Chị Hảng Thị Dông - Chủ tịch Hội LHPN huyện Trạm Tấu cho biết: "Phát triển kinh tế luôn là mối quan tâm hàng đầu của chị em phụ nữ vùng cao. Bởi vậy, các chủ tịch Hội cơ sở không chỉ tuyên truyền mà còn là người vận động, động viên, khuyến khích chị em nỗ lực vươn lên, phát triển kinh tế gia đình. Các chủ tịch Hội vận động chị em tham gia các lớp đào tạo, tập huấn khoa học kỹ thuật, đào tạo nghề do Hội tổ chức; hỗ trợ chị em tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi, các chương trình tín dụng… Nhờ đó, trong những năm qua, Trạm Tấu đã có nhiều hội viên mạnh dạn thử sức với các mô hình kinh tế mới như: trồng dưa Mông, trồng su su của hội viên xã Bản Công; mô hình chăn nuôi tổng hợp, kinh doanh dịch vụ của hội viên xã Hát Lừu; mô hình dệt may thổ cẩm của hội viên xã Làng Nhì. Nhiều hội viên phụ nữ từng bước chuyển đổi từ sản xuất tự cung, tự cấp sang chú trọng phát triển các sản phẩm lợi thế của địa phương như: chè Shan, khoai sọ nương, du lịch trải nghiệm…”.
Cùng với động viên chị em phát triển kinh tế, các chủ tịch Hội còn khuyến khích chị em giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc bằng việc tuyên truyền tới chị em về ý nghĩa và vai trò của phụ nữ trong việc giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa. Qua đó, đã thành lập câu lạc bộ giữ gìn bản sắc văn hóa trang phục dân tộc Mông tại 3 xã: Bản Công, Làng Nhì, Tà Xi Láng; thành lập, duy trì các đội văn nghệ phụ nữ tại nhiều xã, thị trấn.
Chị Cứ Thị Vang - Chủ tịch Hội LHPN xã Làng Nhì chia sẻ: "Hiểu rõ vai trò của người phụ nữ trong giữ gìn văn hóa truyền thống, tôi đã hướng dẫn, chỉ đạo xây dựng Câu lạc bộ Giữ gìn văn hóa trang phục dân tộc Mông xã Làng Nhì, từ đó tích cực nâng cao ý thức, vai trò của chị em trong giữ gìn trang phục truyền thống, nhất là việc vẽ sáp ong trên vải của dân tộc Mông. Tôi cũng hướng dẫn và cùng tham gia thành lập Đội văn nghệ phụ nữ xã từ năm 2020 với 7 thành viên ban đầu, đến nay đã có 30 thành viên với 4 đội văn nghệ tại 3 thôn trên địa bàn”.
Nhằm giúp chị em có thêm hiểu biết, kiến thức xã hội để bảo vệ bản thân, chăm sóc, xây dựng gia đình tiến bộ, hạnh phúc, các cán bộ Hội cơ sở tích cực triển khai các hoạt động tuyên truyền về bình đẳng giới; phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, mua bán người, bạo lực gia đình…
Chị Lý Thị Cầu - Chủ tịch Hội LHPN xã Túc Đán cho biết: "Trong giai đoạn 2017 - 2025, Ban Chấp hành Hội LHPN xã phối hợp tổ chức nhiều hoạt động để tăng cường kiến thức, hiểu biết cho chị em về các vấn đề xã hội như: tổ chức 24 buổi truyền thông về bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình, phòng chống xâm hại phụ nữ và trẻ em, thu hút trên 1.500 lượt chị em phụ nữ tham gia; tổ chức 12 lớp tập huấn về kỹ năng bảo vệ quyền lợi phụ nữ và trẻ em, nâng cao nhận thức về pháp luật cho hội viên; tổ chức 8 hội thi về phòng, chống bạo lực gia đình, 1 hội thi về phòng, chống xâm hại trẻ em; tổ chức nhiều buổi nói chuyện cung cấp kiến thức về giữ gìn, rèn luyện phẩm chất đạo đức và ý thức chấp hành pháp luật, về vai trò của cha mẹ trong phòng, chống bạo lực gia đình… cho nhiều lượt phụ nữ tham gia”.
Chị Sùng Thị Lử - Chủ tịch Hội LHPN xã Bản Công chia sẻ: "Nhiều cán bộ Hội cơ sở còn là người trực tiếp tham gia hòa giải thành công nhiều vụ việc mâu thuẫn trong hôn nhân gia đình; lắng nghe, san sẻ những tâm tư, tình cảm của chị em, tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn để chị em phụ nữ làm tốt hơn vai trò của người vợ, người mẹ, giữ gìn các chuẩn mực đạo đức, văn hóa ứng xử trong gia đình”.
Hiểu hơn ai hết những hạn chế, thiệt thòi của phụ nữ vùng cao, các chủ tịch Hội LHPN cơ sở tại Trạm Tấu bằng trách nhiệm và sự tận tâm đã trở thành chỗ dựa tinh thần vững chắc, góp phần hỗ trợ chị em phụ nữ vươn lên trong cuộc sống.
Thu Hạnh