Trong lĩnh vực kinh tế, Hội Nông dân xã Báo Đáp tích cực vận động nông dân mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, gắn với nhu cầu thị trường. Những con số thống kê đã phần nào phản ánh hiệu quả Phong trào như: tổng diện tích gieo cấy lúa đạt 109,3ha, diện tích trồng cây màu 72ha; trồng mới 4ha chè xuân, nâng tổng diện tích chè toàn xã lên 22,3ha; trồng mới 20ha dâu, sản lượng kén tằm đạt 227 tấn.
Bà Ngô Thị Thúy Vân - Chủ tịch Hội Nông dân xã Báo Đáp cho biết: "Chúng tôi bám sát nhiệm vụ công tác Hội và mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của huyện để tổ chức các phong trào thi đua. Hàng năm, trên 80% hội viên đăng ký danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi. Riêng năm 2024, có 570 hội viên đăng ký, trong đó 354 hộ được công nhận danh hiệu các cấp. Năm 2025, số lượng đăng ký tăng lên 610 hộ”.
Từ phong trào này, nhiều mô hình kinh tế hiệu quả đã ra đời, tiêu biểu như: mô hình nuôi tằm của hội viên Nguyễn Thị Phương ở thôn Đồng Trạng; mô hình chăn nuôi dê của hội viên Nông Đình Khoa ở thôn Làng Gặt... Không chỉ dừng lại ở sản xuất cá thể, Hội còn vận động thành lập tổ hợp tác và chi hội nghề nghiệp. Hiện nay, xã có Tổ hợp tác nuôi ong lấy mật tại thôn Phố Hóp, Chi hội nghề nghiệp trồng dâu nuôi tằm tại thôn Đồng Sâm… Qua đó, tạo thêm nhiều việc làm, nâng cao thu nhập cho hội viên.
Một điểm sáng trong bức tranh kinh tế của Báo Đáp là sự hồi sinh mạnh mẽ của nghề trồng dâu, nuôi tằm. Xã hiện có hơn 210 ha dâu với hơn 260 hộ tham gia, tập trung ở các thôn Đồng Sâm, Đồng Trạng, Đình Xây, Đồng Bưởi... Ông Trần Đức Tiến - Chủ tịch UBND xã Báo Đáp chia sẻ: "Chúng tôi xác định phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm không chỉ là hướng đi kinh tế bền vững mà còn gắn với mục tiêu xây dựng nông thôn mới nâng cao. Xã đã tích cực phối hợp với các tổ chức hội, đoàn thể vận động nhân dân dồn điền đổi thửa, mở rộng diện tích dâu và thành lập làng nghề trồng dâu nuôi tằm tại thôn Đình Xây”.
Hiện nay, xã đã thành lập được một hợp tác xã (HTX) và 18 tổ hợp tác trồng dâu nuôi tằm. Đặc biệt, hình thành chuỗi liên kết sản xuất ổn định giữa HTX Dâu tằm Báo Đáp và người dân, đảm bảo đầu ra bền vững cho sản phẩm kén tằm.
Song song với phát triển kinh tế hộ gia đình, xã Báo Đáp còn chú trọng phát triển kinh tế tập thể. Hiện trên địa bàn có 6 HTX đang hoạt động hiệu quả, thu hút hơn 70 thành viên tham gia. Đặc biệt, Hội Nông dân xã đã vận động thành lập HTX Nông nghiệp dược liệu Báo Đáp với ngành nghề chính là trồng cây gia vị, dược liệu và sản xuất dược phẩm.
Với 30 thành viên, vốn điều lệ 6 tỷ đồng, HTX này đã tạo ra mối liên kết chặt chẽ từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Nhằm tiếp sức cho hội viên phát triển sản xuất, Hội Nông dân xã Báo Đáp đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách Xã hội và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện hiệu quả chương trình ủy thác cho vay vốn.
Đến nay, Hội đang quản lý 4 tổ tiết kiệm và vay vốn với dư nợ gần 5 tỷ đồng, cùng 11 tổ vay vốn khác với tổng dư nợ gần 69 tỷ đồng, tạo điều kiện cho hơn 400 hộ có nguồn lực phát triển kinh tế.
Song song với hỗ trợ vốn, công tác tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cũng được đặc biệt chú trọng. Năm qua, Hội đã phối hợp tổ chức 18 buổi tập huấn với sự tham gia của hơn 680 lượt hội viên. Ngoài ra, phối hợp với các doanh nghiệp tổ chức tập huấn kỹ thuật thâm canh cây trồng, vật nuôi cho hơn 1.000 lượt hội viên.
Thời gian tới, Hội Nông dân xã Báo Đáp đặt mục tiêu tiếp tục vận động hội viên phát triển các mô hình kinh tế có hiệu quả; thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể; tổ chức xây dựng và nhân rộng các mô hình chi, tổ hội nghề nghiệp; chú trọng quảng bá, xây dựng thương hiệu sản phẩm nông nghiệp; nâng cao nhận thức của hội viên về lợi ích liên kết sản xuất để nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường.
Trần Ngọc