Hợp tác An ninh y tế ASEAN - Anh (HSP) kéo dài 5 năm, nhằm tăng cường năng lực của ASEAN trong việc phòng ngừa, phát hiện và ứng phó với các mối đe dọa đến sức khỏe.

Đồng hành với nhân dân trong sắp xếp chính quyền hai cấp

Đồng hành với nhân dân trong sắp xếp chính quyền hai cấp

Chiến dịch “Thanh niên tình nguyện hè” năm nay diễn ra đúng lúc cả nước khẩn trương triển khai sắp xếp đơn vị hành chính 2 cấp, tổ chức Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng. Đây là thời cơ và cũng là thách thức lớn đối với tổ chức Đoàn, Hội trong kiện toàn bộ máy, ổn định tổ chức, nâng cao hiệu quả hoạt động.

Mùa hè ý nghĩa của trẻ em vùng cao

Mùa hè ý nghĩa của trẻ em vùng cao

Mùa hè của trẻ em thành phố là những chuyến du lịch cùng gia đình, về quê nội, ngoại hay khám phá các khu vui chơi cùng bố mẹ. Nhưng với trẻ em vùng cao, mùa hè là khoảng thời gian để giúp đỡ gia đình. Mùa hè với mỗi đứa trẻ đều có ý nghĩa khác nhau, dù đủ đầy hay vất vả, đều là những kỷ niệm đáng nhớ, đem lại nhiều bài học trong cuộc sống sau này.

Tuyên chiến với thuốc giả: Yêu cầu hành động toàn diện

Tuyên chiến với thuốc giả: Yêu cầu hành động toàn diện

Trước thực trạng thuốc giả, thực phẩm chức năng giả ngày càng len lỏi vào hệ thống phân phối, đe dọa trực tiếp đến sức khỏe cộng đồng và niềm tin vào ngành y tế, vấn đề đặt ra hiện nay là cuộc chiến chống thuốc giả, không chỉ là trách nhiệm hành chính. Đó là phép thử về năng lực quản lý, khả năng ứng dụng công nghệ và đặc biệt - là thước đo đạo lý của xã hội.

fb yt zl tw